A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuân Diệu và giai thoại

Xung quanh nhà thơ Xuân Diệu không ít giai thoại vui và buồn, BBT gửi tới bạn đọc một số giai thoại sưu tầm được.

Xuân Diệu ăn bánh bao

Một công ty ăn uống ở Hà Nội mới làm được một loại bánh bao ngon, hy vọng hơn cả bánh của người Hoa ở phố Hàng Buồm. Chủ nhiệm công ty là người mê văn nghệ, mời hơn chục nhà thơ đến thưởng thức.

Ngồi vào bàn, không chờ chủ mời, nhà thơ Xuân Diệu cầm một chiếc bánh bao ăn liền. Còn những người khác thì lịch sự nghe bài diễn văn của chủ nhiệm.

Đọc xong bài diễn văn ông mời các nhà thơ thưởng thức bánh. Nhìn đến cái đĩa trước mặt nhà thơ Xuân Diệu, thấy trống trơn, ông lừ mắt ra hiệu cho cô nhân viên bỏ thêm bánh vào. Nhà thơ Xuân Diệu lại thản nhiên ăn. Vừa ăn, Vĩnh Mai vừa lúi húi viết. Một lúc sau, mọi người chuyền tay nhau một mẩu giấy có bài thơ bốn câu:

Cái bánh bao hời, cái bánh bao

Mùa xuân kỳ diệu, Diệu kỳ sao!

Người ta một chiếc, ông hai chiếc

Thơ nghĩ chưa ra, bánh đã vào!

 Xuân Diệu là người đọc bốn câu thơ luân lưu ấy sau cùng, ông gật gù khen hay.

Không tiếc thuốc lá, chỉ tiếc thời gian

Những lần đến thăm Xuân Diệu, nhà thơ Trần Ninh Hồ thường để ý thấy ông hay rút từ một bao thuốc lá nguyên khi thì một điếu, lúc thì hai điếu, đặt lên chiếc đĩa trước mặt khách (mà ít khi là cả bao). Dường như đoán được ý nghĩ của nhà thơ trẻ (không ngờ một nhà thơ lớn mà lại ki đến vậy), khi tiễn Trần Ninh Hồ ra cổng, Xuân Diệu dúi bao thuốc vào túi anh, nói nhỏ:

 - Anh cho em bao thuốc về mà hút.

 Rồi ông phân giải:

- Anh là người rất quý thời giờ. Thời giờ nó cũng như tấm vải vậy. Để nguyên mấy mét thì may được sơ mi, áo dài, mà cũng ngần ấy vải, đem cắt nhỏ ra thì chỉ may được mùi soa. Sở dĩ anh không đặt cả bao thuốc ra đấy vì đó là chủ ý của anh. Một điếu có nghĩa là khách chỉ nên ngồi 5 phút thôi. Mà hai điếu thì có nghĩa là 10 phút. Anh đặt cả bao ra đấy, nhỡ có người sẵn thuốc ngồi dai thì sao. Thuốc thì anh không thiếu, nhưng anh thiếu thời gian. Bây giờ anh đã sắp đến cái tuổi "cổ lai hy" rồi còn gì.

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Trong sự nghiệp thơ ca của Xuân Diệu, bài Yêu có một vị trí khá đặc biệt. Nó không phải là bài thơ "bề thế", song lại được phổ biến rộng rãi bởi đã nói được những khoảnh khắc tâm tình rất riêng của các bạn trẻ.

Về xuất xứ của bài thơ này, Xuân Diệu kể: Bấy giờ ông chỉ mới chừng 19, 20 tuổi. Một buổi trưa, nhân lúc ra trông hàng cho mẹ (vốn là một cô hàng nước mắm), phải cái thời khắc vắng vẻ, chợ búa ít người qua lại, Xuân Diệu mới tìm cách trêu ghẹo cô bán hàng bên cạnh. Cô này thấy chàng làm thơ đã chớm nổi tiếng thì giả bộ mê mải đọc sách. Xuân Diệu vờ buông lơi một câu (mà ông lấy ý của thơ Pháp) để "thăm dò":

Yêu là chết ở trong lòng một ít

Không ngờ cô bán hàng bỏ sách xuống, nguýt chàng thi sĩ "ỡm ờ" này một cái rõ dài, rồi bĩu môi, cao giọng:

 Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu

Như được "nối điêu", Xuân Diệu hứng khởi hẳn lên. Ông tiếp luôn:

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu

Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết

 Mặc dù mối liên quan giữa chàng thi sĩ với cô gái trẻ cũng chỉ dừng lại ở chuyện đối đáp thơ, song đó chính lại là xuất xứ của khổ đầu bài Yêu - một bài thơ tình nổi tiếng của Xuân Diệu./.

(clbnguoiyeusach.com)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu