A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phong nguyệt vô biên

Nguyễn Đăng Cảo người xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Năm 28 tuổi đỗ Hội nguyên, Đình nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (tức Thám hoa) khoa thi Bính Tuất niên hiệu Phúc Thái thứ 4 (1646) thời Lê Chân Tông. Do khoa thi này không lấy Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (trạng nguyên) và Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhị danh (bảng nhãn) nên ông là người đứng đầu trong số những người thi đỗ khoa này. Sau ông lại đỗ đầu khoa Đông các và làm quan Đông các Đại học sĩ (1659).

Tục truyền Nguyễn Ðăng Cảo là người tính tình phóng túng, ngông ngạo.

Ngày ông vào điện thí, đáng lẽ đỗ đầu, nhưng vì tính ông như thế, triều đình mới đánh xuống hàng thứ ba (Thám hoa). Ông cũng biết vậy, nên khi con trai ông là Nguyễn Ðăng Tuân sinh con đầu lòng là Nguyễn Ðăng Ðạo, mỗi lần bế cháu, ông thường nựng rằng: "Triều đình ghét ta cứng cổ không cho đỗ Trạng nguyên, nhưng thằng bé này mà không cho đỗ Trạng thì không được đâu!"

Thường ngày ở trong triều, ông nói năng không kiêng sợ gì cả, do đó đã mấy lần bị biếm truất.

Khi sứ nhà Thanh sang sách phong, đi đến trạm Xương Giang thì dừng lại, đưa cho Chúa Trịnh một vuông gấm, viết một chữ càn thật to. Cả triều không ai giải đoán được, Chúa Trịnh phải đặc chỉ triệu ông vào để hỏi. Ông thưa rằng:
- Cái trò đánh đố nhỏ nhặt ấy, bõ bèn gì mà chúa thượng phải bận lòng suy nghĩ.

Rồi ông cầm bút quệt đẫm mực viết một nét xổ để trả lời. Chúa hỏi duyên cớ, ông nói:

- Tượng của quẻ "càn" có 3 nét ngang thêm vào một nét xổ thì thành chữ "vương", có thế thôi!.

Thời gian ông làm chánh sứ sang cống nhà Thanh, một bữa đi qua một cái chùa rường cột hết sức lộng lẫy, viên sứ Thanh đi cùng theo mời ông đề cho mấy chữ "biển ngạch" (bức hoành phi), ông liền viết ngay hai chữ "trùng nhị". Cả phái bộ nhà Thanh đều phân vân không hiểu ý sứ giả Việt nam muốn nói gì. Cuối cùng, Nguyễn Ðăng Cảo mới cười mà giải thích rằng:

- Ðây là bốn chữ "Phong nguyệt vô biên", viết giản lược
Phong nguyệt vô biên là chữ sẵn trong sách, có nghĩa là: Gió trăng vô tận không có bến bờ nào. Nhưng đồng thời cũng có nghĩa thứ hai là: Chữ phong chữ nguyệt mà không có nét ngoài biên. Bởi thế, ở đây, Nguyễn Ðăng Cảo chỉ cần viết một phần của hai chữ ấy, tức là chỉ cần viết hai chữ trùng nhị là đã nói lên ý niệm cả câu Phong nguyệt vô biên.

Thật là thông minh và dí dỏm, sứ nhà Thanh và những người đi cùng đều hết sức kính phục tài mẫn tiệp tuyệt vời của Nguyễn Ðăng Cảo.

(Sưu tầm)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu