A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Viết để trả nợ cho đồng đội, quê hương

Tình cờ gặp Phạm Thông (sinh năm 1951, quê Tỉnh Thủy, Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) trong một lần cà phê, anh khoe vừa hoàn thành xong cuốn “Núi Thành đất và người kiên trung”. Tôi hỏi: Anh già rồi sao không nghỉ cho khỏe? Anh chân thành: “Tôi viết để trả nợ cho đồng đội, cho quê hương đất nước”...

 Trong vòng bảy năm Phạm Thông cho ra mắt 5 tập bút ký về đề tài chiến tranh.

1. Ở tuổi ngoài lục tuần, nghỉ hưu từ mấy năm trước, và hiện Phạm Thông đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật TP.Tam Kỳ. Vẫn đi và viết. Anh làm thơ, viết truyện và nhiều nhất là bút ký về chiến tranh. Viết rồi tự bỏ tiền ra in sách, viết theo đơn đặt hàng, cũng có khi viết chỉ để đăng Facebook! Nhưng anh miệt mài, cần mẫn “cày chữ” năm này qua tháng nọ. Một năm rưỡi là khoảng thời gian anh viết cuốn “Núi Thành đất và người kiên trung” theo thể bút ký. “Mình còn nhiều ơn nghĩa với đồng đội, với quê hương. Còn những câu chuyện ở phía sau cuộc chiến muốn viết lắm. Và để những ai đọc tác phẩm của mình thêm trân quý giá trị của hòa bình hôm nay” - anh nói.

Ngồi hàn huyên giữa quán cà phê đông người, nhưng khi tôi hỏi câu chuyện nào anh tâm đắc nhất trong cuốn “Núi Thành đất và người kiên trung”, anh liền mở sách ra và đọc cho tôi nghe chuyện “Một thời không quên”.Chuyện về người chiến sĩ cách mạng Đỗ Viết Can từng giả khùng để hoạt động cách mạng, sau làm cán bộ cài cắm để phụ trách mạng lưới binh vận địch. Trong cuộc chiến ác liệt này, oan khuất có thể xảy ra bất cứ lúc nào: “Chiến công của các chiến sĩ làm công tác binh vận không thật rõ ràng như người chỉ huy quân sự sử dụng binh ba hỏa bảy đè bẹp quân thù trên trận tuyến. Mà nó chầm chậm, mờ mờ ảo ảo thông qua sức mạnh mềm…”. Trong bút ký này còn có trường hợp của bà Út Phận hoạt động binh địch vận mà Đỗ Viết Can chưa thể giải oan được. Để rồi sau này, ông Can bất lực trả lời trước mặt chị Út Phận: “Những người làm công tác binh vận như chị Út đây phải chịu oan ức. Cái vết xước của chiến tranh thời ấy vẫn còn tấy nhức trong chị… Ôi là chiến tranh! Ôi là chiến tranh!”.

Bút ký chiến tranh của Phạm Thông là vậy. Bên cạnh những câu chuyện đấu tranh hào hùng của người chiến sĩ cách mạng như: “Người con trung hiếu”, “Người anh hùng đặc công”, “Chuyện vua mìn Võ Phố” (Núi Thành đất và người kiên trung), còn có những câu chuyện rất thật về sự oan khiên, những nỗi đau, ác liệt đến ghê rợn của chiến tranh. Những ký ức về một thời đau thương và hào hùng vẫn ẩn chứa nơi sâu thẳm con người anh. Anh nói: “Đối với tôi, ký ức về chiến tranh như một phần của cuộc sống, luôn chập chờn trong tâm trí và có lẽ đến suốt đời. Tròn 45 năm tham gia công tác, đã từng sống trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng năm tháng chiến tranh là quãng đời đầy ấn tượng nhất”.

Cách đây gần 7 năm, ở cái tuổi đã đủ độ “chín” để chuyển tải được những cảm xúc, những ký ức dồn nén bấy lâu, Phạm Thông cho ra mắt tập bút ký đầu tay “Cát đỏ” với 18 bút ký. Đây là những câu chuyện độc lập với nhau, diễn ra chủ yếu trong thời kỳ đánh Mỹ trên vùng đất Tam Kỳ quê anh. “Cát đỏ” tập hợp những chuyện có thật. Từ Ba Tùng - một anh bộ đội vệ quốc ngang tàng, “chẳng sợ, chẳng nể mấy thằng ấp trưởng, ấp phó gì cả”, sẵn sàng “giật súng địch bắn một loạt rồi cùng chết với địch” (Hồn nhiên cách mạng), đến Tám Mân - một nhà báo tự vượt nguyên tắc cho in Tờ tin để kịp thời trong công tác tuyên truyền, phải bỏ về làm dân bám trụ và hy sinh trong một lần càn quét của địch (Nhà báo trung liệt).

Hay như chuyện về nhà văn, người chiến sĩ cách mạng Chu Cẩm Phong gan dạ, mưu trí, sẵn sàng “xông pha về phía mặt trận, vào vùng sâu địch hậu, cùng với nhân dân nếm trải thực tế, hình thành ý tưởng, thai nghén tác phẩm văn học để có được những trang viết nóng hổi hơi thở cuộc sống thời chiến” (Một chặng đường cùng Chu Cẩm Phong). “Cát đỏ” còn là câu chuyện đấu tranh kiên cường của những người chiến sĩ cách mạng như Phước, Thiết, Hoàng, Cường, Khánh, Thanh, Hưng… “Các anh dựa vào các công sự đào sẵn, trụ vững tại đỉnh đồi, bẻ gãy cả chục đợt tấn công của địch. Xác giặc nằm rải rác ở sườn đồi…”, nhưng cuối cùng “chúng ném lựu đạn và quét tiểu liên xuống hồ rau muống và thùng tô-nô, nơi các anh ẩn nấp. Tất cả các anh hy sinh!” (Chuyện bi hùng trên cát). Đó còn là câu chuyện của những sinh linh bé bỏng như cu Biện, bé Pháp bị một quả rốc-két nổ tung ngay miệng hầm khi bọn trẻ đang ẩn nấp, “cu Biện yếu dần, bé Pháp cũng lìm lịm, văng vẳng qua cái cổ nhỏ xíu, múp míp của nó. Hai đứa nằm thẳng đuột, không vùng vẫy, riu ríu cặp mắt, hơi thở và mạch yếu dần rồi tắt hẳn” (Những linh hồn bé bỏng). Xuyên suốt trong tập bút ký “Cát đỏ”, Phạm Thông đã nhiều lần phải đau đớn mà thốt lên: “Chiến tranh thật là tàn khốc!”.

2. Sau tập bút ký đầu tay, Phạm Thông như khơi thông được mạch nguồn ký ức. Năm 2011, anh xuất bản tập bút ký “Ám ảnh vùng Đông” với những trăn trở trong tận cùng góc khuất chiến tranh. Ở đó có các câu chuyện về những thiếu niên đánh giặc, ý chí thép của người tù cộng sản, người âm thầm hoạt động trong lòng địch. Ở đó còn có chuyện của một “thương binh mềm” không được xếp hạng thương binh, người nữ du kích bị quên lãng, nữ thanh niên xung phong thiệt thòi chính sách… Năm 2012, anh tiếp tục cho xuất bản tập bút ký “Tam Kỳ thời lửa đạn” với 17 bút ký nói về những năm tháng chiến đấu khốc liệt, hy sinh anh dũng của những người con quê hương Tam Kỳ, từ những chuyện “Kỳ Anh ngày đầu đồng khởi 1964” đến “Người dẫn đường xe tăng giải phóng Tam Kỳ”. Đến năm 2014, tập bút ký “Những bình thường lấp lánh” được ra mắt công chúng. Với 23 thiên bút ký, Phạm Thông một lần nữa kể ra những câu chuyện, những phận đời bình dị, những người chiến sĩ cách mạng kiên trung trên khắp các vùng đất từ Quế Sơn, Trà My đến Tam Kỳ. “Những bình thường lấp lánh” còn phản ánh chân thực các trận đánh khốc liệt (Giải phóng khu dồn Nhà Tằm), những màn tra tấn dã man của địch (Chuyện của một người tù), cảnh chết chóc, tang thương (bác sĩ Thu Hà với trạm xá Quế Sơn)... Nhưng giữa cái khốc liệt, tang thương ấy lại “lấp lánh” những con người trung kiên, anh dũng, hồn hậu. Xuyên suốt tập bút ký này là sự vinh danh của tác giả, của cả những thế hệ hôm nay đối với những đóng góp xương máu của người chiến sĩ cách mạng cho dân tộc.

3. Khi đã nhuần nhuyễn với bút ký, mạch văn của Phạm Thông ngày càng lôi cuốn và hấp dẫn người đọc. Trong từng câu chữ ấy, có lúc là niềm tự hào, có khi lại là sự phẫn nộ, căm hờn, đến những cảm xúc đau đớn tột cùng, niềm sẻ chia thông cảm. Giọng văn có khi da diết cảm xúc: “Những người còn sống sau chiến tranh, những đồng chí của tôi ơi! Hãy bỏ chút thời gian rời nơi thị thành mà trở lại thăm Hóc Hiếu. Hãy trở lại đây mà nghe chim cú kêu. Đấy là một loài chim thiêng. Đêm đêm cú về đậu trên cành cây gọi hồn những số phận bị lãng quên nơi hốc đá, bờ lau của xứ Vườn Cau, Dương Cháy heo hút này. Hãy trở lại đây mà thắp nén hương tạ lỗi và cầu mong cho linh hồn của bốn thế hệ trụ bám, che giấu chúng ta trên chính mảnh đất này giữa thời lửa đạn để họ có thể an nhiên, siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng…” (Tiếng cú gọi hồn - Những bình thường lấp lánh).

Tôi trêu Phạm Thông: “Có khi mô anh bịa chuyện ra để viết không?”. Anh lập tức “nghiêm trọng”: “Tư liệu được đưa vào trong tác phẩm bút ký phải trung thực, chính xác. Người viết phải thể hiện đầy đủ lương tâm với cuộc sống, không được bóp méo lịch sử, dù đó là lịch sử của một cá nhân, của một vùng đất nhỏ thậm chí là của bản thân hay những người ruột thịt. Trong khi thực hiện tác phẩm, tôi luôn liên hệ với nhân chứng, nhân vật, đi thực tế để đảm bảo được tính trung thực trong tác phẩm”. Một lần tôi gặp Phạm Thông tại căn gác riêng của anh trên đường Trưng Nữ Vương (Tam Kỳ) khi anh đang loay hoay viết lách. Anh lục tìm đọc tư liệu, gọi điện thoại đến người này người kia để hỏi. Rồi anh rủ tôi đi đến nhà một nhân vật để hỏi cho tường tận sự việc. Anh nói: “Cuộc sống của những người chiến sĩ cách mạng trong chiến tranh vô cùng phong phú, đa dạng, sống động, không cần phải hư cấu cũng đã rất hay”.

Tường Quân (baoquangnam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu