A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Diễu lệnh cấm quần không đáy

Phan Văn Ái quê ở làng Đồng Tỉnh, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, sinh năm 1850, mất năm 1898. Ông đỗ phó bảng khoa Canh Thìn, niên hiệu Tự Đức thứ 33 (1880), tính tình phóng khoáng, hay thơ làm biên tập trong tờ Đồng văn nhật báo.


Lúc Phan Văn Ái còn đi học, một hôm đang ngồi đàm luận thơ phú với các bạn, thì người ta cho biết mới có lệnh nhắc lại dụ cấm "quần không đáy" của Minh Mệnh.

Số là thời Minh Mệnh, đã có lệnh bắt phụ nữ miền Bắc đang quen mặc váy phải mặc quần. Nhiều buổi chợ thường có quan quân canh gác, ai mặc quần thì được cho vào chợ, ai mặc váy thì phải đuổi về. Vì thế nhân dân phản ứng, mới có câu ca dao:

Tháng tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.

Bữa ấy các bạn học được tin lại cấm mặc váy thì đều cười, bảo Phan Văn Ái thử phú đắc câu ca dao trên xem sao. Ái vui miệng đọc ngay hai câu thơ rằng:

Vắng thiếp bõ phen cho cháo ế
Thương chàng chịu tiếng nấu canh suông.

Nhà thơ dùng toàn chữ và điển trong ca dao, tục ngữ. Câu thơ thứ nhất là lấy ở câu ca dao nói về việc bán hàng ngày mưa:

Ngán thay buổi chợ ngày mưa,
Cho cháo tôi ế, cho dưa tôi nồng,

Câu thơ thứ 2 lấy ở câu tục ngữ:

Nấu canh suông, ở truồng mà nấu.

Cả hai câu có nghĩa là: Nếu buổi chợ vắng thiếp (vì mặc váy nên không được vào) thì hàng ở chợ sẽ bị ế. Nhưng nếu mượn quần của chàng để đi chợ, thì chàng lạ phải ở truồng (hai vợ chồng nghèo).Thật là mỉa mai sâu sắc. Các bạn học vốn đã phục tài "phú đắc" của Ái, nghe hai câu thơ lại càng thêm phần kính nể.

(Sưu tầm)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu