Gánh xuân của mẹ
|
Mẹ làm nông chứ không buôn thúng bán nia nhưng những ngày giáp tết thì ngày nào cũng có mặt ngoài chợ từ tờ mờ đất. Ngày nhỏ tôi thường xách cái đòn tre, lẽo đẽo chạy sau gánh rau của mẹ để được ngắm nhìn chợ tết.
Chợ tết ở quê hàng hóa cũng rất... quê, rất phong phú về chủng loại và nhiều nhất vẫn là món cây nhà lá vườn. Ngồ ngộ hay hay, gần như thức gì dùng được cũng đem ra chợ bày bán. Đến nỗi có mỗi cái bắp chuối hột, mấy mụt măng còi (dài, nhỏ), mấy quả bưởi nhà trái roi roi (nhỏ) cũng đem ra chợ bán. Tết mà. Có quá nhiều thứ cần mua (càng rẻ càng tốt) nên cũng có quá nhiều thứ bán được. Nhà tôi nằm ngay hông chợ Xởm. Chợ là một thẻo đất nhỏ, mỗi ngày có chục người bán nên chỉ họp có một lát - y như cái tên của nó (xởm: tạm, nhanh) nhưng đến cuối năm thì chật cứng, người ngồi kín chợ và hàng hóa bày bán lấn tràn ra đường. Người ta bưng đèn dầu đi họp chợ lúc gà mới gáy loạt đầu.
Gánh hàng tết của mẹ là gánh hàng “thập cẩm”. Nhà trồng được món gì mẹ đem ra chợ món đó. Nhà quê vườn rộng rào thưa, cuối năm mẹ trồng hẳn một vườn rau to, trồng kín vườn luôn, trồng nhiều chút để cuối năm ra chợ ngồi hóng tết - mẹ thường nói đùa như thế nếu ai đó trêu: “Không cần xé lịch đếm ngày, cứ qua nhìn vườn rau của bà Hai thì biết tết đang ở chỗ nào”.
Để được cuối năm ra chợ hóng tết, cuối tháng mười, khi mưa đã vãn thì mẹ lo sửa soạn vườn tược, làm đất trồng rau. Những luống đất được vun lên thẳng thớm, băm nhuyễn đất với phân bò đã hoai rồi phủ lên lớp rơm mục nữa rồi gieo hạt. Mẹ có chừa rìa hẳn hoi. Bên trong làm luống gieo cải cay, cải ngọt, tần ô, xà lách, hành ngò còn xung quanh vườn rau, chỗ những cây lách đã được ken dày làm rào (chống gà) mẹ trồng hai hàng dưa leo chuột và đậu ve. Không phải chỉ mỗi vườn rau, trước đó mẹ đã cắm rào, lên giàn trồng hai hàng khoai từ ở cuối vườn.
Khi những hạt giống nứt mầm cũng là lúc mẹ bắt đầu bận rộn. Vừa lo ra đồng giặm lúa, vừa lo vườn rau ở nhà. Dậy sớm ra thăm vườn rau, bắt sâu nhổ cỏ tưới nước rồi khăn áo ra đồng. Đi thì thôi, về là sà vô vườn rau ngắm nghía, xẩm tối lại đem tro tưới lên từng luống rau, mẹ bảo đó là cách diệt sâu an toàn nhất.
“Mẹ cứ suốt ngày ở ngoài vườn rau...”.
“Mẹ trồng rau để tụi bây có tết”.
Khi vườn rau mỡ màng xanh mướt, mùa xuân cũng lấp ló trước nhà.
Mùa xuân về trên gánh rau của mẹ. Hôm thì một gánh khoai từ, khoai mài có hôm đậu ve, cải, dưa leo... Mẹ kĩ lắm, không phải cứ ra vườn hái rồi bỏ thúng gánh ra chợ đâu. “Mình thấy mấy thứ eo ngoẳn đã gai, ai mua trúng thì tội chết”. Nghĩ vậy nên mẹ lựa nhanh những củ hư, trái sâu bỏ lại rồi mới đem đi bán. Sau mỗi bữa chợ, mẹ ngồi vuốt phẳng phiu những tờ tiền lẻ rồi hỏi mấy đứa con gái đứa nào cần cắt tóc, thích bông tai, dây chuyền (đồ giả) chơi tết thì mẹ sắm. Vậy là mấy chị em nhí nhảnh chạy ùa ra chợ làm đẹp. Ba mươi Tết, bốn chị em gái, ai nấy bảnh bao rồi thì mơ màng nghĩ tới cảnh mùng một được mặc áo mới đi chơi. À, và còn được nhận mừng tuổi từ những gánh rau của mẹ nữa.
Chị em tôi lớn lên từ những hạt gạo trắng mẩy và những gánh rau mùa xuân của mẹ.
***
Mùa xuân này mẹ đã lên tuổi đại thọ nhưng vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Cuối năm con gái xa quê về thăm nhà, lòng ấm áp đứng nhìn mấy luống rau trước cửa đang ngát xanh…
Nguyễn Thị Bích Nhàn (baolamdong)