A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhà sư thi sỹ

Nhà sư Huyền Quang sau khi Pháp Loa viên tịch, thì ông được giới Phật giáo của cả nước lúc ấy, dưới ngọn cờ của thiền phái Trúc Lâm, được truyền y bát và trở thành vị tổ thứ ba.

Nhà sư Huyền Quang, sư tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm, tên thật là Lý Đạo Tái (quê huyện Gia Bình, Bắc Ninh) không chỉ là một đại cao tăng thời Trần, mà còn là một thi sĩ nổi tiếng.

Ông là vị tổ thứ ba của Thiền Phái Trúc Lâm tên thật là Lý Đạo Tái. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn viết: "Sư Huyền Quang, người đời Trần, học rộng thơ hay... Trong Trích Diễm thi tập có chép một bài ngũ ngôn tuyệt cú và 21 bài thất ngôn tuyệt cú, thì thơ văn tinh tế rất có khí tượng cao siêu". Đến Lê Quý Đôn còn phải khen Huyền Quang như thế, thì đủ biết ông quả là một vị cao tăng kiêm thi sĩ.
Quê Huyền Quang ở làng Vạn Tải huyện Vũ Ninh sinh năm 1254. Có nhiều người cho rằng ông từng thi hương rồi đỗ Thái học sinh, nhưng theo khảo cứu từ sách cổ, Lê Quý Đôn cho là: "Lúc lên chín tuổi đã biết làm thơ văn, học tập về nghề nghiệp thi cử. Mười chín tuổi vào chùa học đạo, tức đệ tam tổ trong môn phái Trúc Lâm, có tập thơ Ngọc Liên và các tập thơ khác lưu hành ở đời". Như thế thì tục truyền thiền sư đỗ trạng nguyên, sau từ quan về làm thầy chùa là không đúng. (Miếu văn tiểu lục trang 393).

Theo thiền sử, ông học thiền với thiền sư Bão Phác, sau được Trúc Lâm đại sĩ (Trần Nhân Tông), và sư Pháp Loa chú ý. Sau khi Pháp Loa viên tịch, thì ông được giới Phật giáo của cả nước lúc ấy, dưới ngọn cờ của thiền phái Trúc Lâm, được truyền y bát và trở thành vị tổ thứ ba.

Sử thiền còn chép, khi vua Trần Nhân Tông còn sống, ngài giao cho Huyền Quang làm phụ tá cho đến khi ngài mất. Trong hai năm này Trúc Lâm đại sĩ đã giao cho ông soạn các sách Chư phẩm kinh, Công văn tập và Thích khoa giáo, là những sách thiết yếu để quảng bá thiền phái Trúc Lâm. Đại sĩ rất hài lòng, và sau khi xem các sách của ông, Trần Nhân Tông có phê rằng: "Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn hiệu khảo rồi thì không thể thêm hay bớt một chữ nào!"

Sách Tam tổ thực lục còn nói rõ rằng: "Huyền Quang đã được Trúc Lâm đại sĩ cho đi vân du khắp nước thăm các danh lam và thỉnh thoảng đăng đàn thuyết pháp. Có lần Huyền Quang được đại sĩ cho ngồi trên Pháp tòa của mình làm bằng trầm hương để giảng kinh".
Lúc đầu Huyền Quang trụ trì ở Yên Tử, sau về trụ trì ở Côn Sơn (chùa Hun) Chí Linh. Mến sức học của ông, tăng ni về theo học có đến khoảng 1.000 người.

Ông xứng danh là một đại cao tăng thời Trần. Nhưng ông còn là một thi sĩ nổi tiếng. Hiện nay lưu giữ thơ ông chỉ còn khoảng 23 bài. Bài nào thi hứng cũng dồi dào, thanh khiết. chẳng hạn như bài Sơn Vũ (Mưa núi):

Thu phong ngọ dạ phất thiền nha
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la
Dĩ lữ thành thiền tâm nhất phiến
Cùng thanh tức tức vị thùy đa

Phan Võ dịch:

Gió thu ban tối thổi hiên tây
Nhà núi đìu hiu tựa đám cây
Tấc dạ tu hành từ những thuở
Dế kêu rầu rĩ bởi ai đây?

Bài Phiếm Chu (Đi chơi thuyền), để bên cạnh những bài thơ hay của các thi sĩ đời Đường, hẳn cũng không thua kém:

Thủy đĩnh thừa phong phiếm diểu mang
Sơn thanh thủy lục hựu thu quang
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại
Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương

Đinh Văn Chấp dịch:

Cưỡi thuyền lướt gió sóng mênh mông,
Non nước trời thu một sắc trong
Tiếng sáo thuyền câu ngoài bến sậy,
Trăng rơi đáy nước móc đầy sông...

Nhưng nhắc đến thơ Huyền Quang thì phải nói đến sáu bài thơ Vịnh hoa cúc của ông. Ông yêu cúc, bởi cúc giống với tâm hồn ông, cúc có thứ tinh chất thanh tao mà phải là một con người tinh tế uyên bác, ngẫm sâu mới thấu hiểu đời cúc, như một con người đã dâng trọn đời mình cho một đạo lý! Có lẽ ông yêu cúc là vì thế, và cũng dành những tình cảm đặc biệt cho loại hoa này, ví như:


Cúc hoa
(Kỳ tam)
Vong thân vong thế dĩ đô vong,
Toạ cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ tức trùng dương

Hoa cúc
(Bài ba)
Quên mọi chuyện đời quên cả thân
Giường tre mát mẻ lặng ngồi thần
Cuối năm, trong núi, quên ngày tháng
Cúc nở trùng dương tết đến gần.

Hoặc bài thứ sáu (kỳ lục):
Xuân lai hoàng, bạch cúc phương phi
Ái diễm liên hương diệc tự thì
Biên giới phồn hoa toàn trụy địa
Hậu diêu nhan sắc thuộc đông ly

Nghĩa là:

Hoa trắng, hoa vàng, cúc đón xuân,
Thương hương đắm sắc dạ bàn hoàn
Muôn hoa rực rỡ đều tàn cả
Riêng cúc chưa phai với sắc hương

(Bản dịch của Ngô Văn Phú)
Tu đắc đạo, thơ thì nổi tiếng đến tận các đời sau, có lẽ Huyền Quang cũng đáng gọi là bậc hơn đời! (ST) 


Nguồn:quehuongonline.vn Copy link

Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu