A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoa muộn

Bà lão run rẩy đón lấy cành bích đào chỉ còn vài chiếc nụ. Lặng đi trong giây lát. Hai giọt lệ trong suốt chắt ra từ đôi mắt cạn khô bò xuống gò má đã nhăn nheo, lấm tấm đồi mồi. Hình ảnh cậu bé Thuận ùa về trong trí nhớ, nhoi nhói như cỏ may đâm nát cả hoàng hôn...

Buổi chiều cuối năm. Cũng là chuyến xe cuối cùng. Ông xách ba lô rời khỏi bến. Tiếng xe ôm gọi níu kéo, ông lắc đầu không quay lại. Mái tóc như một đám mây muộn hằn in lòe nhòe trên khung trời cũ. Bỏ lại con phố ồn ào, vội vã trong những khoảnh khắc cuối cùng của năm, ông lặng lẽ bước những bước trầm tư về một vùng ký ức.

Ông như một nốt lặng mờ xám trong bản hòa tấu rộn ràng của đất trời và lòng người. Gió mang mùi xưa cũ thốc vào lòng ông tê tái. Ông dựng đứng chiếc cổ áo bành tô màu ghi xám, đưa bước chân hững hờ trên mảnh phố rêu phong. Lướt qua ông là những tiếng rao rất vội, là những người hối hả mang chút gì đó mới mẻ về ngôi nhà của mình để kịp đón chào xuân. Ông nán lại ở một hàng nước. Bà lão bán nước có những nếp nhăn xô dạt nơi khóe mắt, hằn in những vất vả nhọc nhằn. Bà lão húng hắng ho, dáng điệu chậm chạp, nhìn ông rồi hỏi: Ông định về đâu?”.

Ông đưa ánh mắt thả vào bóng chiều nhá nhem, nơi sắc đào phai hồng lên thấp thoáng trên đôi tay những người đi chợ muộn, như muốn tìm kiếm một cái gì, nhưng bất lực. Ông không trả lời mà hỏi lại bà lão: “Từ đây về trung tâm bảo trợ xã hội Thụy An có còn xa nữa không bà?”. “Ờ, còn xa đấy. Chắc ông phải đi xe ôm thôi. Cũng chẳng dưới hai mươi cây số đâu. Mà giờ này chắc người ta cũng hét giá cao đấy!”.

Nói rồi, bà lão thở dài. Chẳng hiểu bà thở dài vì điều gì. Hay tiếng thở dài luôn thường trực trong tâm khảm của những người già cả? Chỉ thấy buổi chiều như nặng trĩu, đọng nơi đáy mắt đã mờ đục của bà, như một giọt lệ chắt ra từ suốt một đời. À mà sao tôi không thấy ngôi trường Tân Xuân đâu cả? Nhiều nhà cao tầng mọc lên che kín hay tôi già cả rồi nên nhớ nhầm? Vừa nói, tay ông vừa run run với bao thuốc lá, rút ra một điếu và châm lửa. Mới đưa lên miệng, rít một hơi, ông đã ho sặc sụa. Khói thuốc bạc phếch bay quẩn vào ông. Thôi ông đừng hút nữa, rồi ho lại khổ. Bà lão ái ngại. Ông vứt điếu thuốc đang cháy dở xuống, lấy mũi giày gí gí dưới đất. Thế xưa ông ở đây à? Trường ấy chuyển đến chỗ khác lâu rồi. Chắc cũng phải gần ba mươi năm. Cách đây cũng độ vài cây số thôi. Giờ phố xá thay đổi nhiều, chắc ông khó mà nhận ra.

Ờ phải! Ba mươi năm trước ông trở lại, giữa ngồn ngộn những phố xá và xe cộ, chẳng còn cái mương nước năm xưa và những vạt cỏ may như sương nhưng ngôi trường vẫn còn đấy, mốc mác trong nỗi niềm đơn côi của ông. Ông đến tìm cô giáo Tuyết nhưng cô đã không còn ở đó. Ngôi nhà đơn sơ một thời đã dang tay chở che ông trong những tháng ngày buồn tủi của tuổi hoa niên, mãi ông mới tìm thấy, vậy mà nó đã thay tên đổi chủ. Người ta bảo cô đã theo chồng đi khai hoang. Vậy là không gặp cô. Ông hụt hẫng, bơ vơ, ngậm ngùi đáp tàu vào nam trong sự bải hoải, rã rời. Hơn năm mươi năm rồi, ông không gặp lại cô. Nỗi day dứt ngấm ngầm gặm nhấm, nhiều khi bóp nghẹt ông trong nỗ lực kiếm tìm tuyệt vọng. Vài ngày trước, vô tình xem một chương trình truyền hình nói về những người già cô đơn trong trung tâm bảo trợ xã hội Thụy An, ông thảng thốt nhận ra cô giáo của mình. Ông đã không thể nào kìm được sự xúc động trong suốt ngày đó. Không chần chừ gì nữa, ngay trong ngày cuối năm, mặc sự can ngăn của con cháu, ông xách ba lô lên, đáp máy bay trở lại cái nơi một thời dông gió đã sà xuống đời ông, để tìm về với cô trong cảnh cô đơn cuối đời. Những bước chân tập tễnh, run rẩy lội về tuổi xưa bằng những ám ảnh da diết.

…Hồi ấy, Thuận là một cậu bé mười lăm tuổi. Không còn nhỏ nhưng cũng chưa đủ lớn để hiểu rõ những việc của cuộc đời. Thuận không biết cha mình là ai, chỉ nhớ một lần mẹ đưa cậu đi ô tô suốt mấy tiếng đồng hồ đến nhà bác trai rồi gửi cậu luôn tại đó. Nói rằng ngoan ngoãn ở với hai bác. Mẹ đi làm ăn, kiếm được nhiều tiền rồi sẽ đến đón con. Đó là một chiều mưa phùn gió bấc căm căm. Mẹ quay đi, nước mắt bay ướt cả khung trời. Gió thốc vào lòng Thuận cái giá buốt đầu đời. Để đến khi nhìn lại, mẹ chỉ còn hiện hữu trong Thuận bằng cái dáng nhỏ nhoi dạt vào lưng chiều như một mảnh ký ức tan tác.

Bác trai tốt tính nhưng nghèo. Căn nhà tềnh toàng run rẩy từng cơn mỗi mùa dông bão tới. Bác cắm mặt cho đất, cắm lưng cho trời mà vẫn chẳng đủ ăn. Hai đứa con, một gái một trai cũng đang tuổi ăn, tuổi lớn. Thêm một miệng ăn là thêm túng bấn. Lại còn việc học việc hành. Được ngày một ngày hai, bác gái bắt đầu cằn nhằn rồi cay nghiệt. Tự nhiên cái giống con hoang ở đâu đến, làm sao kham nổi. Thuận nghe thấy thế, miếng cơm nghẹn bứ trong cổ. Nước mắt cứ trào ra.

Thuận tủi thân quá, lao ra bờ mương. Trong trí nghĩ non nớt, cậu bé đã từng nghĩ nhảy xuống mương chết đi cho thoát kiếp ăn nhờ ở đậu. Đúng lúc Thuận bi quan nhất thì cậu gặp cô giáo Tuyết. Cô ở cách nhà bác một con mương. Cô trẻ lắm, mới ngoài hai mươi tuổi, dạy học ở trường Tân Xuân, gần đó.

Cô đến gặp hai bác. Hỏi sao không cho Thuận đi học. Bác bảo chưa chứ không phải là không. Một vì nó vừa mới đến ở, còn chưa quen, giấy tờ chưa có; hai vì nhà cũng bấn nên chắc phải thư thư rồi mới lo cho nó được. Thuận nấp ở ngoài, nghe lỏm câu chuyện. Xong, lại chạy ra con mương. Nhặt hòn đá ném tùm một cái xuống lòng mương. Cậu ngồi phệt xuống, với tay giật nát đám cỏ may. Cỏ may xám ngắt xiên kín ống quần sờn rách.

Thế mà vài bữa sau, Thuận được đến trường. Bác trai bảo, nhờ cô Tuyết cả đấy. Bác gái thì vẫn cứ nhấm nhẳng, dậm dựt, ra ra vào vào mặt cau mày có, cả ngày chả có lúc nào cười. Thuận chỉ muốn bỏ quách mà đi. Nhưng mà đi đâu? Những lúc vậy, Thuận lại thất thểu ra bờ mương. Cô Tuyết gọi Thuận sang nhà. Lúc thì cho củ khoai nướng còn nóng hổi, lúc thì cho nắm xôi, lúc thì cho hộp sữa bò. Bảo, ăn đi cho đỡ đói. Mà cô cười hiền quá, có lúc nhìn cô, Thuận như ngây ra, cô phải cốc vào đầu thì mới tỉnh. Thuận ngượng nghịu gãi đầu gãi tai, ôm khư khư thứ cô cho rồi chạy biến. Lâu dần thành quen, không hôm nào là Thuận không sang nhà cô. Quê cô thì ở xa, ít khi về nhà nên có gì cô đều dành cho Thuận và hai đứa trẻ nhà bác Thuận. Có lần nhìn thấy Thuận co ro trong tấm áo bông nhàu nhĩ thủng lỗ chỗ, cô thương lắm. Mấy hôm sau, cô cho Thuận cái áo bông mới, nói là của nhà gửi lên. Mãi về sau, Thuận mới biết nó là cả tháng lương của cô. Thuận chỉ còn biết ôm chặt chiếc áo vào lòng mà tim như thắt lại.

Cuộc sống tưởng cứ như thế trôi qua, dù đắng cay, thiếu thốn nhưng Thuận vẫn nhận được tình thương của bác, của cô, của hai người anh chị họ. Vậy mà, khi đến trường, những đứa trẻ nhẫn tâm vẫn không chịu buông tha. Chúng nheo nhéo suốt ngày Thuận là đứa con hoang, là đứa phải lòng cô giáo Tuyết. Một lần, hai lần còn chịu được chứ bao nhiêu lần như thế, Thuận không chịu nổi nữa. Sự kiên nhẫn nào cũng có giới hạn.

Một chiều đông rét mướt, khi lũ trẻ tàn nhẫn dội vào tai Thuận những lời lẽ cay nghiệt thì Thuận đã giấu sẵn một hòn gạch chỉ và phang vào đầu thằng trùm sỏ. Nó ngã lăn xuống đất, ngập trên đám cỏ may. Máu từ đầu nó rỉ ra, chầm chầm, ngoằn ngoèo như con giun đỏ. Bọn còn lại chạy tán loạn, vừa chạy vừa hét lớn: “Thằng Thuận giết người! Bớ làng nước ơi, thằng Thuận giết người!”. Thuận hoảng hốt, đôi tay run run, cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng, không dám ngoái đầu nhìn lại. Vừa chạy vừa ngã sấp ngửa trên cánh đồng chiều. Thuận đã vội vã chạy trốn mà không kịp nói một lời nào với bác, với cô. Trên người chỉ độc một bộ quần áo bạc màu, không một đồng xu, Thuận đã sống chui sống lủi suốt những tháng ngày sóng gió. Mãi mới xin được vào làm trong một xưởng gỗ. Nhờ ông chủ tốt bụng, thường cưu mang những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ nên Thuận đã có một chỗ làm ổn định và bắt đầu lập nghiệp. Rồi cuộc sống đưa đẩy, Thuận vào nam sau đó lập gia đình. Nhưng ám ảnh về câu chuyện năm xưa khiến Thuận chẳng thể nào nguôi ngoai. Ba mươi năm sau, kể từ ngày trốn chạy, Thuận lên tàu tìm về chốn cũ. Nhưng, cô không còn ở đó, hai bác theo con vào Tây Nguyên, mẹ không biết ở phương trời nào. Còn thằng bạn xưa không chết, nó vẫn sống an lành. Vậy mà, chỉ vì nó, Thuận đã phải trả giá…

Tiếng còi xe inh ỏi làm ông chợt giật mình. Trên vòm cây, những bầy chim thiên di đã tìm được nơi trú ngụ. Bà lão bất động như pho tượng đá trong bóng tối. Ông hắng giọng. Đến lượt bà lão giật mình thảng thốt. Ông đưa tiền cho bà rồi đứng lên. Bà dọn hàng mà về đi. Giờ này, ai còn uống nước.

Ông tiến đến chỗ những người bán hoa cuối cùng của năm cũ, mua một cành bích đào nhỏ xinh rồi vẫy xe ôm. Cho tôi đến trung tâm bảo trợ xã hội Thụy An.

Ông hồi hộp bước vào. Dáng đi nhẫn nại và cô độc. Chiếc ba lô đeo trên vai làm thân hình ông cong lên như một dấu hỏi. Tay ông cầm cành bích đào còn sót lại những chiếc nụ cuối cùng vì những cánh hoa đã rớt rơi theo gió.

Được các bác sĩ chỉ chỗ, ông lặng lẽ đi về căn phòng màu xám. Một bà lão dáng người nhỏ bé cũng mờ mờ xam xám như tan vào căn phòng. Trên chiếc bàn là một lọ hoa lốm đốm bạc phếch. Ông thảng thốt nhận ra đám cỏ may. Lòng ông rưng rưng một niềm xúc động. Bà lão quay ra, nhướng đôi mắt ra phía cửa, ngạc nhiên. Ông bước nhanh tới, đôi chân run run và giọng nói như lạc đi: “Cô Tuyết ơi, em Thuận đây, em đã trở về!”.

Bà lão run rẩy đón lấy cành bích đào chỉ còn vài chiếc nụ. Lặng đi trong giây lát. Hai giọt lệ trong suốt chắt ra từ đôi mắt cạn khô bò xuống gò má đã nhăn nheo, lấm tấm đồi mồi. Hình ảnh cậu bé Thuận ùa về trong trí nhớ, nhoi nhói như cỏ may đâm nát cả hoàng hôn...

Nguyệt Chu (baoquangnam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu