A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đợi Chờ

Người ta gọi Tám là Bà-Tám-Liệt-Sĩ. Gọi vậy bởi chồng Tám là liệt sĩ, hy sinh trong kháng chiến, được Nhà nước truy tặng bằng Tổ quốc ghi công.

 Minh họa: Huyền Trang

Tám sống với ông Chín Nhỏ, em ruột. Ông Chín người lé đé (thấp nhỏ), đẹt câm, nhưng con đông ơi là đông: Mười đứa sắp hàng đủ quân cho một “tiểu đội” cứng! Cái máy đẻ của bà Chín quả tốt hết mức: Cơm rau mắm mà chửa đẻ sòn sòn năm một. Đẻ bao nhiêu, ông Chín giao cho Tám làm “vú em” bấy nhiêu. Giao thì Tám lãnh, lặng lẽ làm, tận tụy chỉn chu không oán thán. Nhà nghèo, con đông nên ông Chín keo kiệt tới mức vắt cổ chày ra nước; Tám ăn được hột cơm của ông cũng phải trầy vi tróc vảy: Thức khuya dậy sớm, vừa trông cháu lại phải kiêm thêm cơm nước dọn dẹp trong ngoài. Đã vậy còn bị ông Chín nặng nhẹ. Người ta bảo Tám dại, sao phải đem thân đi làm đầy tớ không công. Tám cãi, không đâu, tại nó khổ mà! Nghe kể: Có lần vợ chồng ông Chín đi làm, giao Tám ở nhà nấu cơm, trông cháu. Thằng con lớn ông Chín nghịch hơn quỷ sứ, lợi dụng lúc Tám loay hoay trong bếp lén bắc thang trèo cây bắt tổ chim. Thang đổ, cu cậu ngã què chân. Ông Chín về chửi Tám xối xả. Tám không thanh minh, chỉ ôm cháu ngồi khóc…

Tôi là cháu họ xa, xét về thứ bậc thì phải gọi Tám bằng bà ngoại. Nhưng ở gần, cứ gọi Tám, Tám thành quen miệng. Không sao, Tám bảo, Tám thích gọi vậy, nghe thân thiết. Phải rồi, tôi thân với Tám, rảnh lại chạy ù qua chơi.

2. Người ta bảo tôi là người phụ nữ chỉ-biết-làm-vợ-một-ngày. Đúng mà không đúng. Phải, làm vợ: có mai mối cưới hỏi; có rước dâu về nhà; có cả buồng tân hôn với cặp gối thêu chim phượng trắng muốt. Vậy nhưng chỉ đúng một ngày: chào cha mẹ chồng xong, lột đồ cưới ra là lập tức cắm mặt vào đống chén bát nồi niêu “tàn cuộc”. Nhà chồng đơn chiếc, con dâu mới không làm thì chờ ai? Quá nửa đêm xong việc, lên phòng anh đã mệt mỏi ngủ vùi. Tự nhủ: vợ chồng đâu phải ngày một ngày hai, thôi để anh ngủ lấy sức. Mà mình cũng mệt. Tân hôn, thời khắc thiêng liêng ấy thôi tạm gác. Đêm mai…

Vậy nhưng cái “đêm mai” kia đã thành không-bao-giờ. Anh âm thầm móc nối với tổ chức lúc nào không rõ. Tân hôn (bất thành) cũng là đêm cuối. Đêm sau là đi. Mảnh giấy để lại anh ghi: Anh xin lỗi. Em ráng thay anh phụng dưỡng ba má lúc tuổi già. Nước nhà độc lập anh sẽ về cùng em. Nhất định anh sẽ về…

Tôi tin lời hứa ấy của anh. Anh là người trọng chữ tín, rất biết giữ lời.

3. Nghe bảo hồi trẻ Tám đẹp lắm. Tôi cứ thắc mắc: Chồng chết đã lâu sao Tám không đi bước nữa. Với đàn bà, đẹp là gia sản số một, lo chi không có đàn ông? Tò mò; nhưng sợ Tám la nên tôi chỉ dám hỏi gần hỏi xa. Nghe hồi trẻ Tám đẹp lắm há? Ừ, đẹp. Vậy chắc nhiều ông theo đuổi? Nhiều. Là hồi Tám chưa chồng… Vậy khi ông Tám mất? Thì cũng…, mà mầy hỏi chi, cái con này? Ý cháu muốn hỏi: Sao ông mất lâu mà Tám cứ… ở vậy? Tám xịu mặt, thở ra: Phải mình mầy hỏi đâu. Nhiều người hỏi. Cha mẹ chồng tao cũng hỏi… Vậy Tám nói sao? Tao bảo: Con không tin ảnh chết. Ảnh dặn con thay ảnh phụng dưỡng ba má, chờ ảnh. Ảnh chưa thất hứa với con lần nào… Rồi hai cụ nói sao? Không nói gì nữa, chỉ khóc…

4. Mãn tang chồng 3 năm, hai cụ nhất quyết đuổi tôi về nhà mẹ đẻ, không cho ở ráng. Nài nỉ cách mấy cũng không. Chồng chết, lại không con cái thừa tự. “Con với ba má nói trắng ra không liên hệ gì nữa. Về, lo cho cuộc đời con đi…”. Câu nói phũ phàng như gáo nước lạnh. Tôi nuốt nước mắt ôm tư trang về nhà mẹ. Anh tha lỗi, em đã không thể hoàn thành tâm nguyện gửi gắm của anh, nhưng em vẫn sẽ chờ…

Tiếng một đời chồng nhưng chưa con; lại nhan sắc mặn mòi nên không hiếm đàn ông (kể cả trai tân) nhào vô “xin chết”. Mẹ giục; tôi ừ ừ rồi lảng. Riết mẹ nản, thở ra: Nói không nghe, sau này khổ kệ thây mày, đừng trách! Vậy nhưng, với tôi, không thể/không nên lấy nhau chỉ vì tội nghiệp. Vì manh áo miếng cơm lại càng không. Phải có một điều khác. Một điều cốt tử, cần và đủ. Đó là một người đủ sức phủ định người đàn ông trong lòng tôi. Người vẫn đêm đêm về gặp tôi. Trong những giấc mơ.

*

Không ai biết đến những lần anh trở về. Anh dặn không được cho ai biết, kể cả cha mẹ chồng. Anh về, không hiểu băng qua lối nào mà lọt thẳng được vào nhà, vào buồng và ôm tôi. Lần nào tôi cũng muốn lịm đi trong đôi cánh tay mạnh mẽ, rắn chắc của anh. Cái hôn vội vàng. Sau đó lại vội vàng buông, hối hả mò tìm chiếc ruột nghé đổ đầy gạo buộc miệng luôn để sẵn góc buồng. Khoác ruột nghé lên vai, thêm xấp tiền, lọ dầu, gói thuốc cảm cho anh. Và anh đi, lặn biến theo cái lộ trình bí mật như bị nuốt chửng vào đêm; cái lộ trình chính tôi cũng chưa bao giờ được biết. Sáng ra, mẹ chồng nhìn tôi bằng ánh mắt là lạ. Đêm hôm tao nghe phòng mày lục đục miết; không ngủ được sao con? Dạ có đâu mẹ; chắc tại con mèo… Cụ không tin, chống gậy dòm trước dòm sau, lắc lắc cửa nẻo vẻ nghi hoặc. Không dấu vết gì hết. Phải thôi; tôi đây tìm còn chưa ra thì nói chi mẹ…

*

Có báo tử rồi đêm đêm anh vẫn về. Tôi ôm anh bật khóc. Anh cười: Báo nhầm thôi, anh vẫn sống sờ sờ, tin anh đi… Tôi tin; nhưng cha mẹ chồng thì không. Vẫn lập bàn thờ, vẫn hương khói. Lâu lâu các cụ lại lén nhìn tôi, lắc đầu ứa nước mắt. Mời thầy lang bốc thuốc, tôi không uống. Tôi có bệnh gì đâu mà uống? Giá nó để lại đứa con…, mẹ thường liếc bụng tôi, nuối tiếc lầm rầm. Con cái ư? Mẹ đâu thể ngờ: Chúng tôi chưa bao giờ kịp làm chuyện ấy từ lúc lấy nhau. Không ai tin; bởi, thực lòng, nó khó tin đến mức phi lý! Đâu riêng mẹ, tôi cũng thèm một đứa con tới mức cháy ruột. Có con với người đàn ông mình yêu thương, đó là khát vọng chung của muôn kiếp đàn bà. Bao lần bị giằng xé bởi khát vọng, tôi đã cố níu anh lại trong đêm, định lôi anh lên giường cho một lần làm vợ đúng nghĩa. Một lần thôi, để còn cơ may ươm chiếc mầm mong manh hy vọng về một đứa con. Nhưng khát vọng cuối cùng luôn phải buông tay, đầu hàng trước ám ảnh hiểm nguy anh phải hứng lấy nếu chậm quay về.

…Mà không; hình như có lần chúng tôi suýt kịp làm chuyện ấy, nếu không có con gà hàng xóm ngủ mơ gáy hoảng. Con gà đúng mắc dịch…

*

Anh an ủi tôi: Em đừng buồn. Ba má bất đắc dĩ mới hành xử vậy, vì muốn tốt cho em… Xét về lý thì họ đúng, tôi “không còn liên hệ gì” thật. Liên hệ không ruột rà máu mủ luôn luôn cần một chiếc cầu nối. Cầu lớn đã gãy. Cầu con còn chưa xây. Nhân duyên hết, đương nhiên thành… người dưng; tiếp tục sống như đứa con dâu nơi nhà anh sẽ khiến cha mẹ chồng khó xử! Được, vậy thì tôi sẽ ra đi; sẽ chờ anh, ở chính nơi ngôi nhà tôi đã sinh ra. Tôi không muốn phiền lụy ai. Sẽ âm thầm, lặng lẽ mà chờ…

5. - Hiểu rồi, vậy Tám chịu cực, sống với ông Chín là vì lẽ đó?

- Lúc trẻ thì đúng vậy. Không có nó, đàn ông để yên cho tao na? Về già thì… thôi, lỡ rồi, ở luôn. Nó có khắc bạc, xấu tính xấu nết gì cũng vẫn là đứa em. Nói rồi Tám cười.

Tôi khôn lớn, lấy chồng xa quê.

Lâu lâu hỏi thăm tin nhà, được biết: Tám giờ sống cùng đứa cháu con ông Chín Nhỏ. Cái thằng nghịch ngợm như quỷ từng trèo cây bắt tổ chim bị té gãy chân. Hơn nữa, sống chính trong ngôi nhà của… cha mẹ chồng Tám! Nghe bảo: Trước lúc lâm chung, hai cụ đã gọi Tám về, lập di chúc giao hương hỏa từ đường cho Tám. Con về mà lo hương khói cho thằng Hai. Xưa ba má “đuổi” con đi do không muốn con một đời lỡ dở. Nhưng thôi, chắc số bây nó vậy, cũng đành…. Hai cụ mất, Tám nhận cháu làm con nuôi, đem về sống chung cho đỡ quạnh.

Trong nhà, ngoài gian giữa thờ cúng tổ tiên, Tám dành nguyên gian bên làm nơi thờ chồng Tám. Đứa cháu/con nuôi sống cùng được Tám dặn đi dặn lại: Sau này mẹ mất, con phải giữ nguyên các gian thờ mