A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạt giống

Thưa thầy con mới dìa. Con ghé thăm thầy nè thầy. Ðang nằm lim dim nghỉ trưa trên võng, nghe giọng con gái lảnh lót ngoài cổng, Út Hạnh bật dậy. Ngoài sân loá nắng. Bóng áo hoa cà lướt qua sân nắng rồi đậu xuống bên võng. Út Hạnh cười khà khà:

 Minh hoạ: M. Tấn

- Bé Hai đó hả con?

- Dạ, con đây thưa thầy. Có mấy cái bánh bò ngoại con mới làm, biểu con đem lên cho thầy nè.

Cô đứng dậy, đi thẳng xuống bếp, lấy cái dĩa đựng bánh rồi mang lên nhà. Út Hạnh cười, mắt rưng rưng. Ðây là đứa học trò cưng của anh. Mới đó mà con bé đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tận Sài Gòn, được nhận về dạy trường điểm gần nhà anh, bởi thành tích học giỏi và hoạt động xã hội rất nhiệt tình. Ai mà ngờ được, cuộc đời của con bé xoay trở như chiếc lá giữa dòng, đã tưởng phó mặc cho số phận, không dè… Anh tưởng như trước mắt mình vẫn còn là con bé Hai đèo đẹt, đen thủi đen thui như thuở nào…

Bé Hai có tên tuổi hẳn hoi: Nguyễn Thị Hồng Nhung. Cái tên vừa gợi sắc vừa gợi hương. Nhưng ở cái xóm nghèo này, trong ngôi nhà vách ván dừa trống trước hở sau đó, ai cũng kêu nó là bé Hai. Riết rồi, chỉ còn có cô giáo chủ nhiệm là biết họ tên đầy đủ của nó. Cha mẹ Bé Hai đã lần lượt qua đời, người năm trước người năm sau, lúc nó mới lên sáu, bảy tuổi. Cha nó đi làm thuê, từ làm ruộng, cuốc đất, đào giếng, vác mì… Bởi lao lực thành ra chứng lao phổi, rồi chết dần chết mòn. Mẹ nó vóc người ốm yếu, lại bị bệnh phụ khoa trầm trọng. Thứ bệnh cữ nước mà cứ lội ruộng cắt rau muống, bứt ngó sen, mò cua bắt ốc… thành ra càng lúc càng lậm.

Sau một cơn mưa tháng Bảy dài lê thê, mẹ nó chết. Ông thầy thuốc nam nói mẹ nó bị trúng nước, để trễ quá nên cảm nhập lý, cộng với lũ vi trùng cốc thừa dịp hoành hành nên không cứu được. Từ đó, Bé Hai sống với bà ngoại. Bà ngoại cũng ở một mình vì ông ngoại mất sớm do một trái đạn lạc hồi chiến tranh năm nào đó. Hình ảnh ông ngoại mơ hồ theo khói nhang trên bàn thờ. Hình ảnh cha mẹ nó rồi cũng dần phôi pha trong trí nhớ nhỏ nhoi của đứa con nít sáu, bảy tuổi. Trong tiềm thức của cô nhỏ chỉ còn lại nỗi buồn cô quạnh và cái nghèo, cái bệnh bủa vây suốt những tháng năm dài.

Hồng Nhung học hết lớp 5 thì bà ngoại không sao lo nổi, dẫu cho cô giáo, nhà trường, xóm giềng… có cố công vận động. Thiếu ăn thiếu mặc, cộng với trăm thứ bệnh trong mình cùng những nỗi buồn truyền kiếp làm cho những căn bệnh mãn tính ngày thêm bất trị khiến bà hom hem hơn cái tuổi năm mươi mấy nhiều lắm. Có hôm, bà nằm mệt, mặc cho cháu ngoại sợ khóc um trời. Cô gái nhỏ đành xếp sách vở lại, theo chân bà ngoại đi làm mướn. Từ việc lột vỏ hành, vỏ tỏi, lựa cá tôm, lặt rau rửa chén cho quán ăn đến đi bán vé số… đủ cách để kiếm miếng ăn. Cuộc đời Bé Hai có lẽ cũng sẽ dừng tại đó, rồi không biết rủi hay may, cũng sẽ lấy chồng, sinh con như những cô gái xóm nghèo ở đây. Nhưng rồi, đã có một bước ngoặt lớn trong đời nó, vào năm mười bốn tuổi.

Bữa đó, có một người đàn ông ghé thăm nhà Bé Hai. Ngó cái mặt không phải người quen, nhưng cách hành xử lại như thân thiết lắm. Cô bé đứng trong cánh cửa ngơ ngác nhìn người lạ, quên cả việc chào hỏi. Ðang đứng lúng túng thì nó nghe ngoại rầy: “Nhà có khách mà cứ đứng ì ra đó, sao không lấy nước mời khách?”. Nó vội vã chạy tọt vào trong lấy nước đem ra mời.

Người đó là Út Hạnh. Anh ghé nhà thăm bà cháu Bé Hai, vì nghe mấy anh em giáo chức nói chuyện về một ngôi nhà trong xóm này có một em bé không được đi học vì đủ thứ lý do.

Anh hỏi Bé Hai vài chuyện, như là con học lớp mấy? Tên gì? Khi Bé Hai buồn buồn nói con học mới hết lớp 5 rồi nghỉ, Bé Hai thấy đôi môi người khách giựt giựt một hồi… Sau vài câu hỏi, người khách lấy trong giỏ bàng ra mấy củ khoai lang luộc đưa cho nó: “Ăn đi con. Từ rày, con gọi ta là thầy, nghen!”. Nó dạ một tiếng dõng dạc rồi chạy ra ngoài cửa để hai người lớn nói chuyện, không hỏi lại tại sao mình phải gọi người đàn ông đó là thầy.

Thì ra, trước đây thầy Út Hạnh ở cùng xóm với bà ngoại Bé Hai. Bà Chín, mẹ của thầy vốn là bạn chí cốt với bà ngoại Bé Hai. Thầy cũng thường được ngoại gọi vào cho trái cây trong vườn. Từ hồi ngoại bán căn nhà chữ đinh do ông bà tạo dựng để có tiền lo thuốc thang cho vợ chồng con gái, bà cũng về ở với gia đình Bé Hai, không mấy khi quay về xóm cũ.

Sau khi thăm hỏi một hồi, Út Hạnh ngỏ ý muốn đưa Bé Hai về nhà mình để tìm cách cho cô bé đi học. Bà ngoại sẽ không phải lo chu cấp bất cứ khoản chi phí nào. Nếu khoẻ lại và muốn làm thì bà có thể ngồi tại nhà, làm bánh bò, thắng dầu dừa để có chút đỉnh tiền bỏ túi, thầy sẽ kiếm giúp bà ít vốn liếng. Còn Bé Hai, trước mắt ở nhà thầy, phụ lặt vặt chuyện nhà với cô và ôn lại kiến thức cũ. Hết hè, thầy đưa đi học lại để sau này khỏi thua thiệt với người đời. Ngoại bằng lòng và Bé Hai thì mừng quýnh. Còn gì hơn là được học hành, được sống vui vẻ, có bạn bè… Con đường đi tìm chữ thêm một lần mở ra. Ba bữa sau, Bé Hai chính thức có mặt ở nhà thầy.

Nhà của thầy Út Hạnh nằm giữa một khu vườn trồng nhãn, ổi, xoài… Nhà không mấy to, rộng, thậm chí còn hơi xập xệ mà có khá đông học trò nội trú, tuổi cỡ nó hoặc hơn. Trai có, gái có. Ngay từ khi bé Hai vừa xuống xe, có một cô dáng vẻ phúc hậu, tròn trịa, vui vẻ cười với nó. Thầy nói đó là vợ thầy. Thầy nói: “Con nhỏ này là con bà Út ở xóm dưới. Anh cho nó về nhà mình ít bữa để ôn bài vở, mai mốt cho đi học bổ túc. Hồi nào rảnh rang, em lo dạy cho nó mấy công việc nội trợ, nấu ăn… Ổn định rồi, cho nó về, biết đường mà lo chăm sóc ngoại nó”. Thầy cũng tuyên bố với vợ, là sẽ lo cho con bé ăn học tới nơi tới chốn, không chỉ vì đã có lời hứa với người hàng xóm xưa kia… Chừng như đã quen với việc lâu lâu chồng lại chở một đứa nhỏ về, người phụ nữ có vẻ mặt nhẹ nhõm đó cười cười: “Ðược rồi, để đó cho em. Vô đây, con gái”.

Bé Hai được vợ Út Hạnh huấn luyện đúng bài bản. Chỉ ba tháng sau, cô bé đã thành thạo mọi việc trong bếp, biết làm bánh, nấu chè, biết làm nhiều việc mà ngày ở nhà, không bao giờ cô bé thấy ngoại làm. Cô cũng biết, những đứa trẻ sống trong nhà thầy đều có hoàn cảnh khó khăn giống hệt như mình, đã được thầy “lượm” về, vừa dạy, vừa “dỗ” để đi học lại. Có khá nhiều người như vậy đã và đang sống ở đây. Vì thế, khi Bé Hai vừa bước vào nhà, đã lập tức có bạn.

Lúc Bé Hai bắt đầu lên lớp 7 trường bổ túc văn hoá, cũng là lúc thầy Út Hạnh mang cô bé về “trả” cho bà ngoại với lời nhắn nhủ: “Con gái lớn rồi, đã tự đi học bằng xe đạp. Nên thầy cho con chiếc xe đạp mới để đi học. Ngoài giờ học, con có thể ở nhà phụ giúp bà việc gì thì phụ. Ngoại già cả, cần có tiếng cười của con cho vui nhà vui cửa, cần có bàn tay nhanh nhẹn của con để lo việc bếp núc, cửa nhà...”.

Năm đó, cũng hên, bà ngoại Bé Hai được trợ vốn từ hội phụ nữ, bà quyết định trở lại nghề đổ bánh bò, nấu chè, gói bánh… Nhờ có nhiều chị em ủng hộ, bà vừa làm bán lẻ vừa nhận đặt bánh đám tiệc. Xứ này, những loại bánh trái quê mùa còn được ưa chuộng. Có con cháu gái nhanh tay nhanh chân giúp việc, bà như được tiếp thêm sức mạnh. Có đồng ra đồng vô, sáng nào cũng có nắm xôi, gói bắp hay tô bánh canh bình dân dằn bụng, bà thấy thoải mái ra, bệnh vặt biến mất. Những cơn đau nhức, những trận mệt mỏi không còn xúm lại hành hạ bà như trước nữa.

Sau khi học hết phổ thông trung học, Hồng Nhung nộp đơn vào ngành sư phạm với ước mơ cháy bỏng là được làm cô giáo như thầy. Kể sao xiết những khó khăn từ khi cô đến một thành phố lớn. Xứ lạ quê người, thầy chỉ hỗ trợ thời gian đầu, còn thì cô phải gồng mình lên, vừa học vừa lo việc mưu sinh. Rồi, như thầy nói, mọi việc cũng qua…

“Giờ con đã thành cô giáo Hồng Nhung rồi nha thầy. Thầy không được kêu con là Bé Hai nữa, kỳ chết!”, cô nói. Út Hạnh cười ha hả: “Chừng nào con có học trò ở đây, thầy sẽ gọi con là cô giáo Hồng Nhung. Còn không có ai thì… con vẫn là con Bé Hai của thầy! Chứ còn gì nữa?”.

Ờ he… cô giáo Hồng Nhung dù gì cũng mới là giáo viên tập sự. Ðể có được bản lĩnh như thầy, còn lâu cô mới theo kịp. Thầy có kêu cô là Bé Hai cũng không sai tí tẹo nào! Nhưng, cô sẽ cố hết sức cho thầy biết, cô xứng đáng là học trò của thầy - như những anh chị khác đã thành tài từ trong ngôi nhà nhỏ ấm áp đó./.

Cẩm Giang (theo baocamau.com.vn)

 


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu