A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cây roi mây cuốn theo tấm lụa

Trần Bích San (1840-1878) quê làng Vị Xuyên, Mỹ Lộc, Nam Định, thi đỗ tam khôi trước Nguyễn Khuyến. Ông được cử vào Bình Định, làm tri phủ An Nhơn. Thấy vùng này có nhiều thứ lụa đậu rất đẹp, ông nghĩ nên mua về biếu mẹ già ở Nam Định, gọi là chút quà của con ở xa.
Ông thực hiện ngay ý định của mình, cho người từ Bình Định mang về quê biếu mẹ.

Bà cụ nhận quà, thốt nhiên nổi giận, bà thét mắng ầm lên, làm cho người hầu của Trần Bích San vừa nghe vừa hoảng sợ.

- Làm quan bổng lộc không mấy, tiền đâu mà mua lụa? Từ Bình Định về đây đường xa vạn dặm, sao nỡ bắt người hầu phải vất vả vì mình? Lòng liêm chính để đâu? Lòng nhân ái để đâu?

Lập tức bà lấy một cây roi mây cuốn theo tấm lụa, sai đem trả quan phủ.

Nhận lại gói quà, Trần Bích San hoảng sợ, ông quay đầu hướng về quê mẹ, nằm dài, để cây roi mây lên lưng suốt một buổi trời. Đoạn đứng lên vừa khóc vừa lạy vọng về Nam Định. Đức tính thanh liêm, trung hậu của Trần Bích San đã gây thiện cảm trong lòng dân chúng và từ đó tình cảm này càng nồng hậu hơn lên.

Trần Bích San người xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, nay thuộc thành phố Nam Định. Ông được vua Tự Đức ban tên là Trần Hy Tăng (ví như Vương Tăng đời Tống), tự là Vọng Nghi, hiệu Mai Nham, là con Phó bảng Trần Đình Khanh, tức Trần Doãn Đạt, đỗ giải nguyên khoa Giáp Tý (1864); đỗ cả hội nguyên, đình nguyên (lúc 28 tuổi), đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp) khoa Ất Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865). Ông trúng liên Tam nguyên nên thường xưng tụng là Tam nguyên Vị Xuyên. Kỳ phúc thí quyển của ông được châu phê của vua Tự Đức: “Người tuổi còn trẻ mà đỗ liên Tam nguyên cũng là hiếm có. Sau này nếu có tài kinh bang tế thế là điều may mắn cho nước nhà, cũng không phụ lòng mong mỏi của Trẫm. Nay ban cho người đổi tên là Trần Hy Tăng để tỏ ý mong chờ. Làm bề tôi mà được như thế quả là không xấu hổ”. Khi vinh quy, vua Tự Đức ban cho ông lá cờ thêu Liên trúng Tam Nguyên. Sau khi thi đỗ, từng làm quan các chức: Hàn lâm viện Tu soạn sung chức Nội các Bí thư sổ Hành tẩu, điều bổ Tri phủ Thăng Bình, Điện Bàn, Án sát Bình Định, Tri phủ An Nhơn.

Năm Tự Đức thứ 22 (1896) thăng hàm Hồng lô tự thiếu khanh, Biện lý bộ Hộ, kiêm Quản thông chánh ty, Chưởng Hàn lâm viện, Tuần phủ Trị Bình. Cũng năm này, ông làm Phó chủ khảo trường thi hương Thừa Thiên, ra đề thi gợi ý sĩ tử nói trái ý của Tự Đức nên bị giáng cấp. Năm Tự Đức thứ 31 (1878) đổi bổ Lễ bộ Tả tham tri, sung chức Chánh sứ sang Pháp, chưa kịp đi thì lâm bệnh mất tại Kinh đô Huế, được truy tặng hàm Tham tri.

Trần Bích San là người có chí hướng, muốn đem tài năng ra giúp dân, giúp nước. Ông từng điều trần vạch rõ thói quan lại tham nhũng lúc ấy. Ông cũng đã đề xuất nhiều kiến nghị cải tổ giáo dục, tuyển chọn nhân tài, phòng thủ đất nước.

Ông để lại các tác phẩm: Mai Nham thi cảo, Nhân sự kim giám (biên tập), Thanh tâm tài nhân quốc âm thi, Gia huấn ca….

(Theo thông tin từ trường THCS Trần Bích San- TP Nam Định)

  (Theo Vũ Ngọc Khánh - Kho tàng Giai thoại VN)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu