Miền sương trắng nở hoa
|
Trúc thường đứng bên cửa sổ, lòng bùi ngùi nhìn về Sương Trắng. Mảnh đất cũ bây giờ đổi thay. Những cánh đồng ngô khoai màu mỡ, con đường uốn mình xình xịch tiếng xe nâng chở nông sản về nhà máy, mấy ngọn khói trắng bay lên rồi êm ả trôi trên nền trời biêng biếc. Trúc cứ nhớ mãi Sương Trắng của những năm về trước, đất đai hồi ấy khô cằn, xác bom mìn vẫn còn nằm lẫn trong cát, trên đồi vắng hay dưới những hào sâu tàn tích của chiến tranh. Cũng bởi những lời đồn thổi vô căn cứ mà người ta tránh mảnh đất này như tránh tà. Ban đêm, người ta thà vòng qua cung đường khác xa hơn để tránh phải đi ngang qua Sương Trắng, đối mặt với hiểm nguy và những hình nhân mờ ảo ngồi vắt chân phả thuốc phì phèo. Sương Trắng trở thành mảnh đất hoang, không ai khai phá, lau sậy cứ thế đua nhau mọc quá đầu người, phất phơ trong ánh hoàng hôn ảm đạm.
Tờ mờ sáng, người ta kéo nhau tụ họp tại nhà văn hóa đầu xóm. Ai cũng cảm nhận được nỗi mừng vui nhảy múa trong lòng, họ kháo rằng chính quyền sẽ tìm ra cách để họ thoát nghèo ngay trên mảnh đất từng mịt mù trong mưa bom bão đạn. Không biết chính sách mới ấy sẽ như thế nào, nhưng chắc hẳn sẽ nâng đỡ cho phần đời của họ. Lòng họ lâng lâng. Họ đang mường tượng đến ngày mai dẫu chỉ mới mờ mờ trước mắt.
Khi mọi người đã yên vị, tiếng ồn ã tắt dần. Anh cán bộ đứng lên dõng dạc:
- Bà con ạ! Đất quê mình đã chết dần chết mòn bấy lâu nay. Đã đến lúc chúng ta đứng lên cứu lấy mảnh đất quê, xây dựng lại cuộc sống ấm no hơn.
Họ lại xôn xao bàn tán. Đợi âm thanh lắng xuống, chị Hòa giơ tay đứng lên phát biểu ý kiến. Trong xóm, chị Hòa là người phụ nữ có hoàn cảnh tội nghiệp nhất. Trong lúc vỡ đất, chồng chị vô tình đạp phải trái mìn còn nguyên kíp. Anh về với đất, bỏ lại chị với hai đứa con thơ. Một mình chị phải bươn chải trăm bề nuôi con khôn lớn. Đứa con lớn của chị bây giờ đi làm xa, thi thoảng có chuyến về ngang qua nhà đều ghé thăm mẹ, thăm em. Hình như nỗi cơ cực đã ám trên khuôn mặt rám nắng và khóe mắt hằn sâu những vết chân chim của chị. Giọng chị run run:
- Sao được hả cán bộ? Hồi nào tới giờ có ai dám bén mảng lại gần Sương Trắng đâu? Đất đó là đất chết, ở đó chỉ có chết chóc với tang thương. Như chồng tôi…
Nghe chị nói, căn nhà im lặng hẳn. Chỉ còn nghe được tiếng thở phều phào, ai đó chạnh lòng sụt sùi nước mắt khi nghĩ về những người thân yêu đã từng bỏ mạng trong lúc xới đất trồng hoa màu, dựng nhà dựng cửa. Biến cố gia đình xảy ra, Trúc rời quê chạy trốn nỗi đau thương mãi vẫn không ngủ yên trong trái tim chập chờn mảnh vá. Đôi chân Trúc cứ thế mà đi, đi mãi. Trúc tỉnh dậy thấy mình nằm đơn độc ở một nơi xa lạ, chán chường, Trúc không chạy nữa. Trúc ở lại Sương Trắng dựng nhà, trồng đậu trồng cà nuôi thân. Ở Sương Trắng, Trúc thấy cơ cực mà bình an, cơm ngày hai bữa, người dân chân chất nghĩa tình đói lòng chia nửa củ khoai. Mấy lần Trúc ngẩn ngơ nhìn mảnh đất trước xóm mà than:
- Tiếc quá! Đây không có miếng đất canh tác mà đó lại bỏ hoang lau sậy um tùm. Vỡ ra trồng trọt rau màu, đến mùa bận bịu thu hoạch coi có đỡ hơn không?...
