Đón Tết
Người ta đếm ngược từng ngày mong đến Tết để con cháu đi làm ăn xa được nghỉ lễ về quê sum họp quây quần.
Năm nay, đàn lợn kéo kinh tế của người nông dân đi xuống từng bậc thang nhà sàn. Kẻ đánh liều vay vốn ngân hàng thua đậm, nợ ngập đầu. Tiếng lợn bị chọc tiết eng éc lúc rạng sáng ở bản Nà Thin đã trở nên quen thuộc. Sán đụng là một cách giảm đàn, đỡ hao công tốn của, thời gian chăn nuôi đó để dành đi làm việc khác. Giá thịt rẻ như cho, bán âm vốn còn tiếc hơn. Cánh thanh niên đổ xô xuống miền xuôi làm công nhân ở các khu công nghiệp, ra công trường xây dựng bốc vác nguyên vật liệu, thợ xây nhà, bỏ lại chuồng trại lạnh ngắt, cũi sắt chỏng trơ cùng đống vôi bột rắc trắng xóa. Người già và trẻ em ở lại bản, chẳng ai bảo ai, họ dồn tiền tích cóp lên chợ phiên Nà Giàng dắt trâu bò về nuôi. Nhà ít thì hai con, nhiều thì vài cặp. Trâu bò rẻ. Thương lái trề môi chê ỏng chê eo hòng dìm giá. Người ta buồn, đành chăn chúng nhùng nhằng, nhường cám “cò” cho đàn gà nuôi bộ. Gà mắc dịch. Chợ buôn vắng hoe.
Ông Thang vốn tính chậm chạp. Sau khi nghe đủ nỗi khổ của các bạn già vừa địu cháu vừa đuổi trâu bò lên thung đã gặt mùa nên ông không bắt chước ai. Ông dắt dao quắm sau lưng, xách túi đi tận đồi ông Canh cao nhất xã kiếm nấm trẹo về bán cho bà buôn sang Tàu. Mỗi ký nấm hai trăm ngàn. Buổi nào hời, ông được tận năm ký. Nấm trẹo hiếm hoi chỉ mọc ở rừng cây trẹo, lá vàng rụng xuống gặp mưa ẩm, nấm đội lá mục nhú lên đỏ chót, mũ bóng nhẫy, trơn trượt. Kỳ lạ cái giống “trời cho”, nó mọc đều nhưng hễ ai cúi vạch lá mỏi lưng vô tình ngồi xổm là hôm sau nó không mọc nữa. Hồi chưa được giá, ông Thang hay tìm nấm nấu canh. Canh nấm đỏ, thơm lừng, ăn ngọt hơn nấm rơm, rất đưa cơm. Mùa nấm đi qua chóng vánh, ông Thang đem tiền đầu tư đàn chó hai mươi con. Chúng được nhốt ở cũi sau nhà. Thằng Yên - con trai cả dắt vợ con lên thành phố thuê mặt bằng mở quán ăn, thi thoảng tạt về nhà cho ông mấy thùng sơn đựng thức ăn thừa. Đàn chó béo múp. Lứa đầu, ông được lãi và nuôi gối lứa tiếp mười con. Nhưng thằng con thứ hai bị tai nạn giao thông, ông lấy hết tiền bán chó phụ cho vợ nó lo viện phí. Cô Mây là gái út bước vào năm cuối đại học. Bà Mơ - vợ ông buôn rau vặt ngoài chợ lo tiền đóng học và nuôi con gái đến bạc mái đầu. Bà ở trọ luôn chợ thành phố thành thử mình ông Thang ở nhà, vật lộn với ba sào ruộng, dăm con gà, con lợn lang nuôi ăn chơi và chục con chó.
Dạo này trời trở rét. Đài phát bản tin dự báo mùa Đông năm nay khả năng rét kỷ lục. Ông Thang thấy người ta đi sắm quần áo nhộn nhịp. Quán thịt chó đầu cầu treo mở toang cửa. Mấy tay thu mua chó dạo mỗi ngày lượn trên đường bản Nà Thin hai ba lượt. Giá thịt chó tăng đây mà. Thôi thì khó khăn cùng chịu, tai họa đến không tránh được nhưng cố gắng gỡ gạc, kiếm cho con cháu cái Tết có bánh chưng ăn. Ông Thang nghĩ thế. Tin thằng con thứ hai mổ chân thành công khiến ông yên tâm. Vợ chồng thằng Yên ở thành phố quen biết rộng, các con biết đoàn kết ông mừng, thôi thì của đi thay người.
Đàn chó mỗi con ước chừng được bảy tám cân thịt. Con nào con nấy lông bóng mượt. Hai buổi ông nhốt, trưa đi đồng về thì thả cho chúng đi vệ sinh. Tuổi sáu mươi khiến con người cũng nhanh mỏi mệt nhưng về đến sân, nghe tiếng chúng mừng ư ử ông cũng thấy nhà bớt trống trải. Trưa, cơm nước xong, không buồn ngả lưng, ông vật con đen tuyền xuống, vạch lông bắt bọ nhảy. Ông nói chuyện với chúng:
- Mày không chịu nằm yên, tao để cho gãi trầy da ra nhé! Nào, ngoan!
Đàn chó nô đùa trên sân. Hứng chí, chúng rượt nhau ra tận ngoài đường, mỗi lần gọi, lâu không thấy con nào về là ông Thang chột dạ.
Hôm nọ cũng thế, ông tặc lưỡi mãi mới thấy ba con chạy vào sân. Nóng ruột, ông quát um lên:
-Chúng mày rủ nhau đi cắn bậy phải không? Chết dấp xó nào thì khổ, giời ạ!
Ông cầm que đi lùng trong vườn, ngoài ngõ, sang hàng xóm một vòng không thấy tăm hơi. Quán thịt chó đang giờ nghỉ trưa nên vắng ngắt, bàn ghế ngửa cả lên trời. Mỏi chân, ông thất thểu quay về ngồi bệt ở thềm. Thôi đành đợi từ giờ đến tối xem đầu đuôi sự việc thế nào, có chân chúng tự mò về. Chúng về thật. Nhưng chỉ có ba con bị xệ mông xuống đất, kêu i ỉ. Thằng toi vật nào bắn súng điện rồi! Ba con chó nằm bẹp trên sân, rồi liệt toàn thân. Ông Thang bỏ việc ở nhà cả buổi chiều hôm ấy.
Vậy là bọn câu chó đã trộm của ông Thang bốn con. Mất của xót lắm nhưng ông không biết chửi ai nghe cho đành, chỉ thương ba con chó, chúng bỏ bữa đã hai hôm. Ông ôm chúng đặt vào đống chăn bông rách để ở hiên nhà. Bát cơm trộn canh thịt rưới mắm còn nguyên. Cứ đà này, chúng chết mất thôi. Còn thở thì còn sống, còn cơ hội cứu chữa. Ông mở lon sữa đặc ông Thọ hòa với nước ấm, cậy miệng chúng và dùng kim tiêm phụt vào họng. Sữa tràn ra tay ông, thơm lựng. Ráng mà nuốt xuống cổ để có sức mà ăn cơm, mà chơi đùa. Tao hứa không bán chúng mày nữa. Khỏe lại, tao nuôi tất. Chúng mày được ở lại nhà này, sinh con đẻ cái chớ phụ công tao. Ông gọi anh Long thú y đến tiêm thuốc đều đặn. Cả đêm, ba con chó kêu ăng ẳng khiến ông thức trắng. Càng nghĩ càng thấy xã hội phức tạp, trộm cắp giữa ban ngày ban mặt. Lỡ ai nhìn thấy bọn ấy đang câu trộm chó, liệu chúng có tha cho không?
Hai con chó cầm cự được đến hôm thứ ba thì chết.Con còn lại, bốn chân duỗi thẳng không có sức lực gì. Khi anh Long thú y tiêm xong, ông Thang ngồi nắn bóp bốn chân cho con chó. Con chó như hiểu thấu lòng ông chủ đang đau đớn, tận mắt chứng kiến cảnh đồng loại trút hơi tàn, nó rướn người đưa mõm đến bát ăn, nhấm được mấy hột cơm. Nhìn cảnh ấy, ông Thang rơi nước mắt.
Sau một tuần, con chó nhỏm dậy đi được. Và khi nó có thể vui đùa cùng ba con đã thoát chết trong gang tấc kia thì cô chủ của chúng được nghỉ học về nhà thăm bố. Ông Thang kể hết cho cô Mây nghe chuyện đàn chó gặp chuyện. Ông rất tiếc vì may mắn không mỉm cười với ông. Nhìn hai bàn tay xoa vào nhau, thô ráp chẳng có gì, ông thất vọng vì Tết này chẳng còn đồng tiền nào để sắm sửa. Cô Mây nhanh nhẹn:
- Năm sau, bốn con chó sẽ đẻ ra mấy lứa chó con tha hồ cho bố chăm to rồi bán. Bây giờ, chúng gầy vậy cũng chẳng được mấy tiền đâu. Con được nghỉ trước Tết mười lăm ngày bố ạ. Hai mẹ con tính nhập hàng Tết về bán ở chợ. Con tham khảo được mối hàng ổn lắm. Bố cũng có việc đấy nhé!
Ông Thang cười buồn:
- Thân già này thì làm được việc gì ra hồn nữa đây?
- Bố giúp mẹ con con chuyển hàng ra chợ, giao hàng cho khách ạ.
- Ờ, cũng còn hơn ở nhà.
Và hai bàn tay ông nắm tay lái xe máy từ hôm ấy. Cô Mây bán hàng hoa rất chạy, nhờ khéo tay và chiếc điện thoại thông minh. Bà Mơ thì gói quả thờ, quần áo ấm, miến, kẹo, hương,.. các loại. Nhân viên bưu điện quen mặt ông Thang. Các bà nội trợ quen mặt ông Thang. Cậu Yên thuê ô tô chở cây đào về bày kín một góc chợ. Ông Thang bắc thêm giá lên yên xe để chở đào. Cây nào to thì gọi điện thoại cho ô tô giúp sức. Ông khỏe hẳn người ra. Nói to hơn, cười sảng khoái hơn. Ông đi xe cẩn thận và nói năng thật thà, lắm khách sau khi gật gù ưng ý món hàng còn mừng tuổi ông chút tiền công. Khác với vợ con, trưa và tối là ông về nhà, tranh thủ ra vườn cắt cho bò ôm cỏ, băm cho con lợn nái mớ rau và trộn cơm chăn bốn con chó. Trước khi đi ngủ, ông lấy chai rượu thuốc ở đuôi giường xoa bóp đôi bàn tay cả ngày bận rộn. Cho con cái đi học đến nơi đến chốn thì có ngày nó báo công cho mình như thế thật hạnh phúc. Bốn con chó khỏe mạnh sẽ là vốn cho ông để dành năm sau. Lũ trộm chó hẳn ham ăn lười làm, lấy gương ông mà coi này, cần gì phải đi cướp của thiên hạ mới có bát cơm ăn. Con gái ông đấy, con bé luôn đem điều tốt đẹp đến cho mọi người. Ông Thang ngả lưng xuống tấm đệm êm ái, nhắm mắt lại mỉm cười. Phải ngủ thôi! Ngủ để có sức sáng mai bắt đầu công việc chuẩn bị đón Tết!
Hoàng Thị Hiền (baothainguyen)