Lo trước thiên hạ
Một hôm cụ Tam Nguyên Yên Đổ đến thăm một thầy đồ dạy học ở làng bên cạnh; ông đồ này thường tỏ ra là có khí tiết, biết làm thơ văn, lại thích thơ cụ. Lúc đó, ông đồ vừa pha chè vừa giới thiệu với Yên Đổ chiếc nhà gianh ông mới dựng xong, than phiền một cách khiêm tốn rằng nhà tạm đủ ở, nhưng phải cái xây theo hướng Bắc, rồi đây lúc nóng sẽ nóng ghê, mà lúc rét sẽ rét cóng. Cuối cùng, ông đồ nói:
- Không dám giấu gì cụ lớn. Cháu vừa nghĩ xong một vế đối để dán nhà học mới, nhưng cũng chỉ nghĩ được có một vế, còn vế sau thì nghĩ mãi vẫn chưa ra, nếu cụ lớn nghĩ nốt hộ cháu để ghi làm kỷ niệm lâu dài thì vinh dự quá.
Rồi ông đồ đọc:
“Người nước Nam, hỏi tiếng Tây chẳng biết Tây, hỏi tiếng Tàu chẳng biết Tàu; chỉ một nhẽ: minh tiên vương chi đạo dĩ đạo…(1)
Cụ Yên Đổ ung dung nhắp chén trà, xong cười mà nói:
- Anh bảo vế thứ hai anh chẳng nghĩ ra, nhưng anh chẳng cũng đã đọc cho tôi nghe rồi là gì?
Ông đồ kinh ngạc nói:
- Bẩm cụ lớn có đâu ạ?
- Đây này, anh chẳng đã bảo như thế này là gì:
“Nhà hướng Bắc, chưa ai rét thời đã rét, chưa ai nực thời đã nực; mới gọi là: tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu!(2)
Thầy đồ vừa sung sướng vừa kính phục, vội lấy giấy bút chép ngay.
________________________________________
* Chú thích:
(1) Chữ ở sách Đại học nghĩa là: Làm cho sáng cái đạo của tiên vương để mà noi theo.
(2) Lời Phạm Trọng Yêm đời Tống. Nguyên cả câu là: “Sĩ đương tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”. Nghĩa là: kẻ sĩ nên lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ.
(St)