Ngoái đầu nhìn lại
Ông tình cờ biết chuyện của ông nhạc sĩ già sống âm thầm như một kẻ vô danh, muốn làm gì đó để giúp đỡ người từng có mấy bài hát mà ông đã nghêu ngao từ tuổi thiếu nhi. Giấy chứng nhận của một ông tướng, của hai nhạc sĩ lão làng, của một quan chức Bộ Văn hóa… và lời trần tình của người trong cuộc, tất cả đều trở thành vô dụng trước thông tin “tình nghi theo địch”. Ông lão nhạc sĩ kể rằng do vợ mới sinh con, nặng lòng với gia đình nên ông không tập kết. Ở lại, gia đình ông bị chính quyền Sài Gòn xếp vào thành phần cần theo dõi, vì thế ông không tiếp tục hoạt động, cũng không được giao nhiệm vụ gì. Chuyện “theo địch” chỉ là nghe nói, là tình nghi…
Vợ ông bảo: “Ông chỉ hay lo chuyện bao đồng”. Lời trách ấy không sai. Nhưng ông không thể không làm điều mình thấy cần làm. Để rồi tự chuốc cho mình nỗi buồn…
Sau khi ăn sáng cùng vợ, ông ra phòng khách uống trà, ngồi ngắm tác phẩm vừa hoàn thành của mình: bức tranh màu nước “Mã đáo thành công” biến tấu. Ông mỉm cười khi nghĩ tới lúc có người sẽ gọi ông là “họa sĩ”, thay cho danh xưng “lão nhạc sĩ” quen thuộc. Nhớ lại, ông cũng đã thọ giáo anh con út hơn một năm rồi chứ đâu có ngắn! Anh con của ông là một họa sĩ chuyên vẽ sơn dầu và cộng tác vẽ minh họa cho mấy tờ báo. Nhân một hôm vui vẻ, ông hỏi con liệu tuổi ông còn học vẽ được không? Anh con cười cười: “Nếu bố có lòng say mê và tính kiên trì thì được”. Ông bảo: “Tôi sẽ cố gắng”. Anh con út: “Vậy thì con sẽ dạy bố từ cơ bản đến vẽ được một bức tranh”. Vậy là sau một năm, ông vẽ được bức tranh đầu tiên, dẫu chỉ bằng màu nước! Anh con út nhận xét: “Màu sắc chưa hòa hợp lắm, bố cục cũng chưa chặt, nhưng rất có ý nghĩa. Chúc mừng bố”.
Ông chọn nội dung “mã đáo thành công” vì ông vừa nhận được một giải thưởng cao của Nhà nước về âm nhạc, công việc mà ông dành trọn đời sống chết theo đuổi. Sự nghiệp của ông đến đây xem như viên mãn, há chẳng phải là “mã đáo thành công” đó sao! Nhưng ông không vẽ lại mấy con ngựa đua nhau về đích như xưa nay người ta đã vẽ. Ông đã về đến đích rồi. Ông đang nhìn lại chặng đời mình và nhân tiện, nhìn lại những người bạn, đám đàn em… Có vẻ như họ không khẩn trương như ông mà cứ nhẩn nha nước kiệu. Có người còn chẳng nghĩ ngợi gì đến cái giải thưởng mà ông vừa có. Thôi thì mỗi người một quan niệm sống. Họ không bắt ông phải nghĩ, phải sống như họ thì ông cũng vậy, chấp nhận quan niệm sống của họ. Ông đã vẽ biến tấu bức “Mã đáo thành công” với con ngựa dẫn đầu ngoái nhìn lại đám mấy con phía sau, con bước thong thả, con dừng hẳn để gặm cỏ…
Có tiếng chuông cổng. Ông bước qua sân mở cổng, đón khách.
Anh phóng viên của báo Người Thợ thường đến chơi với con trai ông chào ông rồi nói: “Con muốn gặp anh Tuân”. Ông vừa khép cổng vừa trả lời: “Anh ấy đi ra ngoài từ sớm, có bảo là khoảng 9 giờ sẽ về. Bây giờ là tám giờ rưỡi rồi, anh vào chơi uống nước đợi anh ấy vậy. Hôm nay thứ bảy chắc anh cũng thong thả…”.
Anh nhà báo vừa vào đến phòng khách đã đến trước bức tranh màu nước mà nhìn ngắm rồi thích thú reo lên: “Tuyệt lắm!”. Ông được khen, vui nức lòng, tạm quên đi nỗi buồn không giúp đỡ được ông nhạc sĩ già ở huyện xa.
Anh nhà báo lấy máy ảnh ra chụp bức tranh nhiều lần. Xong xuôi, anh ta nói với ông: “Tuy không phải là sơn dầu quen thuộc nhưng màu nước thế này cũng tốt rồi, một thay đổi về chất liệu thú vị đây!”. Và… anh ta kiếu về!
- Ồ! Anh không đợi anh Tuân nhà tôi à? - Ông hỏi.
- Dạ, không cần gặp nữa ạ.
- Sao thế?
- Dạ, con vội lắm. Bộ phận kỹ thuật đang chờ…
Dù không đoán được rõ ràng đầu đuôi nhưng ông cũng gật đầu với khách:
- Anh bận thì cứ về vậy. Thế anh Tuân nhà tôi về, tôi có cần kể lại việc anh đến đây không?
- Dạ cũng không cần đâu ạ. Con sẽ gọi điện cho anh ấy…
Khách về, ông trở lại phòng khách vừa lúc vợ ông bước ra. Ông khoe:
- Bức tranh tôi vẽ có người khen đấy!
- Người ta khen lấy lòng mà ông tưởng thật hả?
- Không, tôi tin chắc là khen thật!
- Ừ! Thì khen thật!
Ông biết bà vợ không muốn tranh cãi với ông mới nói thế.
*
Sáng hôm sau, chủ nhật, anh con trai út của ông đi ăn sáng về, đưa cho ông tờ báo Người Thợ số cuối tuần in nhiều màu.
- Tranh của bố được in báo đấy!
- Cái gì? Bức “Mã đáo thành công” của tôi ấy hả?
- Vâng! Chính nó! Nó được dùng làm tranh minh họa cho cái truyện ngắn của nhà văn Hoàng nổi tiếng cả nước. Vinh dự lắm đó, bố xem đi!
Ông ngồi xuống ghế sa-lông, mở tờ báo tìm trang in tranh của mình. Đây rồi! Nó được in màu hẳn hoi, đặt ở giữa trang sáng tác mà phía trên là dòng chữ lớn “Khoảnh khắc - Truyện ngắn của nhà văn Hoàng”.
Niềm vui vừa đến với ông chợt bị chặn lại khi ông đọc dòng chữ dưới bức tranh: “Minh họa của họa sĩ Tuân”.
- Sao lại thế này? - Ông ngẩng lên hỏi con.
- Là do anh phóng viên hiểu lầm bố ạ - Anh con trai giải thích - Hôm đến nhà mình, thấy bức tranh của bố ở phòng khách anh ấy lại tưởng là của con vẽ xong để sẵn đấy, nên anh ấy vội chụp hình để in minh họa cho cái truyện. Con đã giải thích lúc nghe điện thoại anh ấy gọi và anh ấy đã hứa ghi tên tác giả là bố nhưng cuối cùng anh ấy lại quên… Sáng nay đưa báo biếu cho con, anh ấy đã gửi lời xin lỗi bố… Bố yên tâm, con sẽ giới thiệu bố vẽ minh họa cho Người Thợ cuối tuần. Còn nhuận bút số này thì chắc chắn là con phải ký nhận đem về giao lại cho bố…
Ông cười xòa:
- Thế ra tôi vẽ cũng ngang ngửa với anh nên người ta mới nhận lầm nhỉ!
- Vâng! Từ nay nhà ta có thêm một họa sĩ nữa rồi…
Ông cười lớn hơn:
- Là tôi nói vui với anh thế thôi. Nghề của tôi là âm nhạc chứ đâu phải vẽ vời…
*
Ông đọc truyện “Khoảnh khắc” của nhà văn Hoàng. Dù sao thì ông cũng phải tự thú nhận là mình không có thói quen đọc truyện. Truyện ngắn không đọc, truyện dài hay tiểu thuyết càng không. Nhưng ông biết khi viết truyện, các nhà văn thường vừa dựa vào chuyện thật ngoài đời, vừa tưởng tượng thêm thắt để hình thành truyện, gửi gắm một ý tưởng nào đó. Chắc chắn cái truyện “Khoảnh khắc” phải có nội dung gần với ý tưởng “Con ngựa ngoái đầu” của ông, thì bên nhà báo người ta mới dùng bức tranh của ông mà minh họa.
“Khoảnh khắc” kể về một nhà khoa học có nhiều đóng góp hữu ích cho xã hội được vinh danh. Đến chúc mừng ông có người thực sự quý trọng tài năng của ông, có người chỉ để xã giao và cũng có vài người trước đó đố kỵ, nay đổi lời ca tụng.
Câu chuyện chỉ gọn có thế mà gợi cho ông lắm điều suy nghĩ. Ông nhà văn lấy mẫu từ những ai không biết mà sao nó có gì đó tương tự như chuyện của ông. Giống nhất là những lời ca ngợi tài năng của ông trong buổi lễ tuyên dương những người trong tỉnh được nhận các giải Nhà nước. Nghe cô tiến sĩ văn hóa nói những lời “có cánh” dành cho ông, cậu nhạc sĩ đàn em ngồi cạnh đã ghé tai ông: “Mới năm trước, bà ấy còn phê chú là chỉ viết những đề tài chung chung, thiếu đóng góp tác phẩm viết về địa phương kia mà…”. Ông đáp: “Trong văn học - nghệ thuật, người ta hoàn toàn có thể thay đổi đánh giá, cậu à”. Là ông cố gắng bênh vực cô tiến sĩ đáng tuổi con mình, chứ trong thâm tâm ông lại tự hỏi “Sao người ta lại có thể trơ tráo lá mặt lá trái như thế?”.
