Hạnh phúc của mẹ
Minh họa: Huyền Trang |
Chúng tôi đứa nào cũng ngóng cuối tuần. Đối với những đứa trẻ mồ côi như chúng tôi, việc được gặp mẹ Hiền là điều hạnh phúc nhất. Còn người mẹ đúng hệt như cái tên của mẹ vậy, lúc nào cũng dịu dàng, hiền hậu. Anh em tôi ai cũng yêu mẹ rất nhiều.
Đấy, vừa nhắc xong, mẹ đã đến kia rồi. Ước gì tôi bé lại vài tuổi để được mẹ bế nựng như mấy em nhỏ. Có khi, tôi cảm thấy ghen tỵ với bọn chúng, hễ thấy bóng mẹ từ xa là chúng ào ào chạy ra, đứa ôm chân, đứa cầm tay, đứa níu áo. Mẹ thì vừa cười, vừa đặt mấy túi đồ nặng trịch xuống rồi xoa đầu đứa này, hôn hít đứa kia. Rồi kiểu gì mẹ cũng bồng cu Tũn bé nhất lên và đảo mắt tìm tôi-thằng anh lớn nhất. Mẹ sẽ cười: “Minh, lại phụ xách đồ vào cho mẹ đi con”. Tôi ngoan ngoãn “dạ” rồi chạy lại, ì ạch xách mấy túi đồ theo sau mẹ. Tuần nào mẹ vào cũng mang quà cho chúng tôi. Nào là kẹo bánh, nào đồ chơi, có khi là quần áo.
Bốn anh em chúng tôi mỗi đứa một phận nhưng đều là những đứa trẻ bất hạnh, không cha mẹ. Nhưng chúng tôi vẫn may mắn khi được bà đem về nuôi và giờ may mắn có chung mẹ Hiền. Bà đã già rồi, không có con cháu gì. Ông thì mất từ ngày cây vả đầu dốc mới cao ngang đầu người. Ngôi nhà nhỏ mà lúc nào cũng lạnh lẽo, mênh mông khi chỉ có mình bà lủi thủi vào ra. Tôi từng nghe bà kể với mẹ như vậy. Rồi một ngày, bà thấy tôi được đặt trong một cái hộp trên đường đi chợ sớm.
Lúc đầu, tôi cứ tưởng hộp đồ của ai đó đánh rơi. Lại gần thì thấy có tiếng cục cựa bên trong, lại tưởng cái hộp đựng con chó hay con mèo. Tôi mới mở he hé ra nhìn; mới thấy thằng Minh đấy cô. Thằng bé lúc đó chắc tầm ba bốn tháng, thấy nắp hộp mở ra, tay chân nó đập loạn xạ, cười toe toét. Gớm, chẳng biết sợ là gì. Nhặt được nó vào buổi sáng sớm nên tôi quyết định đặt tên nó là Minh.
Năm tôi lên bảy, bà dẫn về một người phụ nữ. Lúc đó, người cô ấy ướt nhẹp như chuột lột, co ro, mái tóc bết nước rũ xuống, phủ lòa xòa cả khuôn mặt như ma đói, khiến tôi sợ phát khóc ôm chặt lấy chân bà. Bà lấy đồ cho cô ấy rồi nói đi tắm rửa, thay đồ, có việc gì từ từ tính kẻo khổ mình, khổ cả đứa bé trong bụng. Nửa năm sau, cô ấy sinh cho bà và tôi thằng em rồi bỏ đi không lời từ biệt. Bà bận rộn, tất tả hơn khi thằng em khát sữa, quấy khóc…
Rồi đến bé Nguyệt. Ngày đó, mẹ Nguyệt bảo nó vào xin nước uống, mẹ chờ ở cổng nhưng rồi bỏ đi luôn, làm con bé khóc sưng mắt. Mấy tháng đầu, ngày nào nó cũng ra cổng đứng khóc ngóng mẹ. Chắc vì khóc nhiều mà bây giờ hai con mắt Nguyệt lúc nào cũng buồn xo, nhìn mà thấy não nề. Rồi đến con bé Chiều. Hai năm trước, tôi và bé Nguyệt đang chơi đuổi bắt trên con dốc đầu ngõ, thấy nó nhem nhuốc, bẩn thỉu ngồi bên gốc cây vả già. Chúng tôi dắt nó về nhà, bà tắm rửa sạch sẽ và lấy cho nó bộ đồ sạch sẽ của bé Nguyệt. Lúc đó, con bé mới bật khóc. Nó đi ăn xin với bà mẹ câm của mình, mẹ bị chết đuối, trôi sông mất rồi. Ở chỗ nào nó cũng không biết. Nó chẳng biết tên là gì, mẹ có bao giờ gọi được tên nó đâu. Bà ôm nó vào lòng thủ thỉ: “Vậy thì từ nay bà đặt cho con tên là Chiều nhé”. Nó nép chặt vào ngực bà gật gật… Cho đến khi gặp mẹ Hiền, chúng tôi đã có bốn anh em. Thằng cu Tũn bé nhất, mới hơn hai tuổi.
Mẹ ngồi nghe bà kể mà đôi mắt cứ rưng rưng, giọt ngắn giọt dài thi nhau rơi, đôi vai mẹ rung lên từng đợt. Bà không nói gì, cầm tay mẹ vỗ nhẹ nhẹ. Từ lần đó, cuối tuần nào mẹ cũng lên thăm bà và chúng tôi. Mẹ sẽ ở lại với chúng tôi vào tối thứ bảy, sang chiều chủ nhật lại đi bộ gần hai cây số xuống con dốc trước nhà để đi xe đò về thị xã.
Bà từ trong chái bếp đi ra, nhìn mẹ cười:
- Cô mang gì cho bọn trẻ mà nhiều thế? Thằng Minh xách đồ vào nhà để rồi rót cho mẹ ly nước đi con.
Tôi chưa kịp nói gì thì hai đứa Nguyệt, Chiều đã giành nhau đi lấy nước cho mẹ. Mẹ vẫn ôm cu Tũn trên tay, chào bà rồi ngồi trên bậc thềm nhìn chúng tôi ríu rít. Ống quần tây của mẹ bám đầy bụi đỏ, chắc mẹ mệt lắm.
- Con mang ít quần áo, sách vở lên bà ạ. Bọn trẻ cũng đến lúc phải đi học rồi. Để nữa thì muộn mất. Năm nay thằng Minh lên mười, con Nguyệt, con Chiều cũng đã lên bảy. Cho ba anh em nó học cùng nhau luôn. Sáng mai con với bà đến trường xin cho chúng nhé.
- Mai mẹ con Nguyệt đến đón nó đi đấy.
Nghe bà nói, mẹ Hiền chợt thoáng buồn nhưng lại vui ngay, mẹ vội hỏi bà:
- Cô ấy đến hả bà? Có chắc là mẹ bé Nguyệt không ạ?
- Chắc con Nguyệt nó không nhớ nữa đâu. Trẻ con mà, nhanh quên lắm, ba năm rồi còn gì. Tội nghiệp con bé, mẹ ôm mà nó sợ sệt, khóc chạy lại với tôi.
Mẹ thở dài im lặng.
- Nhưng tôi nhìn mẹ nó tôi biết. Con không nhận, chị ta đau khổ lắm. Âu cũng là do hoàn cảnh đưa đẩy. Chị ta biết cuối tuần cô lên nên hẹn mai sẽ đến nói chuyện với cô, nhờ cô khuyên bảo nó.
- Dạ, con cũng mừng cho con bé, được về với mẹ đẻ bà ạ. Hy vọng cô ấy sẽ quan tâm chăm sóc tốt cho con bé.
Mẹ kéo bé Nguyệt vào lòng vỗ về. Rồi mẹ nói với chúng tôi về những người mẹ, về tình mẫu tử… Có lẽ trong lòng mẹ buồn vì không nỡ rời xa đứa con của mình, nhưng mẹ lại không muốn con mất đi cơ hội đoàn tụ. Mẹ đã hy sinh cho chúng tôi nhiều lắm. Ngày chồng mẹ mất vì đột quỵ, bà hỏi mẹ còn trẻ mà sao không lấy chồng khác, rồi sinh đứa con để sau này nương tựa tuổi già. Mẹ cười, chỉ tay vào lũ chúng tôi nói: “Con có cả bầy con đây rồi, cần gì nữa bà ơi!”. Mẹ nói vậy, bởi mẹ đi lấy chồng rồi, ai phụ bà nuôi dạy chúng tôi. Bà biết vậy nên thương mẹ nhiều lắm. Đã có lần mẹ muốn đón bà và chúng tôi xuống thị xã ở cùng mẹ, vừa tiện chăm sóc, vừa đỡ phải đi lại vất vả. Nhưng lại sợ đi rồi, nhỡ may cha mẹ đẻ của đứa nào trở về nhận con thì sẽ không biết đâu mà tìm. Mẹ và bà cứ nán lại nơi núi đồi mênh mông này chỉ vì thế. Cuối cùng cũng đến ngày đó.
Đêm. Có lẽ đã khuya lắm rồi. Tôi vẫn nghe tiếng trở mình của mẹ. Ngày mai, bé Nguyệt sẽ theo mẹ nó đến một nơi khác, nghe đâu mẹ nó sống ở thành phố. Chúng tôi chỉ còn lại ba anh em. Tiếng bà khẽ hỏi:
- Cô không ngủ được sao?
- Chỉ có mẹ bé Chiều là đã mất, phải không bà. Còn thằng Minh, Tũn…
Mẹ bỏ lửng câu nói. Ý mẹ là sao? Tôi nằm im, dỏng tai nghe.
- Một ngày nào đó, mẹ chúng cũng sẽ đến…
- Cô có đành không?
- Không đành!
Tôi đang lo lắng sợ mẹ sẽ cho chúng tôi đi. Trong tâm trí tôi, chỉ có mình mẹ là mẹ. Mẹ và bà là hai người thân duy nhất của chúng tôi. Tôi không muốn theo bất cứ người mẹ nào khác, dù sinh ra tôi nhưng tôi chưa hề biết mặt. Chợt tôi nghe mẹ thở dài:
- Xa chúng thật không đành bà ạ. Nhưng biết làm sao được, ngày ấy người ta chắc cũng chẳng sung sướng gì khi bỏ con ở lại. Chúng ta không thể ích kỷ giữ chúng lại cho mình. Lòng người mẹ nào chẳng xót xa.
- Hay cô lấy chồng đi. Anh ấy cũng mất gần mười năm rồi còn gì! Cô cũng phải tìm hạnh phúc cho riêng mình chứ.
- Từ ngày gặp bà và bọn nhỏ, con đã quyết định không lấy chồng nữa rồi. Hạnh phúc đâu cần phải là của riêng mình. Đối với con bây giờ, hạnh phúc là mỗi ngày được thấy bọn trẻ khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Con đang làm hồ sơ xin chuyển về dạy ở ngôi trường trên đây để hàng ngày phụ bà chăm sóc bọn nhỏ, cũng kèm cặp chúng học hành luôn. Được như vậy là hạnh phúc nhất đối với con rồi.
Mẹ và bà còn thì thầm chuyện trò mãi trong đêm. Còn tôi yên tâm quay sang ôm thằng em ngủ ngon lành.
Lê Phượng (baogialai)