- Sương Trắng là tử địa. Đành để hoang vậy chứ biết làm sao?
Hàng xóm líu ríu. Trúc ngồi tặc lưỡi rồi đi sửa lại cái máng xối trước nhà chờ mưa về hứng nước mát đầy trong cái khạp mẻ một mảnh vừa bằng bàn tay bên hè.
Người cán bộ im lặng. Anh nhìn về bãi đất cỏ lau mọc đầy. Lúc sau anh bảo:
- Không thể chịu thua được bà con ạ! Đất đai đã hiếm, bỏ như thế thì phí của trời, mãi vẫn không thể giàu lên được.
- Thế chúng tôi biết phải làm sao?
- Tôi tính thế này – Anh cán bộ phân trần, giọng cương nghị - Không có gì là không thể. Tôi nghe nói nước mình bây giờ hiện đại lắm, bom mìn đã có máy rà để tháo gỡ. Chưa nổ thì mình phá cho nổ, nổ rồi thì nhặt nhạnh mảnh bom, xóa bỏ tàn tích chiến tranh để dân mình yên lành mà sống. Rồi đất lại trở về! Sương Trắng không còn là cái nơi đáng sợ như người ta thường rùng mình mỗi khi nhắc đến… Tôi tính vậy, bà con nghĩ sao?
- Tốt quá! Vậy thì còn gì bằng…
Căn nhà nhỏ vang lên tiếng vỗ tay đồng tình nhất trí. Nụ cười trên môi xua tan cái lạnh cuối mùa, không gian bừng lên ấm áp lạ thường. Ngoài kia, sương trắng đang ủ mình trên nhành cây ngọn cỏ như cái tên gọi đã có tự khi nào không ai còn nhớ. Người cán bộ điềm nhiên, mắt nhìn quanh một lượt rồi nói tiếp:
- Sắp tới, trên xã có mở lớp tập huấn về việc chọn giống cây trồng vật nuôi cho năng suất cao. Chúng ta cần tiếp thu cái mới, cái tiên tiến thôi mọi người ạ. Tôi cần một người xông xáo, bản lĩnh, có trách nhiệm để đi học lấy cái hay về truyền lại cho bà con. Ai sẽ giúp tôi, giúp xóm?
- Tôi làm được, thưa cán bộ!
Từ trong đám đông, Trúc mạnh dạn đứng dậy nói to rõ từng lời. Mọi người ngạc nhiên nhìn Trúc, tiếng vỗ tay tán thưởng lại lốp bốp vang lên.
- Được đó, cô Trúc. Cô sẽ làm tốt!
Thấy bà con trong xóm ai cũng ủng hộ, ai cũng tán thành, lòng Trúc vui lắm! Ngày trước Trúc cũng từng là sinh viên theo học ngành nông nghiệp của một trường cao đẳng có tiếng. Bố Trúc mất, mẹ theo người đàn ông khác bỏ lại mình Trúc bơ vơ giữa đời, giữa người. Gia đình tan hoang, Trúc không còn niềm tin vào cuộc đời, chỉ biết lao vào những cuộc chạy đua số phận. Trúc về với Sương Trắng, xóm đón Trúc bằng nụ cười, lòng bao dung và tình yêu thương như những người ruột thịt. Trong phút chốc, Trúc thấy mình càng phải nỗ lực nhiều hơn để đưa xóm thoát khỏi cảnh bần cùng, để Sương Trắng trở mình sau những tháng ngày xót xa…
Trúc trở thành cán bộ từ đó.
Người ta thường nhắc về Sương Trắng bằng dấu ấn đau thương, bằng nắm xương tàn trong cát bụi, nằm im trong cội rễ bao dung. Người ta thường rùng mình khi hồi tưởng về tàn tích chiến tranh, về vết thương trong tim mấy mươi năm vẫn không thể phai mờ mặc thời gian xuôi chảy. Lặng thầm đằng sau là những khuôn mặt bao dung, đôi bàn tay chai sần lam lũ vẫn gắng gượng để miền quê nghèo được hồi sinh như chưa bao giờ ngủ quên trong điêu tàn khói lửa.
Năm ấy, người Sương Trắng bội thu.
Mảnh đất cũ trở thành rẫy hoa màu lớn nhất nhì trong vùng. Những phương pháp trồng trọt mới mẻ Trúc tích lũy từ đợt tập huấn được truyền đến bà con Sương Trắng. Họ say mê lắng nghe rồi thực hành trên mảnh đất quê hương. Mùa đầu, rẫy cho rau ngon củ ngọt, mùa sau trái nặng oằn cây. Chỗ này là luống trồng rau, chỗ kia là giồng trồng bắp, trồng đậu, cuối rẫy là ruộng khoai lá xanh mượt mà. Mùa thu hoạch thương lái dập dìu, xe chở hàng cứ lạo xạo trên con đường đá đến xóm cân nông sản, ngã giá rồi hì hục chở đi. Chính quyền còn vận động đầu tư xây hẳn một nhà máy chế biến bột sắn, tiếng động cơ rì rầm từ sớm tinh mơ cho đến khi mặt trời xế bóng. Trong âm vang của cuộc sống mới, người Sương Trắng chợt nhận ra chưa bao giờ họ hăng say lao động đến thế, chưa bao giờ niềm vui đong đầy đến thế! Mảnh đất cũ nuôi người Sương Trắng suốt những tháng năm vất vả, gian lao. Nơi đó, có người dửng dưng ra đi, có người trở về bám trụ tiếp phần đời còn lại trên mảnh đất quê mình khi đã thay da đổi thịt.
Trúc cũng quên dần nỗi đau thanh xuân. Nhiều lúc Trúc nằm ngẫm nghĩ không biết người xưa có tìm về làng cũ, tìm lại đứa con máu mủ ruột rà mà người nhẫn tâm bỏ đi chỉ vì tiếng gọi ái tình trong khoảng đời lầm lạc. Mắt Trúc ầng ậng nước. Trúc nhủ lòng không nghĩ nữa, nghĩ đến chỉ thêm đau. Trúc bước xuống giường mon men theo con đường lát đá uốn lượn giữa rẫy hoa màu đẫm sương đêm, ánh trăng hòa với ánh đèn đường sáng rực vùng nông trường mới. Trúc lại an nhiên nghĩ về người quê dẫu gian lao vẫn giữ trên môi nụ cười tươi rói, dẫu cái rám nắng đọng trên khuôn mặt tảo tần vẫn đon đả trên cánh đồng tay cuốc tay cày để đất lại nở hoa.
- Giờ đây nhớ lại cảnh xưa, tự dưng thấy khó tin sự thay đổi này là sự thật, các chị nhỉ?
Một người đàn bà nói trổng.
Cả nhóm phá lên cười.
- Xem chị ấy kìa, hăng say thật! Đứa thì điệu trên lưng, đứa thì theo níu chân mẹ mà vẫn chịu khó ra đồng. Chẳng mấy chốc mà giàu lên chị ạ!
Một luồng gió mát lùa ngang. Nông trường hiện lên như bức tranh với những gam màu tươi sáng. Phía cuối rẫy, chị Hòa đang dỡ khoai rồi tỉ mẩn cọ chúng thật sạch, chất lên xe cho công nhân chuyển vào nhà máy. Trong không khí rộn ràng, ai biết đâu người đàn bà ấy cũng có lúc nhoi nhói cõi lòng khi nhớ về người chồng năm cũ. Có xác thân mang dáng hình cát bụi, hòa vào rồi vĩnh viễn ngủ yên trong lòng đất, bây giờ mỉm cười khi mảnh đất an vui…
Trong buổi họp mặt cuối năm, cả xóm quây quần bên nhau kể đủ chuyện vui, chuyện cuộc đời đổi mới. Trúc được chính quyền xã trao tặng bằng khen “Cán bộ giỏi”, người xóm nâng ly chúc mừng, uống chung rượu mặn ăn quả ngọt cuối mùa, ngà ngà say thì đốt đống lửa lên rồi cùng hát ca, nhảy múa đến tận khuya.
Gió chiều lồng lộng, Trúc đứng trên gò đất cao lặng ngắm mây trời. Chưa bao giờ Trúc thấy lòng mình an yên và bình lặng như thế. Có cái gì trầm tĩnh và an trú len lỏi trong sâu thẳm tâm hồn. Trúc bồi hồi nhận ra Sương Trắng có phải là nơi chôn nhau cắt rốn, có phải là nơi Trúc chào đời đâu? Sao Trúc lại thương yêu và gắn bó với đất nhiều đến thế! Trúc nhìn mảnh đất đổi mới mà vui mừng khôn xiết – những dãy nhà mới mọc lên, nhiều cánh đồng được cày thêm, đường sá được nới rộng đối lập với màu sắc u ám mà chiến tranh khốc liệt gieo lên trong những tháng năm xưa cũ…
Phải chăng hạnh phúc sẽ luôn mỉm cười trong một đoạn đời nào đó? Dẫu muộn màng!
Có một miền Sương Trắng nở hoa…
Hoàng Khánh Duy (baoquangnam)