“Chẳng lẽ nhà văn Hoàng cũng có mặt hôm ấy, lại biết chuyện của mình nên viết thành truyện “Khoảnh khắc”? Hay là có một nguyên mẫu khác? Mà như thế thì đúng là các ông nhà văn điển hình hóa rồi…”. Ông nghĩ mãi mà chẳng đi đến được kết luận nào…
*
Ông đã quên chuyện bức tranh được dùng làm minh họa cho truyện của nhà văn Hoàng. Ông cũng không vẽ thêm bức tranh mới nào vì chưa có ý tưởng. Thêm nữa, ông phải dành thời gian lo chuyện “bao đồng” giúp lão nhạc sĩ ở huyện.
Ông đi gặp, kể lại chuyện này cho nhiều người trong giới văn học - nghệ thuật biết và kêu gọi đóng góp giúp đỡ lão nhạc sĩ nghèo. Mọi người tùy tâm hưởng ứng. Phần ông, ngoài món tiền nhuận tranh báo Người Thợ trả, ông còn góp thêm một phần nữa. Khi số tiền được vài triệu, ông rủ thêm hai cậu nhạc sĩ cùng đi về huyện để trao tận tay cho lão nhạc sĩ. Ba người đi xe buýt mất hơn 3 giờ mới vượt qua hơn trăm cây số đến nơi. Xe dừng ở ngã tư đèn đỏ cho khách xuống. Ông nói: “Còn phải đi bộ hơn trăm mét nữa mới đến”.
Căn nhà của lão nhạc sĩ nằm thấp hơn mặt đường, về phía trái con đường 3 người đang đi. Từ xa đã nhìn thấy mái nhà lợp tôn gỉ sét. Ông nhíu mắt nhìn cho rõ rồi hỏi:
- Có phải phía bên kia có đám tang không?
- Đúng là có đám tang! - Một cậu nhạc sĩ trả lời - Cờ tang ở căn nhà mái tôn cũ…
- Chết! Không lẽ là ông ấy đã ra đi…?
Ông thốt lên rồi bước nhanh hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa. Đúng là nhà ông lão nhạc sĩ có tang. Ông kéo tay hai bạn đồng hành băng qua đường. “Đang đông xe. Từ từ đã chú ơi!”.
Ông suýt rớt nước mắt khi cô con gái lão nhạc sĩ từ trong nhà chạy ra mếu máo:
- Má con mới qua đời hôm qua. Sao chú biết tin mau quá vậy…
Ơn trời! Vậy là không phải ông lão nhạc sĩ. Ông ấy vẫn còn sống, nằm trên chiếc giường trong một góc nhà phía sau cỗ quan tài của vợ. Tai ông nghễnh ngãng nghe tiếng được tiếng mất, miệng ông nói câu rõ câu không nhưng bàn tay ông nắm bàn tay khách vẫn ấm và đủ sức siết chặt.
Nhận món tiền để trong bao thư dày cộm, ông lão nhạc sĩ trào nước mắt.
Ông cũng không khỏi rưng rưng khi nói:
- Đây là tấm lòng của anh em văn nghệ sĩ tỉnh mình. Tôi xin lỗi đã không lo cho ông có được căn nhà tươm tất…
*
- Lại vẽ ngựa!
Vợ ông nói với giọng có chút giễu cợt.
- Đúng! Vẫn là ngựa. Nhưng lần này khác.
- Khác gì đâu nào. Vẫn một con ngoái nhìn lại. Vẫn mấy con khác chụm một chỗ…
- Cái bà này. Nhìn cho kỹ đi nào. Lần này chúng đâu có đứng xa nhau như lần trước.
- Ừ! Thì có khác chỗ ấy. Nhưng như thế thì có ý nghĩa gì cơ chứ!
Ông không trả lời vợ. Giải thích với bà ấy chỉ tổ phải nghe thêm những câu giễu cợt khác. Vợ chồng ông vốn khắc khẩu, mà vợ ông lại lợi khẩu hơn.
Nhưng ông tin anh con trai út họa sĩ của mình sẽ hiểu vì sao ông lại vẽ con ngựa thành công đứng sát bên nhóm bạn đồng hành. Cái nhìn của nó khi ngoái lại không còn là cái nhìn của kẻ chiến thắng mà là ánh mắt tràn đầy tình cảm…
Khôi Vũ (baolamdong)