A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giai thoại về Nhà văn Nguyễn Công Hoan: Những chuyện vui (tiếp)

Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Nguyễn Công Hoan gia nhập quân đội. Thoạt tiên, ông được điều về ban biên tập báo Vệ quốc quân, được phát quân trang. Và khi cần thiết, ông còn được đem theo súng.


Suýt gặp họa vì... mang theo súng

Theo nhà văn Tô Hoài kể lại, một lần, Nguyễn Công Hoan cùng nhà thơ Thôi Hữu (tác giả bài thơ "Lên Cấm Sơn" nổi tiếng) có việc đi Sơn Tây. Nguyễn Công Hoan vận bộ quân phục mới, đội mũ ca lô sĩ quan dạ tím có sao vành tròn, lưng giắt súng lục, dáng vóc trông thật cao lớn, oai vệ.

Thật bất ngờ, hôm ấy, Tây ở Hà Nội tấn công lên tận huyện Phúc Thọ. Chúng lổm nhổm trên mặt đê, bắn tràn vào trong làng. Người dân gồng gánh xô xuống bãi, chạy giặc. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cũng lẫn trong đám này. Thấy vóc dáng nhà văn không bình thường, lực lượng dân quân lập tức tra hỏi, giữ giấy tờ, rồi trói ông lại. Người ta nghi Nguyễn Công Hoan là "Việt gian". Tình thế rất nguy hiểm, bởi khi ấy giặc đang đuổi tới, mà anh em thì không có thời giờ "điều tra thêm".

May mà rồi nhà văn cũng thoát nạn. Đến nửa đêm, ông trở về Đồng Lư, vết trói còn lằn đỏ tay, mũ và súng không còn nữa. Không rõ làm cách nào nhà văn thoát được, chỉ thấy ông nói: "Từ giờ thì kệch không dám đeo súng".

Trong một lần tiếp xúc, trao đổi với ông Nguyễn Tài, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, con trai cụ Nguyễn Công Hoan, tôi được ông Nguyễn Tài cho biết ông và gia đình cũng có đọc được chuyện này qua lời kể của nhà văn Tô Hoài trên sách báo. Và ông tôn trọng những điều nhà văn Tô Hoài kể vì sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan có quan hệ rất mật thiết với nhà văn Tô Hoài.

Nhà văn lão làng và tên lừa đảo "trẻ không tha, già không thương".

Cũng vẫn theo nhà văn Tô Hoài kể lại, thì ở tuổi ngoài bảy mươi (nhà văn Nguyễn Công Hoan, sinh năm 1903, mất năm 1977), Nguyễn Công Hoan đã bị một kẻ "mạo danh" với mục đích... lừa tình. Hôm đó, cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam (bấy giờ còn ở 65 Nguyễn Du, Hà Nội) được tin báo có khách ở Gia Lâm sang. Khách gồm 2 người: Một chị công tác ở Hội Phụ nữ huyện và một bác làm thường trực UBND huyện.

Với cương vị Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tô Hoài ra tiếp chuyện khách. Và ông được bác thường trực UBND huyện thông báo rằng: "Chị phụ nữ đây sắp lấy nhà văn Nguyễn Công Hoan". Lý do bác ta tới đây là để tìm hiểu "Cậu nhà văn Nguyễn Công Hoan ấy lý lịch ra sao". Nhà văn Tô Hoài nghe vậy lấy làm kinh ngạc. Song, bằng sự nhạy cảm của mình, ông hiểu ngay vấn đề. Và ông tìm cách gợi chuyện để thông tỏ ngọn ngành…

Thì ra, ở Gia Lâm có một gã thanh niên (tuổi chưa đầy ba mươi) vốn là một tay đánh bóng bàn rất cừ khôi, mạo xưng là "nhà văn Nguyễn Công Hoan" và đã "tà lưa" được chị phụ nữ kia, đến độ chị chàng đang có ý định tính chuyện trăm năm với gã. Rõ ràng, người phụ nữ có yêu văn chương thật, nhưng trình độ văn hóa quá thấp.
Sau khi nghe ra vụ việc, nhà văn Tô Hoài lim dim mắt, nói thủng thỉnh:
- Hội Nhà văn Việt Nam không có "cậu" Nguyễn Công Hoan nào, chỉ có "cụ" Nguyễn Công Hoan. Và về tuổi thì cụ Nguyễn Công Hoan có thể đẻ ra được tôi.

Nhà văn Tô Hoài kể với tôi chuyện trên, và nói thêm rằng, ông để ý sau câu trả lời của ông "sắc mặt cô gái chuyển sang tái ngắt".
Nhận thấy đây là một vụ lừa đảo rõ rệt, nhà văn Tô Hoài khuyên nạn nhân về làm đơn kiến nghị, kèm công văn của UBND huyện gửi tới Hội Nhà văn Việt Nam, trên cơ sở đó, Hội Nhà văn sẽ có kế hoạch khởi kiện cậu kia ra tòa. Song không biết vì lý do gì mà khi hai người khách kia cáo lui, mãi  vẫn không thấy ai quay trở lại./.

(Theo giaithoaivietnam)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu