A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gửi hoa đào ra đảo

uân nghe tiếng con cười giòn tan mà thấy hạnh phúc quyện trong từng hơi thở. Anh mở bức thư của con ra, thật chậm. Thấy dòng chữ “Hoa đào con gửi ra Trường Sa tặng bố”. Đó là bức tranh con trai vẽ cây đào già khẳng khiu nhú những mầm non xanh vươn thẳng lên trời. Trên thân cây chỉ có một nụ đào duy nhất...

- Bố ơi, con mới gửi hoa đào ra đảo. Chắc là bố sẽ nhận được sớm thôi. Con đã chăm sóc hoa theo đúng hướng dẫn của mẹ.

- Cảm ơn con trai. Vậy là năm nay bố đón tết to rồi. Nhưng bố chỉ sợ hoa sẽ nở trước khi ra tới đảo.

- Mẹ đã bảo đảm rằng hoa chỉ nở khi có bàn tay bố chạm vào.

Cuộc điện thoại về nhà đã kết thúc hồi lâu nhưng Tuân vẫn như nghe thấy giọng nói của đứa con trai sáu tuổi rủ rỉ trong lồng ngực. Át cả tiếng sóng biển ì oạp vỗ vào bờ kè đá. Tuân đứng gác, sương lạnh thấm ướt vai áo chầm chậm tan vào từng thớ vải. Biển đêm mịt mù sương chỉ thấy một màu đen đặc, bí hiểm và cũng gần gũi hơn bao giờ hết. Mười năm ra đảo làm nhiệm vụ, đối với anh biển cũng là nhà. Quen với nắng gió và cảnh sinh hoạt thiếu thốn trên đảo. Quen cả với nỗi cô đơn của người lính đảo xa nhà biền biệt, nhìn đâu cũng chỉ thấy một màu xanh mênh mông sóng nước. Nhưng vợ anh nói đúng, nếu nhìn mọi thứ bằng mắt thường có thể chỉ thấy những khó khăn vất vả. Còn nhìn bằng con tim thì dù ở bất cứ đâu cũng thấy được hình bóng quê nhà. Như lúc ngó dây phơi của một gia đình sống trên đảo, Tuân bỗng thấy nhớ quay quắt góc sân nhỏ nhà mình. Trên dây phơi có manh áo người già, chiếc áo dài vợ thường mặc khi đứng lớp, thêm vài bộ quần áo hình thú ngộ nghĩnh của đứa con trai nhỏ đang rỏ nước tong tỏng xuống nền gạch lún phún rêu xanh. Lúc đi qua lớp học, Tuân như thấy ánh mắt đen láy của con lẫn đâu đó trong các em học sinh đang ê a đánh vần. Lúc tăng gia sản xuất nhìn bãi rau xanh nhớ mảnh vườn nhỏ ở quê bốn mùa tươi tốt. Chân mẹ lạnh vì quanh năm lội dưới ruộng sâu, vườn rộng ao dài. Hết mùa lúa đến mùa ngô. Hết mùa mướp đến mùa bầu, mùa bí. Nhớ màu xanh đâm chồi nảy lộc từ tay mẹ là nhớ cả một vùng trời thơ ấu nhọc nhằn mưa nắng dãi dầu.

- Cô giáo con nói “mẹ là cuốn từ điển yêu thương, cứ làm theo hướng dẫn sẽ thấy được hạnh phúc”.

- Thế nên con trai bố ở nhà phải biết nghe lời mẹ.

- Con thường chỉ mở từ điển yêu thương mỗi khi thấy nhớ bố. Như là ngay bây giờ mẹ bảo nếu con muốn biết loài cá biển hát thế nào thì chỉ cần gọi điện cho bố.

- Con nhắm mắt vào đi. Bố sẽ cho con nghe tiếng bầy cá đang hát trong lòng đại dương nhé. Con nghe thấy gì chưa?

- Chưa bố ạ. Con chỉ nghe thấy tiếng quẫy đuôi của những con cá nhỏ. Giống như những chú rô ron vẫn quẫy đuôi luồn lách trong ruộng lúa nhà mình. Bố để điện thoại gần với biển hơn đi ạ. Gần thêm một chút nữa đi bố. Ồ! Giờ thì con đã nghe thấy những tiếng hát khe khẽ cất lên. Chúng hát gì vậy bố?

- À. Chúng đang hát ru những em bé ngoan ngủ đấy. Con nhắm mắt vào và ngủ ngon con trai nhé. Để mẹ còn soạn giáo án mai đi dạy.

Con trai Tuân ra đời khi anh đang làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây. Ngày vợ trở dạ, cơn đau đẻ kéo dài dằng dặc anh ước gì có thể ở bên cạnh chăm sóc động viên vợ. Để được bế đứa con bé bỏng trong vòng tay, hôn hít thịt da thơm tho ấy. Cảm giác của một người đàn ông lần đầu được làm bố chộn rộn trong lòng. Nhất là khi được đồng đội thi nhau chúc mừng. Quây quần kể với nhau câu chuyện về những đứa con ngây thơ, ngộ nghĩnh. Tuân nhận thấy trong ánh mắt đồng đội của mình luôn dịu dàng khi nhắc đến con. Khác hẳn với hình ảnh rắn rỏi, khô khan, nghiêm túc thường ngày trong khi làm nhiệm vụ. Với họ càng xa gia đình thì tình cảm lại càng gắn kết bền chặt hơn qua những cuộc điện thoại chập chờn nhiễu sóng. Gần hai năm sau ngày con chào đời Tuân mới lên bờ. Dang rộng vòng tay nhấc bổng cậu con trai chạy ùa vào lòng bố. Nếu không có những tháng ngày cách xa đằng đẵng thì tiếng gọi bố bi bô của con chắc gì Tuân đã thấy thiêng liêng đến thế. Ở nhà vài tháng cùng chơi với con, dạy con những bài học đầu đời, chăm sóc con những đêm dài đau ốm. Rồi Tuân lại lên đường làm nhiệm vụ. Ở nhà thì nhớ mùi nắng gió mặn mòi vị biển. Ra đảo rồi thì nhớ nhất vẫn là mùi da thịt con thơm tho quá đỗi yên bình.

- Ngoài mùi tóc của mẹ. Mùi trầu của bà. Mùi da thịt con. Bố biết mùi gì là dễ chịu nhất không?

- Mùi bánh mì. Mùi lúa non. Hương cốm mới... Nhiều lắm con ạ. Với bố mùi của quê nhà luôn dễ chịu.
- Con thì thấy mùi trên áo bố là dễ chịu nhất. Áo bố để ở nhà đêm nào con cũng kê gối ngủ. Mẹ nói đó là mùi của Trường Sa. Sau này lớn lên nhất định con sẽ ra Trường Sa thăm bố.

Chiếc áo bộ đội Tuân để lại cho con trong lần về thăm nhà năm ngoái. Khi đó cu cậu đã năm tuổi, cao nhẳng và rất hay lý sự. Ai hỏi vì sao đen thế cu cậu đều chỉ sang bố bảo “tại bố cháu ở ngoài đảo suốt ngày bêu nắng nên đẻ ra cháu cũng đen”. Tuân về đúng dịp tết, đó là một trong những cái tết hiếm hoi của đời lính được ở bên cạnh gia đình. Tết bắt đầu từ lúc cầm cuốc xới vườn. Làm cỏ cho mấy luống hoa cánh chuồn, mào gà, cúc vạn thọ mẹ trồng dọc hai bên cổng nhà đều đã ra hoa rực rỡ đón tết đến xuân về. Ngày hai ba tháng Chạp cùng vợ lúi húi trong bếp làm mâm cơm cúng ông Táo. Chưa cúng xong con trai đã háo hức rủ bố đi phóng sinh cá chép tiễn ông Táo về trời. “Bố nghe thấy tiếng cá quẫy đuôi không? Bố có nhớ biển không?”. Trong mắt con biển của bố là điều gì đó vừa gần gũi vừa thiêng liêng lắm.

Cây đào thất thốn già trước nhà hình như chỉ chờ anh về mới chịu ra hoa. Trên thân cây xù xì, mốc meo bật lên một nụ hoa duy nhất ngay dưới gốc cây. Giống đào tiến vua này lạ lắm, nó kén người chơi vì biết không phải ai cũng nhìn ra vẻ đẹp của mình. Cây đào này bố được đồng đội phương xa gửi tặng. Đã cùng nở với bố những mùa hoa đẹp nhất. Tết với bố không gì thú vị hơn được ngồi uống trà ngắm những bông hoa đỏ thắm kiêu hãnh đối nghịch với vẻ cằn cỗi, xù xì của thân nhánh khẳng khiu. Bố già đi hoa cũng nở ít đi, có khi chỉ vài bông cũng đủ cho mùa xuân ấm áp. Tuân xa nhà, ở đơn vị vẫn thường điện về hỏi bố “năm nay đào có ra hoa?’. Kể từ khi bố mất đào ngậm nụ mấy năm không chịu bung hoa. Cho đến khi lòng người nguôi ngoai mất mát thì cây cũng mở lòng trổ hoa đỏ đau đáu một góc vườn. Gần hoa mới hiểu được vì sao đối với bố ngàn hoa khoe sắc thắm ngoài kia cũng chẳng bằng một bông đào thất thốn.

Tết năm nay cũng không khác gì những cái tết khác được ở cùng anh em đồng đội. Tàu chở hàng tết đã ra đến đảo. Quà tết là tình cảm đủ đầy của đất liền quan tâm đến đời sống của chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Từ heo, gà, rau củ quả tươi đến những ống giang dài, những tờ lá dong xanh mướt cũng được gửi ra để anh em chiến sĩ tổ chức gói bánh chưng. Những bông mai vàng cũng chắt chiu phong vị tết phương nam theo cánh sóng ra nở vàng ngoài đảo. Ngó đàn gà con vàng ươm, những chú heo đói ăn réo rắt, con mèo nhỏ hình như đang nhớ chủ. Giờ nhìn đâu cũng thấy được bóng dáng quê nhà. Hoa đào con trai gửi ra đã nằm gọn trong túi áo Tuân. Nhưng cu cậu nói với bố rằng giao thừa mới được mở thư ra. “Mẹ nói, đúng giao thừa hoa đào sẽ nở”. Đêm đứng gác giữa trời sương lạnh mà hoa đào con gửi để bên ngực trái cứ như những đốm lửa nhỏ âm ỉ ấm. Giờ này ở quê chắc cu cậu đã dụi đầu vào áo bố hít hà mùi mồ hôi còn sót lại và chìm vào giấc ngủ. Vợ anh có lẽ còn miệt mài bên chồng sách sau khi cùng mẹ ngào mấy mẻ mứt gừng, mứt bí. Anh thích nằm im ắng trong nhà ngửi mùi bánh trái, mùi mứt, mùi men rượu len lỏi thơm vào từng xó xỉnh. Ngoài vườn gió lao xao thổi những tàu lá chuối. Lắng tai tưởng có thể nghe thấy tiếng chồi non đang nở, tiếng của những giọt sương đêm vừa thả mình buông xuống một bông hoa nào đó. Và biết đâu có thể nghe được cả tiếng của cơn mơ bé bỏng đang ngụ trong giấc ngủ của con.

Trẻ em trên đảo đều đã được nghỉ học đón tết. Nhưng lúc đi qua gốc bàng vuông Tuân còn nghe các em chụm đầu ngân nga lời hát: “Mỗi bước em đến trường/ Phong ba rợp bóng mát/ Chú hải quân đứng gác/ Thân thương quá đi thôi/ Các bạn đất liền ơi/ Một lần ra đảo nhé/ Tự hào em sẽ kể/ Quê êm ở Trường Sa”. Có lẽ là các em đang tập luyện cho buổi giao lưu văn nghệ với văn nghệ sĩ và đoàn công tác vừa theo tàu từ đất liền ra.

Tuân nhớ con quá. Nhớ những ngày hai bố con tíu tít nấu bánh chưng, cùng đi chặt mía lộc đặt bên ban thờ. Bố ngồi đằng trước con ngồi phía sau ôm theo bó cúc vàng và những nén hương thơm cùng nhau đi tảo mộ. Để kể với ông rằng “cây đào của ông năm nay lại ra hoa. Bà đã thay ông chăm sóc và trò chuyện cùng cây mỗi ngày ông ạ”. Lúc đèo nhau về, con dựa vào lưng bố lặng im. Tuân biết đó là giây phút bình yên xen lẫn cả nỗi buồn đẹp đẽ của một đứa trẻ ngoan, khi biết rằng sẽ chẳng bao lâu nữa bố lại phải xa nhà.

Giao thừa trên đảo rộn rã tiếng đàn ca. Ai cũng tranh thủ gọi điện cho người thân để chúc nhau những điều tốt lành trong năm mới. Tiếng con gọi mẹ, vợ gọi chồng, bố gọi con cứ ấm ran lên. Nhưng giao thừa cũng là lúc nghẽn sóng. Tiếng yêu thương cứ chập chờn, ngắt quãng. Tuân bấm máy gọi về nhà mấy lần mới được. Giọng con trai ấm áp vang lên:

- Bố à. Bố đón giao thừa ngoài đó có vui không? Ở nhà mẹ và bà cứ nhắc bố hoài. Năm nay mẹ làm mứt gừng muộn nên không kịp gửi cho bố trước tết. Mẹ bảo ra tết sẽ gửi tàu ra để những khi đứng gác bố ngậm cho đỡ ho. Bà có nấu món canh măng hầm xương mà bố thích nhất đấy. Bố có ngửi thấy mùi gì không?

Không để cho bố kịp trả lời, cu cậu lại thủ thỉ:

- Mùi của lá mùi già, vỏ bưởi trên người con đấy bố. Mẹ đun một nồi nước lá to thật to để tắm tất niên. Chắc là mẹ đun cho cả phần của bố. Giờ thì bố hãy mở thư của con ra đi. Thật chậm thôi bố nhé. Kẻo nụ đào giật mình sẽ co rúm lại.

Tuân nghe tiếng con cười giòn tan mà thấy hạnh phúc quyện trong từng hơi thở. Anh mở bức thư của con ra, thật chậm. Thấy dòng chữ “Hoa đào con gửi ra Trường Sa tặng bố”. Đó là bức tranh con trai vẽ cây đào già khẳng khiu nhú những mầm non xanh vươn thẳng lên trời. Trên thân cây chỉ có một nụ đào duy nhất.

- Mẹ bảo bố nhắm mắt vào đi. Bố sẽ thấy hoa đào đang nở bung từng cánh nhỏ diệu kỳ.

- Đẹp quá con trai à. Một cánh, hai cánh, ba bốn cánh. Giờ thì bố thấy mùa xuân đã về chật tim rồi…

Vũ Thị Huyền Trang (baoquangnam)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu