A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Thi văn cát xuyên"

Đương thời, ở xứ Thanh có câu ca rất phổ biến như sau:

Thi văn Cát Xuyên
Đối liên Phùng Cầu

Ý câu ca trên muốn nói thơ văn thì có Nhữ Bá Sĩ, hiệu là Đạm Trai ở làng Cát Xuyên. Còn câu đối thì có Lê Văn Thạc (1782-1876), hiệu là Miễn Am, ở làng Phùng Cầu. 

Đúng như sự đánh giá trên, tài văn, thơ của Nhữ Bá Sĩ, trước hết là do ông rất say mê tự học, đọc sách, nên hiểu biết rộng, vốn kiến thức dồi dào. Một học trò của ông là Lê Thận Ngôn, trong bài viết về tiểu sử của thầy (Đạm Trai Như tiên sinh hành trạng), đã mô tả:

"...Khi đọc sách, tiên sinh để tâm nghĩ ngợi rất chăm chú, thần trí như bị hút cả vào chữ nghĩa, mặc cho xung quanh kẻ khác làm gì cũng không biết nữa. Lúc nào bên phải, bên trái cũng có sách vở, chất đầy bàn, xếp đầy giường. Chỉ trừ khi bệnh nặng, còn thì không bao giờ tay rời quyển sách. Đến khi tuổi đã cao, sức lực sút kém, mà một ngọn đèn, một cuốn sách, cứ thế thâu đêm suốt sáng không hay mệt nhọc gì cả ...''

Như Bá Sĩ nghiên cứu khá nhiều lĩnh vực, từ lịch sử, văn học đến thiên văn, địa lí, luật pháp, binh thư, võ nghệ, rồi cả lịch số, bói toán... và đã để lại một khối lượng trước tác đáng kể. Theo văn bia do học trò của ông là Hoàng Trọng Vỵ, đỗ cử nhân khoa Giáp Tí, triều Tự Đức (1864), từng giữ chức Thái tể, Thái phó, Hiệp biện đại học sĩ, Thượng thư bộ lễ soạn thì ông Nhữ có đến 17 tác phẩm và nhiều bài đề tựa, phê bình, hiệu đính khác. Một số đến nay đã bị thất lạc hiện chỉ còn trên mười tác phẩm lưu trữ tại thư viện Hán Nôm Hà Nội và do gia đình cất giữ. Trong số đó, có hai tác phẩm văn học đáng chú ý là Phi điểu nguyên âm, gồm 3 tập với 177 bài thơ văn và Việt sử tam bách vịnh, gồm 309 bài vịnh sử nước ta từ Hùng Vương đến hết thời Hậu Trần. Bài thứ 309 Nhữ Bá Sĩ vịnh Trần Hựu, một vị tướng thời Trần, bạn với vua Trần Nhân Tông (1258-1308). Khi vua Nhân Tông mất, các Thái hậu, Hoàng phi dùng thuyền đưa linh cữu không đúng quy định, Trần Hựu đã dùng gươm chặt đứt dây kéo. Việc làm của ông được vua (có lẽ là Trần Anh Tông?) khen ngợi. Bài thơ có hai câu cuối như sau: 

... Hà đương nhất tá thường quân kiếm
Đoạn tận nhan hoàn khải vọng khiên. 

Tạm dịch:

Sao không mượn gươm của tướng quân (Trần Hựu)
Để chém cho đứt hết những sai trái trong đời? 

Văn, thơ Nhữ Bá Sĩ ý hàm súc, từ chọn lọc, sử dụng nhiều tư liệu, điển tích trong các sách vở xưa, khiến người đọc khó hiểu, khó dịch. Chuyện kể có một vị cử nhân, tìm đến nhà để mượn ông Nhữ sách, nhưng khi xem qua thì đã trả lại, vì thấy khó hiểu. Đó cũng là một trong các lí do đến nay chúng ta chưa biết nhiều về trước tác của ông, mặc dù ông được người đời ca ngợi: Thi văn Cát Xuyên và hậu thế đánh giá là: "Xứng đáng được coi như nhà văn có tầm cỡ ở thế kỉ XIX" (Từ điển Văn học, tập 2), NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1984). 

Các bài văn, thơ của Nhữ Bá Sĩ đều toát lên lòng yêu xứ sở, đất nước, ý thức tự hào về truyền thống quê hương, dân tộc và cả nỗi niềm trăn trở của tác giả trước nạn xâm lược của phương Tây. 

