A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cái khố với hai đồng tiền

Lê Ngô Cát một nhà thơ giỏi thơ Nôm ở thời Nguyễn. Ông quê làng Hương Lạng, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) không rõ năm sinh và năm mất, chỉ biết ông đỗ Cử nhân vào năm 1848 (niên hiệu Tự Đức thứ nhất).

Tương truyền hồi Lê Ngô Cát đang làm Bố chánh Cao Bằng thì được Tự Đức triệu về kinh đô sửa lại bộ Quốc sử diễn ca. Trong bộ sử, ông có viết mấy câu về Bà Triệu như sau:

Vú dài ba thước thắt lưng
Cưỡi voi đánh trống trong rừng kéo ra
Cũng toan gánh vác sơn hà
Cho Ngô biết mặt đàn bà nước Nam.

Khi dâng sách lên, Tự Đức đọc đến đoạn đó thích lắm, chữa chữ “cũng toan” thành “ghé vai” và nói đùa rằng: “Thế đàn ông nước Nam đi đâu cả”. Rồi nhà vua ban thưởng cho Cát một tấm lụa với hai đồng tiền vàng.

Nghe tin các quan đến mừng, đòi Lê Ngô Cát phải có rượu khao. Khi rượu đã ngà ngà say, các bạn hứng chí đòi chủ nhân phải có thơ tức sự vua ban vàng lụa. Lê Ngô Cát bèn ngất ngưởng đọc luôn hai câu lục bát như sau:

Vua khen thằng Cát có tài
Ban cho cái khố với hai đồng tiền

Ít lâu sau bỗng Lê Ngô Cát nhận được lệnh phải đi Bố chánh Cao Bằng tiếp. Ông rất sửng sốt và lo ngại. Mãi về sau mới vỡ lẽ: thì ra hai câu thơ của ông đã đến tai Tự Đức, nhà vua cho ông có ý xỏ vua keo kiệt (cho một tấm lụa chỉ đủ làm cái khố) vì thế đã đày ông lên “nước non Cao Bằng” cho bõ ghét.


(Theo Từ Dân văn tuyển)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu