Đỗ cử nhân lại chấm thi tiến sĩ
Vua Tự Đức cũng biết tài thơ văn của ông, nên có lần nhà vua đã bảo ông phải chọn mấy bài thơ hay nhất của mình để dâng lên ngự lãm.
Là người có thực tài, nên trong khoa thi Hội năm Kỉ Sửu, triều Minh Mạng thứ 10 (1829), ông Nhữ được cử giữ chức đồng khảo (người phụ trách chấm thi Tiến sĩ). Trong kì thi này có 9 thí sinh người Bắc Hà đã đỗ Tiến sĩ. Giám khảo Nhữ Bá Sĩ đã làm hai bài thơ tặng 9 vị tân khoa này trước khi họ lên đường về quê vinh quy bái tổ.
Một bài ông Nhữ làm tặng cho Tiến sĩ họ Bùi, có nội dung như sau:
Tiễn Tiên Lữ Hi Thiên Bùi Tiến sĩ
Nhị Hà chi đông, Lục Giang chi bắc
Lôi phong xạ phá khô châu trắc
Tranh vanh đầu dốc thiên cù lao
Phần du nhất lộ tân xuân sắc
(Tạm dịch:
Tiễn Tiến sĩ họ Bùi, quê Hải Thiên Tiên Lữ
Đông Nhị Hà, bắc Lục Giang
Mưa tưới cho cây chẳng héo tàn
Tên tuổi lừng danh trời phú bẩm
Trở về đường cũ mới dung nhan
Còn bài thứ hai sau đây, ông làm tặng 8 vị Tiến sĩ kia:
Hạ tân Tiến sĩ bát viên vinh quy
Khuê văn khái trị tượng
Giáp đệ xuýt quần tiên
Tính tự truyền thiên phật
Kì bài hạ cửu thiên
Lôi động Hoành Sơn bắc
Bằng cao Quê hải biên
Cổ lai khoa bảng tuấn
Sự nghiệp bá thanh biên.
Tạm dịch:
Tặng 8 vị tân khoa Tiến sĩ vinh quy
Sáng danh làng thi cử
Đỗ đạt giống như tiên
Tên tuổi truyền muôn thuở
Cờ bay khắp chín miền
Bắc núi Hoành sấm dậy
Nam chim Bằng vút bay
Xưa nay người thi giỏi
Sự nghiệp mãi cao dày.
Kiều Thu Hoạch (Giai thoại Văn học Việt Nam)