Chẳng hạn trong bài: "Vịnh trăng thu trên sông Mã đưa bạn bè cùng xem", ông đã viết: 

Sông Mã vào thu nước lẫn trời
Cuộn trôi, dừng lại, chỉ trăng thôi
Lòng người sao được như trăng ấy
Toả sáng ung dung ở giữa trời 

(Phi điểu nguyên âm - Hà Vũ dịch) 

Hoặc trong bài "Hùng Vương", ông đã ca ngợi và tự hào về đất nước mình: 

Ngang với Đường Chu tức Việt Thường
Tản xanh, Lô biếc nước Văn Lang
Có dân, thôn xóm thêm giàu đẹp
Không nhượng không tranh mãi thọ khang
Ngôi át thánh hiền, công lẫn đức
Phúc gồm Hoa Hạ đế cùng vương
Hai nghìn năm lẻ đời đời nối
Dằng dặc ngày xuân gió mát thường

(Việt sử tam bách vịnh - Tùng Viên Ngô Đình Vu dịch)

Ông đề cao đạo lí sống hữu ái, yêu chuộng hòa bình và tinh thần lao động xây dựng quê hương giàu đẹp của nhân dân ta, thể hiện trong bài ''Đồng nội": 

Bốn mùa hoa nở cỏ không cằn
Đồng nội đầy rau, tiêu, muối, gừng
Sông sẵn châu tê, đồi sẵn quế
Củi dùng rìu búa, cá dùng đăng
Đa già tỏa rộng che mây lửa
Tre lũy vươn cao rỡn ánh trăng
Đồng nội đẹp giàu không thuế cấm
Gà rừng vang tiếng gáy triều dâng 

(Việt sử tam bách vịnh - Lê Văn Uông dịch) 

Ông là một học giả luôn nên cao ý thức độc lập, tự chủ, tự cường và bản sắc dân tộc, không chịu sự xâm hóa của những kẻ ngoại lai... 

Ở bài vịnh ''Sông Hương xanh trong'', ông viết: ''Không bắt chước nước của sông Hoàng Hà (của Tàu) rồi mới trong'', hoặc bài: ''Nhà ở trên núi Nguyệt Biều (Huế)'', ông cho rằng: ''So ra hơn hẳn cảnh hoa nở đầy hai bờ Đào Nguyên (bên Tàu)''... 

Sự đòi hỏi khắt khe, cách làm việc nghiêm túc, chu đáo trong sáng tác là một phẩm chất tạo nên thực tài của Nhữ Bá Sĩ và là một lời khuyên bổ ích đối với người học tập, nghiên cứu. Ông viết: "Có khi ba năm mới nghĩ được một câu, mười năm mới làm thành bài thơ. Sao người ta lại tự mình làm khổ mình như thế? Bởi vì lúc viết văn, do ý nghĩ nảy sinh rồi dùng lời mà diễn đạt. Không thoả mãn về lời, thì phải xét lại ý, không thỏa mãn về ý thì phải thần. Khi nào thần trọn, ý đủ, mới có thể viết thành bài văn. Cho nên nhà văn, nhà thơ nào không thể không khổ tâm rất mực vậy!'' 

Nhà văn Trung Quốc Mục Liên Tiên, tức là Mục Cẩn, quen biết ông Nhữ trong thời gian ông đi phục dịch ở Quảng Đông, cũng đã phải khen văn chương ông: ''Mạnh nhẽ, hùng tráng, tình ý mới lạ, lời uyển chuyển, biến hóa theo chủ định của tác giả, ý đối, từ dùng sâu sắc, đẹp, âm điệu hài hòa như trúc mùa thu, màu sắc tươi tắn như lan mùa xuân''... 

Tuy con đường thi cử, quan chức của Đạm Trai Nhữ Bá Sĩ lận đận, nhưng ông đã lập nghiệp bằng cách sử dụng kiến thức uyên bác của mình để dạy học và sáng tác, đào tạo cho xã hội một số người tài và đóng góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam những tác phẩm giá trị. Đúng như đoạn viết trên tấm bia dựng ở nhà thờ họ Nhữ quê ông: ''...Thầy Đạm Trai nếu tài học được trọng dụng sớm, thì sao mà có được mười mấy bộ sách để con cháu giữ làm của quý, nhiều người ngẫm đọc? Sao có được các vị họ Mai, họ Phạm kiệt xuất một thời giúp việc nước? Sao mà mãi đến nay ở xứ Thanh đất nhà vua, sĩ phu đông đảo hết lòng hâm mộ, tôn thầy làm khuôn mẫu đời đời. Xem thế biết thầy đâu phải không gặp thời" .

Kiều Thu Hoạch (Giai thoại Văn học Việt Nam)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu