Mùa keo chín
Tuổi nhỏ, nhu cầu vui chơi cũng cần thiết như thực phẩm hàng ngày; ngay cả khi tản cư, bom rơi đạn nổ cũng không cấm được sự hồn nhiên, vô tư nơi lớp trẻ chúng tôi. Nhà tôi ở Hòa Mỹ, những năm sáu mươi thế kỷ trước, đạn bom rơi vãi bất thường; giặc đóng đồn trên Núi Lá. Theo lời mẹ kể, từ đời ông nội, gia đình tôi có cặp nhà lá mái, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm áp; khi bị máy bay thả bom, ngôi nhà cháy ba ngày ba đêm còn ngún khói. Nhà lá mái là loại nhà tranh lợp dày, cột kèo bằng gỗ tốt, dưới mái tranh được phủ một lớp trần đất giống như nhà đúc nhưng chất liệu là đất trộn rơm…
Tản cư, hầu hết dân làng chạy xuống phố; riêng cha mẹ tôi cứ nấn ná, không đành xa ruộng đất, trâu bò, nên chọn chỗ lưng chừng, miễn sao vừa né đạn vừa thuận việc lên xuống thăm nhà. Theo cha mẹ tản cư, có cơm ăn áo mặc là tốt rồi; chữ a b c cha mẹ dạy đánh vần, rồi anh chị chỉ cho em, chẳng cần mầm non hay mẫu giáo. Anh chị tôi đến tuổi đi học được tự do ra đường, còn tôi nhỏ hơn chỉ được cái quyền “đòi theo”... Riêng mùa hè đến, ngày nào chúng tôi cũng lang thang dọc hàng keo từ nhà lên đến ngã ba rồi quẹo ra chợ Cây Văn.
Cũng không hiểu sao hồi ấy hàng rào bên đường, người ta trồng rất nhiều cây keo (có người gọi là me keo hay keo gai) có gai từ gốc đến ngọn; dưới gốc, da giãn ra nên gai thưa thớt, càng lên trên gai càng dày. Trái keo ăn được và rất ngon chứ không phải như keo lá tràm ngày nay trồng để lấy gỗ. Cây keo gai gỗ xốp, có thể cao hơn chục mét, gỗ keo khô rất nhẹ nhưng không nứt nẻ nên cha tôi và mấy người trong xóm thường dùng làm đầu nhủi (dụng cụ bắt cá, tôm).
Ngoài ra, lá keo còn có tác dụng chống viêm, hạ nhiệt... Hồi ấy, khi đã về làng, nhà tôi có con bò cày, sụp hố bom trặt chân; cha tôi giã lá keo non với muối đắp vào chỗ sưng, lấy miếng vải buộc chặt, tuần sau lùa bò đi cày được.
Riêng lũ nhỏ chúng tôi chỉ quan tâm đến trái keo, để ý rồi ghi nhớ thời gian từ khi keo ra hoa cho đến mùa trái chín. Hoa keo cũng rất đẹp, từng chùm trắng tinh như mai chiếu thủy, nhụy hoa li ti như sợi chỉ... Trái keo non xẹp lép nhưng cũng hiện rõ số mắt, mỗi mắt chuẩn bị cho một hạt. Trái keo lớn lên rất chậm, vừa lớn vừa uốn cong, có trái uốn cong gần giáp hai vòng; đẹp như vòng lắc đeo tay sắc màu rất đẹp. Khi chín, trái nứt vỏ lộ phần cơm trắng pha chút hồng phai rất bắt mắt; ăn chua chua ngọt ngọt với hương vị rất riêng, dễ ghiền với lũ nhỏ. Mà hình như việc khều keo cũng làm ghiền, giật mạnh cây sào có khều móc, chùm keo đang rơi đưa tay ra hứng, cảm giác sung sướng như thủ môn ôm được bóng...
Tháng tư, nắng nóng tăng dần, keo càng mau chín. Những cây keo cao to, trái mới nhiều, cơm mới dày. Khổ nỗi cây keo càng cao càng gần mặt trời, ngước mặt nhìn chùm keo thường chạm với nắng chói. Mắt muốn nhắm mà tay không muốn ngừng, cứ thọt lên kéo xuống, đến khi trái keo rụng, nhìn xuống thấy toàn đom đóm, mấy đứa đứng không tỏ mắt, lượm chạy tuốt; đứa cầm sào, mỏi cổ, mà vui...
Hồi ấy, cứ ngóng cổ chờ keo chín, cứ ngỡ nơi đây là quê mình; đâu để ý đến hai tiếng tản cư. Mãi đến nửa mùa keo chín năm 1975, chạy theo sau cha mẹ gánh gồng ngược dòng kênh nam đến khi chân mỏi rã rời, mẹ đặt gánh xuống, kéo cái đầu mồ hôi vón từng chùm tóc lại cho gần luồng gió chiếc nón lá từ tay mẹ; vừa quạt mẹ vừa nói: “Đây là quê mình! Nền nhà đây là nền nhà của mình, phía trước kia là của ông nội, bây giờ là nhà bác Sáu...”. Được trớn, tôi hỏi mẹ một dây dài, cái giếng kia cũng của mình? Cái lu bể kia của mình? Cái cây dừa lủng bụng kia của mình? Cây keo kia cũng của mình hả mẹ?...
Tôi bật chạy ra hàng keo phía sau nền đất hoang, “từ đây người biết quê người…” (Mùa xuân đầu tiên - Văn Cao), và lại loay hoay đi tìm cây, cột móc, khều keo…
Giờ đây, gần nửa thế kỷ trôi qua, quê hương đang trên đà xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhìn cây keo sót lại bên rào, bỗng nhớ một miền quê khác, nhớ những người bạn cùng lứa, nhớ những người lớn tuổi - bạn tốt của cha mẹ mình... Ngày hòa bình, người ở lại, người về quê… vội vã, như không kịp chào nhau.
Riêng tôi, còn neo mãi nửa mùa keo chín trong ký ức tháng tư!
Ngô Trọng Cư (theo baophuyen.com.vn)