A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đá cầu trong giờ thi

Cao Bá Quát tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, biệt hiệu là Mẫn Hiên, sinh tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, Hà Nội (có tài liệu mới đây khi nghiên cứu mấy bài thơ chữ Hán chưa dịch của Cao Bá Quát, phát hiện thấy quê gốc của ông vốn ở xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa bây giờ).

Cao Bá Quát thuở nhỏ đã tỏ ra thông minh, nhanh trí, can đảm, nổi tiếng thơ văn, nhưng tính vốn cương trực, không chịu cúi mình. Năm 32 tuổi, Cao Bá Quát được triệu vào Kinh để giữ một chức quan trong Bộ Lễ. Đến nay vẫn còn lại hàng trăm bài thơ và 3 bài văn xuôi do ông trước tác có nội dung phong phú và nghệ thuật điêu luyện, cùng với rất nhiều giai thoại văn học của nhân dân nhằm ca ngợi tính cách và tài năng thơ phú của ông. Năm 1855, Cao Bá Quát phất cờ khởi nghĩa, mong giải quyết những áp bức, bất công, mà ông đã chứng kiến trong cuộc đời. Nhưng cuộc khởi nghĩa bị thất bại và Cao Bá Quát tử trận, lúc ông mới 46 tuổi đời.

Năm 12 tuổi, Cao Bá Quát cùng anh là Cao Bá Đạt dự kì thi khảo hạch. Hai anh em làm xong bài, thừa thì giờ rủ nhau ra sân đá cầu. Quan trường trông thấy hỏi:

- Hôm nay là ngày tranh khôi, đoạt giáp, ai cũng lo văn bài. Sao các chú lại nô dỡn thế?

Cao Bá Quát nhanh miệng thưa:

- Kì này gặp được đầu bài dễ, chúng tôi làm xong thừa thì giờ. Vì cửa trường chưa mở cho thí sinh ra, nên xin đánh cầu cho vui, chứ không dám đùa nghịch đâu ạ!

Quan trường thấy lạ, bèn hỏi thăm gia thế của anh em Quát, rồi ra cho câu đối sau:

"Nhất bào song sinh, nan vi huynh, nan vi đệ? "

Nghĩa là: Một bọc sinh đôi, khó làm anh, khó làm em.

Câu đối nhằm chỉ Cao Bá Đạt và Cao Bá Quát là hai anh em sinh đôi, khó phân biệt được ai là anh, ai là em.

Quát liền đối lại: "Thiên tái nhất ngộ, hữu thị quân, hữu thị thần"

Nghĩa là: Nghìn năm một lần gặp, có vua ấy, có tôi ấy.

Ý ca ngợi đất nước gặp được vua hiền, nên mới có tôi giỏi.

Quan trường khen hay, liền mở cửa trường thi cho hai cậu học trò giỏi về trước. Khoa ấy, hai anh em Quát đều đỗ. Ngày xướng danh, mọi người đều ngạc nhiên thấy cả hai đều đang tuổi trẻ con, đầu cạo trọc, hai bên còn để hai nhúm tóc hình trái đào.

Kiều Thu Hoạch (Giai thoại Văn học Việt Nam)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu