A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngôi miếu cổ

Đó là ngôi miếu nằm giữa cánh đồng, từ làng tôi băng qua con đê, qua hai cánh đồng, đến cái ao nước xăm xắp quanh năm, ngôi miếu nằm bên gốc duối cổ thụ.

Bà nội kể, từ đời ông cố tôi ngôi miếu đã được xây dựng, bên ngoài nhìn đơn giản nhưng vào trong miếu được chạm trổ tinh vi hình rồng, phượng và hoa văn, văn tự cổ. Bao đời rồi, bom đạn, bão lũ dập xuống làng tôi, ngôi miếu vẫn nằm im lìm nép mình bên gốc duối như không hề biết đến chiến tranh loạn lạc, hay thiên tai địch họa gì.

Người làng tôi mỗi khi đi qua cánh đồng đến trước ngôi miếu thường dừng lại van vái. Ai trong làng có việc đi xa cũng không quên ra miếu thắp cây hương. Thích nhất là tụi trẻ chăn bò, trưa nắng thả bò gần đấy là chạy vào miếu ngồi, hôm nào gió mát có đứa lại ngủ quên cho đến khi bò ăn lúa no nê, người làng réo um lên mới lồm cồm dậy ra lùa bò về.

Ðất làng tôi ven sông, mỗi mùa lũ qua đi sông để lại một lớp phù sa, nên làng tôi gieo trồng gì cũng bội thu. Ðất lành chim đậu, người đến làng tôi lập nghiệp ngày càng đông. Người làng tôi hiền lành, lòng rộng rãi như sông, hễ thấy người nơi khác đến sinh sống là tìm cách làm thân, có cơ hội lại giúp đỡ cho đến khi họ xem làng là quê. Một năm bão nổi, lũ dâng, sau đó người làng ra sông thấy một thiếu phụ mang thai bị bão lũ cướp đi sinh mệnh, trôi dạt vào bờ, nên chôn cất. Những bậc cao niên trong làng liên tục mơ thấy thiếu phụ dắt theo đứa trẻ xin chính thức tá túc tại làng, nên cất ngôi miếu.

Từ bao giờ, người làng tôi xem ngôi miếu thân thuộc như nhà, là nơi nghỉ chân mỗi khi ra đồng, nắng nóng, là chỗ dựa tâm linh cho người làng khi đi xa.

Mùa hè năm đó tôi về nội, như mọi lần tôi chạy ra đồng giữa trưa cùng tụi trẻ chăn bò. Thấy tôi vừa ra đến hiên, bà nội gọi giật:

- Chơi đâu thì chơi, không được vô miếu nghe chưa!

Tôi ngạc nhiên, bao năm nay về nội, ra đồng chơi gặp lúc nắng lên tôi chạy vô miếu tránh nắng, nay sao nội lại nói vậy.

- Nội ơi sao con lại không được vô đó? - Tôi hỏi.

- Ðã nói không được vô là không được vô! - Bà tôi cắm cảu.

Tôi chạy biến đi, chẳng dám đứng đó nghe bà mắng.

Ra đồng giữa trưa, tôi thả diều với tụi chăn bò một lúc thì thấm mệt, tụi nó kéo tôi đi, đến bên bụi tre cuối làng ngồi tránh nắng. Lúc đi qua ngôi miếu, tôi chỉ vào trong hỏi thằng Tẹo.

- Sao không vô miếu?

- Không được! - Thằng Tẹo ghé tai tôi thì thầm - Có ma đó!

- Ma? - Tôi ngạc nhiên.

- Không tin mày về hỏi ông bà nội là biết.

Tôi ngồi chơi với tụi nó mà mắt cứ nhìn về ngôi miếu, băn khoăn, xưa nay có nghe vậy bao giờ. Thấy tôi cứ nhìn về hướng đó, thằng Tẹo kéo tôi lại thầm thì “Một lần, ông Ba Canh đang đêm ra ruộng, đi qua miếu ông nghe có tiếng rì rầm, ông nhìn vô thấy trong miếu có hai bóng người. Ðêm sau ra ruộng, ông đi qua lần nữa vẫn thấy cảnh đó, ông về kể lại bà con trong làng, mọi người để ý thấy đúng như lời ông Ba Canh, chỉ khác là đêm có, đêm không”. Tôi yên lặng nghe, cũng run khi nghĩ đến cảnh mấy con ma hiện ra.

Hè năm sau tôi về, việc đầu tiên là chạy ra đồng. Lần này trong đám trẻ chăn bò có thêm một thằng bé còi cọc, gương mặt lạ hoắc, tôi nghe tụi chăn bò gọi nó là Cỏ. Tôi tưởng thằng Cỏ ở làng bên sang chơi, thả diều xong tụi nó kéo tôi về hướng ngôi miếu ngồi hóng mát. Ðến trước cửa miếu, tôi dừng lại giật tay thằng Tẹo:

- Sao lại vô đó? Có ma mà?

Thằng Tẹo cười phá lên, cả bọn thấy vậy cũng cười theo. Xong, nó chỉ tay vào thằng Cỏ:

- Ma đó! Ma đó! - Nói rồi nó giả bộ làm ma, lấy tay banh cái miệng rộng ra tới tận mang tai, nhào về phía tôi.

Biết nó giỡn, tôi đứng yên nhưng không khỏi băn khoăn.

Trong khi cả bọn nằm sóng xoài trên nền gạch mát rượi, tôi vẫn đứng bên ngoài, thằng Cỏ thấy vậy nắm tay tôi:

- Nè vô trong cho mát, không có ma đâu! - Lần đầu tiên tôi nghe giọng nó, giọng con trai mà nhỏ nhẹ dễ thương gì đâu.

Tôi theo nó vào trong, rồi cũng chẳng đứa nào quan tâm đến nỗi băn khoăn của tôi, tụi nó nhao lên bày đủ trò chơi, chỉ mỗi thằng Cỏ là ngồi tư lự nhìn ra cánh đồng. Tôi lại gần nó:

- Nhà em ở làng bên à?

- Không… - Nó lắc đầu, mắt vẫn nhìn ra xa.

Tôi nhìn thằng Cỏ, một lúc thấy trong mắt nó như có nước.

- Thế em ở đâu? Sao chị về hoài không gặp?

Thằng Cỏ im lặng cúi đầu, tay nó vân vê cái lai áo, tôi nhìn thấy những ngón tay của nó run run cứ như đang làm điều có lỗi. Ðoán nó có nỗi niềm gì đó, tôi không hỏi nữa mà rủ nó lên đồi tìm trái dủ dẻ. Vừa nghe tôi rủ, nó xăng xái đứng lên.

- Ði đi chị! - Nó giục.

Tôi và thằng Cỏ băng qua hết cánh đồng vẫn còn nghe tiếng tụi thằng Tẹo cãi nhau chuyện bẫy chim. Hái dủ dẻ bọc trong áo, tôi và thằng Cỏ về đến đầu làng trời đã chiều. Thằng Cỏ dừng lại mở bọc áo đầy trái, đổ hết qua áo tôi.

- Cho chị nè! - Nói rồi nó chạy biến.

Thấy tôi trở về với một bọc dủ dẻ to trước bụng, bà tôi mắng yêu:

- Cha mày! Dang nắng từ trưa tới chiều được chừng đó đó?

Tôi cười toe, lom khom vào bếp tìm cái rổ, xong cởi gút áo đổ ra, được lưng lửng cái rổ mê, tôi bê ra giữa hiên đặt trước mặt ông bà nội như một “chiến công”. Bà tôi nhìn cái rổ nghi ngờ, quay qua ông tôi:

- Ðứa nào hái cho, chớ nó làm gì chui vô bụi hái được nhiêu đó!

Ông tôi ậm ừ ra chiều chẳng quan tâm, thấy vậy tôi ôm lưng bà nội thủ thỉ:

- Con hái được hai chùm, còn thằng Cỏ hái hết, nó cho con!

- Thằng Cỏ á? Sao không biểu nó vô ăn cơm luôn?

- Mà nó là con nhà ai hả nội, con hỏi nó không nói gì...

Bà tôi thủng thẳng vần nồi cơm vào tro, rì rầm kể, tôi ngồi yên lắng nghe. Hóa ra thằng Cỏ là con ông hát xẩm ở chợ làng bên. Ngày ngày thằng Cỏ dắt cha đi kiếm ăn, đêm về ngủ ở chợ. Rồi người ta phá chợ cũ, xây chợ mới, cha con thằng Cỏ mất chỗ trú thân. Vậy rồi cha con nó dắt díu đến ngôi miếu làng tôi. Ngày lang thang kiếm ăn, đêm đến đợi xóm làng ngủ hết, cha con nó mới dắt nhau về miếu ngủ nhờ, hôm sau trời chưa sáng hẳn đã se sẽ đi, sợ người làng phát hiện, không cho ngủ ở miếu thiêng. Từ đó chuyện trong miếu cứ tối lại có hai bóng người rì rầm truyền tai từ người này sang người khác, cứ thế thêu dệt thêm. Ðêm đó như mọi lần, cha con thằng Cỏ dắt nhau về miếu, mấy ngày trước đó cha thằng Cỏ đã bệnh nhưng vẫn cố đi, đêm về đến cửa miếu, ông gục xuống. Thằng Cỏ đành chạy vào xin người làng tôi cứu giúp, bà con chạy ra đưa cha nó vào trạm xá nhưng bệnh nặng lâu ngày, cha nó qua đời. Trước khi qua đời ông xin bà con thương tình cưu mang thằng Cỏ, nó còn nhỏ dại.

Làng tôi mỗi người một tay lo cho cha thằng Cỏ, xong ai cũng sẵn sàng nhận Cỏ về nuôi. Cuối cùng làng cho Cỏ được chọn. Cỏ xin về với vợ chồng ông Cang làng bên, ông bà chỉ có một người con ở xa. Từ ngày Cỏ về làm con ông bà Cang, làng xóm cách vài ba ngày có người lại mang đồ sang cho, khi thì ang lúa, lít dầu, lúc lại thì nải chuối, con gà… để ông bà Cang nuôi thằng Cỏ.

Bà tôi kể xong, lọ mọ ra hiên giục ông tôi thắp cây đèn dầu cao ra giữa sân để dọn cơm. Tôi sắp chồng chén, mấy đôi đũa ra mâm rồi nhìn ra đồng, một làn khói mỏng bay lên như dải lụa mềm, nhà ai đang đốt đồng. Xa kia ngọn đồi xanh thẫm lại trong màn chiều, hương lúa theo gió quyện vào đến sân. Tôi hít hà “mùi quê” thấy lòng rưng rưng ấm. Quay sang bà đang xới cơm ra chén, tôi thầm thì:

- Ăn xong nội cho con qua nhà thằng Cỏ, con đem cho nó mấy củ khoai lùi.

Vũ Ngọc Giao (theo baocantho.com.vn)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu