Giai thoại về Khương Công Phụ (tiếp)
3. "Mây trắng rọi biển xuân"
Khương Công Phụ sang Trung Quốc dự thi tiến sĩ vào giữa thời nhà Đường văn học thịnh trị, xuất hiện nhiều bậc văn tài cỡ lớn. Vì thế, tài năng văn chương của ông phải là xuất chúng thì mới có thể đoạt giải khôi nguyên. Như La Sĩ Bằng, một học giả Trung Quốc nhận xét: ''Thời Đường, lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo đường lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm, lỗi lạc. Tiếc không còn tập nào truyền lại ở đời... Chỉ có trong Toàn Đường văn, quyển 446 có chép được hai thiên: Bạch vân chiếu xuân hải và Đối cực ngôn trữ gián sách. Qua hai thiên văn chương ấy, chúng ta có thể đại khái thấy được bút văn, kiến thức của một bậc văn tài..."
Ngày nay, bài phú Bạch vân chiếu xuân hải (Mây trắng rọi biển xuân) của Khương Công Phụ sáng tác ở thế kỉ thứ VIII, được xem là một tác phẩm văn học cổ nhất của tác giả Việt Nam. Nó được nhiều học giả nước ta và Trung Quốc đánh giá là tuyệt tác, một áng văn bất hủ.
Toàn bài phú có khoảng 323 chữ. Mới xem qua đầu đề, ta dễ tưởng rằng tác giả tả cảnh trời, biển, gió, mây. Nhưng nếu đi sâu nghiên cứu mới hay là vị tiến sĩ họ Khương đã trình bày bằng thơ phú một quan niệm của đạo Lão về vũ trụ, với lời văn nhẹ nhàng, thanh thoát, âm điệu du dương bay bổng.
Chẳng hạn, tác giả đã diễn đạt quan niệm xem Mặt trời là "nguyên lí cha'', Mặt trăng là ''nguyên lí mẹ'', trong hai câu sau:
Tế ảnh sâm si, tạp vi mình ư nhật thực
Khinh văn lịch loạn, phân quỳnh hoảng ư tiên cung
(Bóng nhỏ nhấp nhô, tán mờ viền quanh vầng nhật - Mặt trời
Nếp lăn tăn gờn gợn, ánh ngời tỏa khắp tiên cung - Mặt trăng)
Hoặc vạn vật trong trời đất đều tác động lẫn nhau:
Hải ánh vân nhi tự xuân
Vân chiếu hải nhi sinh bạch
(Biển phản ánh bóng mây mà tự thấy lòng xuân
Mây soi chiếu vào biển mà thêm trong trắng)
Và, mọi vật tuy mâu thuẫn, trái ngược nhau, song vẫn thống nhất tồn tại:
Bí tắc ngưng nguyên kỉ địa
Thử nãi phiếm tích lưu thiên
(Đất ngưng đọng nước nguồn thành mạch
Trời hòa tan dấu vết dạt trôi)
Hoặc:
Điểu hiệt hàng di truy phi
Ngư thung dung dĩ hàm vịnh
(Chim hàng bay cao thấp tầng không
Cá đua lội thung dung dưới vực)
Cuối cùng, nhờ hiểu được trời đất, vũ trụ như trên, nên con người có thể sống thanh thản, êm đẹp, biết hòa hợp với tự nhiên, để tâm hồn bay bổng thoát ra khỏi những đam mê danh vọng và quyền lực:
Bỉ mĩ chi tử, cố mục vô luân
Dương quế tiệp, trạo thanh tần
Tâm dao dao ư cực phố,
Vọng viễn viễn hồ thông tân.
Vân hề! Phiến ngọc chi nhân!
(Ai kia người đẹp, có mắt siêu quần
Buông chèo quế, thả buồm lan.
Lòng nao nao chân trời vô hạn,
Mắt chiêu chiêu bến rộng vô biên
Mây ơi! Người đẹp tuyệt trần!).
(Còn nữa)
Kiều Thu Hoạch (Giai thoại Văn học Việt Nam)