Thơ răng cắn lưỡi
Nguyễn Đăng Hành, con Nguyễn Đăng Giai, làm quan đời Tự Đức, là người hay chữ.
Nhân dẹp được cuộc âm mưu lật đổ của Hồng Bảo(1), Tự Đức mở tiệc ăn mừng. Trong khi đang đãi yến các quan, nhà vua ăn uống thế nào lại để răng cắn phải lưỡi.
Vua bèn lấy sự việc này bảo các quan làm thơ để mua vui. Các quan đều làm thơ dâng lên vua, nhưng chỉ có bài của Nguyễn Đăng Hành là hay hơn cả. Bài thơ như sau:
Ngã sinh chi sơ, nhữ vị sinh,
Nhữ sinh chi hậu, ngã vi huynh,
Kim triêu hạnh hưởng cao lương vị,
Hà nhẫn độc thương cốt nhục tình.
Dịch là:
Tớ sinh, ngươi chửa ra đời,
Ngươi sinh sau tớ, tớ thời làm anh,
Hôm nay ăn uống ngon lành,
Mối tình cốt nhục, sao đành hại nhau?
Rõ ràng đây là bài thơ nói về việc răng cắn phải lưỡi. Lưỡi có trước khi mọc răng, vậy thì lưỡi là anh, mà răng là em. Thế mà khi được miếng ăn ngon đáng lẽ cùng nhau hưởng thụ thì răng lại nỡ lòng cắn lưỡi để tranh ăn lấy một mình! Nhưng bài thơ lại ngụ ý chê trách nhà vua nỡ giết anh là Hồng Bảo để độc hưởng phú quý.
Tự Đức xem xong biết là Hành ám chỉ việc riêng của mình, tức giận lắm, nhưng cũng phải phục là tài. Rồi để thỏa nỗi tức giận của mình, nhà vua sai đem tác giả ra cửa Ngọ Môn nọc đánh ba chục roi về cái tội châm biếm phạm thượng. Sau đó, để tỏ rằng mình cũng biết quý trọng văn tài, nhà vua lại thưởng tiền lụa cho tác giả rất hậu.
Theo Kho tàng giai thoại VN
---------------------------------------------------------------------
* Chú thích:
(1) Hồng Bảo là con đầu của Thiệu Trị và là anh khác mẹ của Tự Đức. Đáng lẽ Hồng Bảo được nối ngôi, nhưng vì Thiệu Trị không ưa nên bị truất; để cho Tự Đức lên nối ngôi.
Trong lúc Tự Đức làm vua, Hồng Bảo âm mưu lật đổ. Việc bại lộ, Hồng Bảo phải tự tử. Con cái phải đổi tên họ và về sau cũng bị hại.