A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhớ Nội

Nhói lòng hắt hiu. Lâu rồi không nghe lại những câu vọng cổ, những tuồng cải lương mà tuổi thơ chìm đắm trong thứ tình yêu kỳ lạ này nhờ người đàn bà chỉ biết đọc dăm ba chữ to trên mấy tờ báo phổ thông. Nhớ mỗi lần huyện nghèo có đoàn hát nào về, hai bà cháu luôn được ba tìm sẵn mấy cái vé mời, rồi sẵn sàng dắt nhau đi trong đêm. Thời đó không có điện đường sáng trưng như bây giờ, phải cầm theo đèn để dò đường đến rạp hát, đứng, ngồi xổm dưới đất nghe hết tuồng mới v ề. Dù trời mưa gió cũng không bỏ qua cơ hội đi nghe hát.

 Tranh của họa sĩ TRẦN NGUYÊN

Những lúc thong thả ở nhà, mở chiếc cassette nhỏ, cùng với những chiếc băng thâu đủ loại tuồng phong phú, luôn được nội xếp đặt, cất giữ cẩn thận, nâng niu… nội như ở trong một thế giới khác. Thỉnh thoảng, nội lại nhờ tôi hoặc đứa cháu nào đó viết đi viết lại tên các vở tuồng trên miếng dán, viết phải nắn nót, phải ngay ngắn to rõ để nội còn đọc được. Tôi nhớ nhiều khi nghe đi nghe lại rồi tua đi tua lại đoạn mình thích nghe, nhiều quá băng bị nhão rối nùi. Ngồi gỡ băng, dán băng phát khùng mà vẫn kiên nhẫn lắm.

Những tuồng cổ trong băng thì nội nghe đi nghe lại từ năm tháng này qua năm tháng khác theo thời gian, theo tuổi tác. Sau này, đời sống khá hơn chút, ba sắm cái đầu video cho nội xem và nghe tuồng có hình ảnh. Lúc này thì những đoàn hát lớn hay nhỏ cũng hiếm khi về huyện. Nội vẫn say mê với các loại tuồng. Bộ sưu tập của nội có thêm những cuốn băng hình đồ sộ nặng túi mỗi lần rời quê đi thăm con cháu xa, mà nội hay nói đùa - tau đi lang bạt giang hồ mươi bữa - nội cũng mang theo.

Chồng mất sớm, nội không đi bước nữa, ở vậy buôn bán đường gần đường xa các loại mắm, muối khô cá, nuôi con xuyên suốt những chuyến xe dài rong ruổi vào nam rồi ra Huế. Hình như với người đàn bà miền biển, xứ chài lưới, niềm vui tinh thần chỉ có những câu ca vọng cổ làm bước đệm cho nội trên đường đời.

Năm nội 99 tuổi nội vẫn còn đọc báo, xâu kim xỏ chỉ được. Nhưng chỉ mới thêm một tuổi tròn trăm, nội đã không nghe rõ con cháu nói gì nữa, mắt đã đục mờ hơn. Nội vẫn cất giữ những cuộn băng thâu và băng hình một số tuồng cải lương như vật báu. Nhưng lâu rồi tôi không thấy nội mang nó ra lục lọi chỉ vào từng cái nhan đề nói đây là tuồng gì tuồng gì, tuồng này có nghệ sĩ nào đóng. Nội nhớ hết từng cái tên, từng khuôn mặt của các nghệ sĩ cải lương một thời, Út Bạch Lan, Thanh Sang, Minh Vương, Lệ Thủy, Vũ Linh, Minh Phụng. Hẳn là nội không còn đủ sức. Thay vào đó, tuổi hơn trăm có lẻ, nội nhặt nhạnh những thứ mà người ta gọi là rác cất giấu bên mình. Người đàn bà một thời tung hoành ngang dọc, mê cải lương, ngồi vui giữa chốn đông người vẫn thường cất câu hò đó có thể đã từng là một doanh nhân, mỗi lần thò tay vào túi áo thế nào cũng có dăm ba đồng cho con cháu khi thiếu thốn, nay chỉ là một cái cây khô giữa cánh đồng thời gian vậy.

Một đời người chẳng mấy chốc mà trăm năm. Cả tuổi thơ tôi gắn với những câu vọng cổ buồn, gắn với nội và miền quê xứ xa xăm bên kia Phá Tam Giang của xứ sở mưa dầm buồn ảo nảo. Thời sinh viên, mỗi lần lòng buồn, cô độc, tôi lại lần mò một mình về với quê biển, với nội. Chỉ cần được chui vào cái nhà nhỏ của nội nằm nghe gió biển thổi, được nội tay quạt cho giấc ngủ trưa hè là thấy lòng bay bay không còn phiền muộn vơ vẩn nữa.

Trưởng thành rồi, cơm áo phiêu bạt xa xứ, ngồi nghe vọng cổ buồn chợt nhớ cả một khoảng trời thơ. Thỉnh thoảng nhớ nội có hò mấy lời trong đêm bằng giọng Huế với làng với xóm: “Cầu trường tiền sáu vài mười hai nhịp/ em qua không kịp tội lắm anh ơi/ mấy lâu ni mang tiếng chịu lời/ có xa nhau chăng nữa, cũng tại ông trời mà xa”. Giờ ngồi nghe vọng cổ hồi nhớ tuổi thơ của mình và của biết bao thân phận con người nơi xứ sở ấy.

Trần Băng Khê (theo baobinhdinh.com.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu