A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Món bù rợ của mẹ

Ngày tôi còn bé, có thời gian ở tập thể. Mẹ trồng mấy gốc bù rợ bên nhà bếp thấp lúp xúp. Mấy chú hàng xóm bắc thang, làm giàn cho bù rợ ngoi lên. Mùa hoa nở, hoa vàng bung xòe, đưa hương thoang thoảng, bướm ong rộn ràng kéo về mở hội...

 Ảnh minh họa

Lần đầu tiên tôi nhìn thấy bù rợ là một buổi sáng về thăm quê bố. Thuyền trôi qua sông Lam, dừng giữa một bãi bờ phù sa giêng hai non xanh mát mắt những vạt bù rợ trải dài. Những quả bù rợ độ ấy nằm ngoan như những chú lợn con, chơi trò trốn tìm trong vạt lá. Dì họ của bố cắt cho mấy quả bù non đựng trong bao xác rắn vác về ăn dần. Bù non xào sơ tỏi thơm lừng, đổ non tô nước nấu canh, giã thêm một nắm lạc, thêm vài con tôm thì tưởng khó có món nào có thể đưa cơm nhanh bằng. Không cầu kì bằng là bù non xắt nhỏ xào tỏi, khi chín tắt bếp, cho nắm rau hao xắt nhuyễn vào là đủ thứ giác quan thức dậy cùng một lúc khi mùi tỏi thơm, mùi bù non và rau hao quyện lấy nhau. Càng đặc biệt hơn với những đứa con trôi về phương Nam, rau hao không sống ở xứ nóng. Và cái món bù non xào tỏi, rau hao ấy thôi đủ nhắc nhớ quắt quay về quê mỗi khi lên cơn thèm.

Ngày tôi còn bé, có thời gian ở tập thể. Mẹ trồng mấy gốc bù rợ bên nhà bếp thấp lúp xúp. Mấy chú hàng xóm bắc thang, làm giàn cho bù rợ ngoi lên. Mùa hoa nở, hoa vàng bung xòe, đưa hương thoang thoảng, bướm ong rộn ràng kéo về mở hội. Tôi thường ngồi trong vườn nhà nhìn lên tưởng tượng đám bạn ong bướm đang trò chuyện điều gì với những nàng hoa rực rỡ. Hình như trí tưởng tượng có hạn nên chẳng nghĩ ra được điều gì. Dẫu vậy, vẫn rực rỡ sắc hương trong khoảng trời thơ bé. Mẹ dạy tôi bấm cành để dây bù đẻ nhiều nhánh, tưới nước gạo, ủ gốc rau bằng tro trấu để cây có sức đơm hoa, ra quả. Những độ bướm ong ít kéo về, mẹ dạy cách thụ phấn cho hoa... Những bài học nho nhỏ ấy có sức hấp dẫn lạ kì với những đứa nhỏ lớn lên ở phố. Và mãi sau này, từ bài học nhỏ ấy, mẹ luôn nhắc rằng, con thấy không, đến một cái cây muốn trưởng thành cũng cần bỏ công chăm sóc không ngừng.

Những gốc bù của mẹ rất sai quả, đủ cho cả dãy nhà tập thể ăn. Vì cây mọc trên mái nhà nên tôi luôn cùng mẹ canh chừng quả nào đủ độ già thì nhờ các chú dỡ xuống ngay để đỡ nặng mái. Những quả bí già được biếu khắp khu tập thể. Số còn lại kê ở góc bếp ăn dần. Nhớ nhất là món chè bù rợ mẹ nấu. Đậu xanh, lạc, nếp, mỗi thứ một nắm, bung nhừ cùng bí đỏ. Khi tất cả đã chín, quyện vào nhau mùi thơm ngất ngây thì cho dăm thìa đường vào, nấu thêm vài phút để đường thấm đều các nguyên liệu. Đó là món ăn ngon, cầu kì và sang nhất trong tuổi thơ tôi. Mà thực tình, nguyên liệu chẳng mất tiền mua. Lạc chú Ngọc hàng xóm quê Nghi Lộc cho, đậu cô Hoa Nam Đàn biếu, nếp bà ngoại gửi từ Đô Lương xuống, bí đỏ nhà trồng… Rất nhiều món ngon đến từ ấu thơ đều không đến từ chợ mà từ nhà này qua nhà kia, mang nhiều tình cảm như thế.

Món chè bí đỏ mẹ nấu ăn ngon nhất là những lúc sáng mai thức dậy, hoặc sau một giấc ngủ trưa nào đó, mùa thu, khi một cơn mưa vừa ngang qua phố vào độ tháng bảy, tháng tám như độ này. Thức dậy vì tiếng lục bục nồi chè bù rợ vừa chín tới, khói đưa hương tỏa ấm sực căn phòng nhỏ. Ngoài kia là gió thâm u sau cơn bão vừa đi ngang nhà. Lẽ dĩ nhiên lúc ấy, con nít mắt chưa mở mà tai, mũi, miệng đã háo hức thức hết rồi. Và chỉ loáng một lúc sau, khỏi cần mẹ gọi như mọi ngày, đã nhanh nhảu bật dậy đánh răng, rửa mặt và ngồi thu lu bên bát chè nóng, vừa ăn vén vén từ trên xuống, vừa thổi phù phù cho nhanh nguội và hít hà thèm thuồng cả làn khói mỏng bốc lên ngang mũi.

Mỗi khi mẹ làm món bù rợ tôi thường giữ lại hạt. Hạt bù phơi khô, gom góp lại rang một mẻ, để dành vừa trò chuyện, vừa ăn lúc mưa xuống là hợp tình hợp cảnh vô cùng. Có khi vừa cắn xong dăm hạt bù béo béo bùi bùi cuối cùng thì cơn mưa vừa tạnh, câu chuyện của mẹ và con gái cũng vừa ngưng với niềm vui còn kéo dài. Đó là những lúc êm đềm của một mùa nào đã thật xưa cũ, bỗng mùa thu này ngồi nhớ lại mà tiếc ngẩn ngơ vì chẳng bao giờ còn gặp lại...

Võ Thu Hương (baolamdong)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu