A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xuân Diệu thăm nhà Phạm Hổ

Giữa thời bao cấp khó khăn, một hôm nhà thơ Xuân Diệu đến thăm nhà thơ Phạm Hổ. Mặc dù đã nghe từ trước, nhưng khi đến nhà Phạm Hổ, ông kêu lên khi bước vào phòng: “Chật đến thế này kia à?”.

 “Thế mà còn hơn chỗ ở trước đây đấy anh ạ! Ở đây còn được một phòng chứ trước đây chúng tôi chỉ có nửa phòng, ở chung với vợ chưa cưới của Phan Tứ, phải lấy một tấm màn ngăn đôi căn phòng ra…”- ông Hổ đáp. “Khổ! Phòng này có được 20 thước không? Gia đình Hổ 5 người nhỉ?”. Vợ ông Hổ nói thêm: “Năm người và cả củi, gạo, nước, xe đạp, chạn đựng thức ăn nữa…”

Nhưng rồi bà vợ ông Hổ bảo còn có người ở chật hơn họ như nhà thơ Xuân Quỳnh chẳng hạn…Đến đây, Xuân Diệu mới chịu ngồi xuống cái ghế duy nhất trong phòng ở cạnh bàn làm việc của Phạm Hổ. Đó là cái bàn ông Hổ chỉ được ngồi làm việc (lúc đó ông làm ở Báo Văn Nghệ) sau khi các cháu đã học xong, vợ ông đã soạn bài dạy học, nghĩa là sau 12 giờ khuya…

Xuân Diệu lại hỏi: “Thế tiền lương có đủ sống cả tháng không?”. “Cũng phải tằn tiện cho tạm đủ” - ông Hổ đáp. Rồi Xuân Diệu nói với vợ nhà thơ Phạm Hổ: “Anh Hổ làm báo giỏi lắm đó chị ạ! Mấy lần anh đến đặt bài, tôi từ chối vì bận mà trò chuyện vui rồi cũng phải nhận lời”… Biết Xuân Diệu thích dùng hoa quả, vợ ông Hổ mời nhà thơ dùng cốc nước mơ ngâm muối. Xuân Diệu ngắm những quả mơ: “Cái loài mơ này lạ thật đấy! Ngâm với đường thì nhăn nheo, xấu xí, ngâm với muối thì lại tươi tắn, mơn mởn. Nhất là cái màu vàng của nó”.

Bà vợ nhà thơ Phạm Hổ lấy ra hai cái cốc pha nước mơ. Xuân Diệu hỏi: “Sao chị lại pha có hai cốc?”. “Mời hai anh uống nước, lát nữa tôi sẽ uống sau”- vợ ông Hổ đáp. Nhà thơ Xuân Diệu lắc đầu: “Phụ nữ lúc nào cũng tự nguyện chịu thiệt thòi”. Uống ngon lành cốc nước mơ rồi, Xuân Diệu lại cầm cái hạt, đập ra lấy nhân ăn, khen ngon lắm và bảo có người mách cách ăn từ thời còn nhỏ…

Nhớ lại chuyện hạt mơ, một lần vợ nhà thơ Phạm Hổ nói với chồng: “Một nhà thơ lớn và cái hạt mơ bé nhỏ. Biết đâu sau này lại chẳng có người dựa vào tứ đó mà viết thành một bài thơ hoặc cái truyện hay…”

Trọng Nguyễn (Chuyên trang Văn nghệ Báo Hải Dương Online)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu