Giai thoại về Đoàn Tử Quang (1818-1928)
Chuyện lạ về một khoa thi
Khoa thi Hương trường Nghệ (Nghệ An) năm Thành Thái thứ 12 (1900) có một thí sinh râu tóc bạc phơ, dáng ngoài giống bậc lão niên, dự thi.
Hỏi ra mới biết người đó tên là Đoàn Tử Quang, sinh năm Mậu Dần, đời Gia Long thứ 17 (1818), người làng Phụng Đạt, xã Phụng Công, huyện Hương Sơn (nay là xã Đức Hòa và Đức Lạc, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Tính tuổi thì thí sinh này đã 82.
Chánh chủ khảo kì thi là Quốc tử giám Tế tửu Khiếu Năng Tĩnh, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880) và Phó chủ khảo là Tham tán nội các Mai Đắc Đôn. Hai vị quan trường này thấy người học trò tuổi ngoài 80 mà vẫn đi thi thì lấy làm lạ, chưa hiểu gia thế người này ra sao, vì lẽ gì tuổi cao là vậy mà vẫn theo đuổi con đường cử nghiệp. Tìm hiểu, các vị mới hay thí sinh Đoàn Tử Quang là con thứ hai ông Đoàn Nhuyện (biệt hiệu là Liệt Giang cư sĩ) và bà Lê Thị Nậm. Ông Nhuyện mất khi bà Nậm mới tuổi 20, nhưng bà thủ tiết thờ chồng, nuôi con khôn lớn học hành, không chịu đi bước nữa và được vua ban biển ''tiết hạnh khả phong''.
Từ nhỏ Đoàn Tử Quang đã được mẹ dạy bảo, khuyến khích học hành, theo đuổi khoa cử để lập công danh thi thố với đời. Ông Đoàn sáng dạ học giỏi nhưng thi mãi cũng chỉ đỗ hai khóa tú tài: một khoá ở tuổi 49 và khóa thứ hai ở tuổi 66. Cũng cần nói thêm rằng, thể lệ thi cử thời xưa quy định khá nhiều điều lắt léo, đến mức phi lý. Chẳng hạn như khi làm bài, bắt buộc thí sinh phải tránh các tên húy của vua, hoàng hậu và cả một số trong hoàng tộc. Nếu quên thì bài làm hay mấy cũng bị đánh hỏng, thậm chí còn bị cấm thi suốt đời. Chả thế mà người thông minh, tài giỏi có tiếng như Phan Bội Châu mà hỏng thi 6 khoa liền, mãi đến năm 34 tuổi mới đỗ giải nguyên, cùng khoa thi Hương với ông Đoàn.
Lại nói, vợ cả của Đoàn Tử Quang là Nguyễn Thị San chẳng may mất trước khoa thi có mấy tháng. Hai con ông Đoàn cũng là sĩ tử, đều đã lọt qua các kì khảo hạch, nhưng phải để tang mẹ không được dự thi. Bà mẹ ông Đoàn lúc này đã 98 tuổi, vẫn áy náy trong lòng là con cháu mình học hành đến nơi đến chốn, mà chưa ai đỗ đạt cho rạng mặt cha ông. Nay vì tang gia, chịu bỏ lỡ một kì thi Hương thì thật đáng tiếc. Con cái phải để tang mẹ đã đành, còn chồng thì lễ giáo vẫn cho phép dự thi kia mà. Sợ con mình buồn phiền, không còn lòng dạ nào để làm bài, bà bèn lựa lời khuyên nhủ ông Đoàn cố gắng bớt sầu não, xếp việc riêng tư, thử đua tranh cùng thiên hạ phen nữa, may ra đỗ đạt mới thỏa lòng mong mỏi của bà bấy lâu, mà gia tông cũng được phần rạng rỡ. Họ hàng, làng xóm cũng xúm vào ủng hộ ý kiến của bà.
Đoàn Tử Quang vâng lời mẹ, thay hai con, quảy lều chõng đi thi. Quan trường thấy chuyện ông Đoàn ở tuổi đại thọ mà vẫn nuôi chí học hành thi cử, đều cho là chuyện lạ hiếm thấy và tỏ lòng bái phục, song ai cũng ái ngại phân vân. Người thì cho rằng ông Đoàn đã già yếu, nên ưu tiên xếp vào danh sách thứ nhất, gần nơi quan trường ở để dễ bề theo dõi, phòng khi ốm đau mới kịp thời giải quyết; kẻ thì nghi ngại ông trí óc đã già nua, lú lẫn, khó lòng làm nổi bài thi. Quan Chánh chủ khảo vừa cầm tay ông cùng đi, ngỏ lời động viên khen ngợi, vừa dò la xem sức lực, khả năng của ông ra sao bèn hỏi:
- Mắt cụ có mờ không?
- Dạ, hơi mờ ạ! Ông Đoàn thành thực trả lời
- Chân cụ có mỏi không?
Ông Đoàn tự tin đáp, giọng sang sảng:
- Dạ, còn có thể đi bộ, chạy, quỳ, đứng lễ bái được ạ!
(Theo nguoibanduong.net)