A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thách đố Trạng Quỳnh - Giai thoại về nữ sĩ họ Đoàn ( tiếp)

Chuyện được truyền khẩu nhiều trong dân gian là cô Điểm nhiều lần thách đối với Trạng Quỳnh và lần nào Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua.

Chuyện rằng, cô Điểm đang ngồi bên cửa sổ thì Trạng Quỳnh tới, cô liền đọc một câu thách đối: Song song là hai cửa sổ, hai người ngồi trong cửa sổ song song. Trạng Quỳnh đối không được, chịu thua, rút lui.

Lần khác, cô Điểm gặp Trạng Quỳnh đi theo cô lên phố Mía, Sơn Tây, cô đứng lại chờ Quỳnh tới đọc một câu thách đối: Lên phố Mía gặp cô hàng mật, cầm tay kẹo lại hỏi thăm đường. Trạng Quỳnh lại chịu thua, không thể kiếm ra chữ để đối lại.

Lần khác nữa, Trạng Quỳnh lại gần chỗ cô Điểm tắm, cô biết vậy liền ra một vế thách đối: Da trắng vỗ bì bạch. Bì là da, bạch là trắng, bì bạch là da trắng, nhưng hai tiếng này theo nghĩa Nôm là để tượng thanh tiếng vỗ vào da thịt. Trạng Quỳnh cũng đành chịu thua keo nữa.

Lần cuối, nhân buổi hội Xuân, cô Điểm thuận tay bẻ một nhánh xương rồng, chợt thấy Quỳnh đi tới, liền đọc: Cây xương rồng trồng đất rắn, long vẫn hoàn long. Long chữ Hán là rồng, mà tiếng nôm nghĩa là không chặt. Lần này, Quỳnh đối lại được, chữ nghĩa rất chỉnh mà lại biểu lộ tính ngang ngạnh của mình: Quả dưa chuột tuột thẳng gang, thử chơi thì thử. Thử là con chuột, nhưng tiếng Nôm nghĩa là làm thử, chưa phải làm thật. Sau lần đối này, Trạng Quỳnh và cô Điểm chia tay, không còn gặp nhau nữa!

Thời xưa, mỗi lần có đoàn sứ bộ của nước Tàu sang nước ta, triều đình thường chọn những người tài giỏi, lanh lợi, văn hay chữ tốt, thạo việc ứng đối, giả làm các công việc: bán hàng, đưa đò, hoặc làm việc nơi công quán, mục đích là để đối đáp với Sứ Tàu, khiến họ kính phục nước Nam ta.

Năm đó có đoàn Sứ bộ Mãn Thanh sang. Trong số những người bán hàng trên đường Sứ bộ Tàu đi qua có cô Điểm và chú bé Trần Quang Trạch, con trai của ông Hoàng giáp Trần Danh Ninh, mới hơn 10 tuổi mà đã giỏi văn thơ ứng đối.

Sứ bộ Tàu hống hách, thấy có cô bán hàng xinh đẹp thì nói đùa một câu: Nam phương nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh. (Phương Nam có một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày). Cô Điểm đứng đó liền đáp lại rằng: Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất. (Nước Tàu phương bắc các bậc đại phu đều bởi đường ấy mà ra).

Hai câu đối trên, nếu giải nghĩa thanh thì đối nhau rất thanh, giải nghĩa tục thì đối nhau rất tục. Sứ bộ Tàu nói bỡn để hạ nhục cô bán hàng, nào dè cô lanh trí trả lời đích đáng, đem cái nhục trả lại, làm cho họ hổ thẹn rút lui, phục, không còn dám bỡn cợt gái nước Nam nữa. Tất nhiên, đây chỉ là giai thoại, chứ không thấy ghi trong chính sử./.

Phạm Thu Hà ( baomoi.com)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu