Nhặt nhạnh chuyện về thần đồng thơ Việt
Bắt đầu từ cái máy ghi âm
Đó là cái máy ghi âm "lão" Khoa tặng tôi. Chuyện cũng từ cái buổi phỏng vấn đó. Tôi và "lão" ngồi trò chuyện, ngồi nhiều quá, véo von nhiều quá nên máy ghi âm đầy, không ghi tiếp được.... nó không xịn, thành thật thế.
- Phóng viên đi làm việc thì phải dùng cái máy tử tế. Máy của thím là đạo cụ diễn kịch. Thím phải nhớ thím là phóng viên chứ không phải diễn viên...
- Dạ vâng – Nói thế nhưng trong đầu tôi thì thầm nghĩ: ồ, cái lão này đúng là ở trên giời. Người ta mới chân ướt chân ráo vào nghề.. Tiền lo thuê nhà còn đang... toát cả mồ hôi đây. Sắm được máy ghi âm tầu là oách rồi. Mua máy chuyên nghiệp thì... nhịn đói à!
Chuyện tưởng chỉ có thế. Một vài ngày sau đó, "lão" Khoa điện thoại và báo tin là "lão" vừa mua tặng tôi một cái máy ghi âm tốt hơn. - Cái lão này thoáng thế, quen thân gì đâu mà mua quà. Nhưng mà mấy khi được thần đồng tặng quà, tặng một câu thơ đã mừng run rẩy nữa là một cái máy ghi âm kỹ thuật số. Đó là một kỉ niệm - Tôi nghĩ thế.
Cái máy ghi âm thuộc sở hữu của tôi vào một vài ngày sau đó, trong chuyến rong ruổi vào Sài Gòn tham gia buổi giao lưu "Nhà báo và người lính” do tạp chí Nghề báo tổ chức. "Lão" Khoa bảo tôi: Cuối năm bận lắm nhưng nhà báo Huỳnh Dũng Nhân mời thì bỏ hết. Hóa ra lão rất quý nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Lão còn bảo: Thím muốn học nghề thì cứ tìm các tác phẩm báo chí của Ngô Tất Tố, Phạm Quỳnh, Hữu Thọ, Nguyễn Trần Bạt, Trần Đăng Tuấn, Đỗ Doãn Hoàng, Huỳnh Dũng Nhân, Phan Vàng Anh ở cuốn "Trường hợp chị Thỏ Bông”, Nguyễn Quang lập ở "Ký ức vụn”, Hoàng Anh Sướng ở "Bùa ngải xứ Mường”. Cứ đọc thẳng tác phẩm của họ rồi tìm ra cách viết riêng của mình.... Còn nhà báo Huỳnh Dũng Nhân hôm trước gọi điện thì bảo: Đi cùng anh Khoa ra sân bay cho đỡ tốn tiền em nhé. Lão ấy có xe riêng. Thế là tôi "bám càng” cái "lão" Khoa giàu có này.
Tớ già, ngoài 70 rồi
Không như suy nghĩ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, "lão" Khoa đi taxi.
- Tưởng anh có lái xe cơ quan đón chứ? – Tôi hỏi
- Vất vả nó ra, mình đi việc riêng thì sao lại dùng xe cơ quan- "Lão" trả lời tỉnh bơ. Anh lái taxi cũng chen vào:
- Bác việc gì phải vất vả. Cháu thấy người ta có quyền chức thì tận dụng của công nhiều lắm.
- Tớ thì không ham mấy thứ đó. Hầu như chẳng bao giờ mình dùng đồ cơ quan, kể cả điện thoại bàn. Đi đâu thì gọi tắc. Rất đàng hoàng, tiện và thanh thản.
- Bác đi nhiều sao không mua ô tô? – Anh lái xe tò mò
- Thì tớ cũng đang đi ô tô đây thôi. Có xe lại khổ vì xe. Để mua một cái xe tử tế, phải có ít nhất cũng hơn tỷ bạc. Dùng tiền đó, đi tác xi, có phải sướng không? Mà đi đến bao giờ mới hết được hơn tỷ bạc. Có ô tô, loạng quạng húc nhau thì khốn. Mình chết không sao. Nhưng người khác chết thì mình tàn đời. Đền ba chục triệu lo đám tang là xong, nhưng mình sẽ không bao giờ yên vì day dứt, ân hận. Sẽ không bao giờ còn yên ổn được nữa…
- Dạ. Xin phép được hỏi, bác năm nay bao nhiêu tuổi rồi ạ?- Anh lái xe chân tình
- Tớ ấy hả? Ngoài 70 rồi. Già mõm ra rồi.
- Ngoài 70 mà trẻ thế ạ?
- Cậu thấy tớ trẻ à? Nhiều cô còn hỏi tớ: "Bố đi mỹ viện ở đâu mà nõn thế? Tớ bảo, bố tự vôi ve đấy! Loại mỹ phẩm nào ạ? Mỹ phẩm của giời. Cứ không thù ghét ai,không ham hố quyền chức, tiền bạc, không bực giận cáu gắt, thì mặt mũi lúc nào mà chả phừng phừng hơn hớn. Làm sao mà sầu héo được. Bệnh tật, già yếu, suy cho cùng cũng chỉ là lệch nhịp, mất cân bằng sinh thái mà thôi…
Xuống taxi tôi hỏi ngay:
- Anh mà ngoại thất tuần rồi sao. Thật không?
- Thì cứ nói thế, mình mới được khen là trẻ chứ. Chẳng mất một xu mà được cải lão hoàn đồng. Nói thật tuổi, bọn trẻ nó lại thương lão già: "ối giời, bố lao động trí óc từ bé. Bố già quá, mà lại già không đều. Bụng bó phệ. Trán bố hói. Mắt bố lờ đờ như mắt cá chết. Nghe cứ ghê cả răng.
Hoá ra là thế! Giờ mới biết có một "lão" Khoa, không chỉ là thần đồng mà còn có phép "cải lão hoàn đồng!”
Hà Vân ( Vanthoviet.com)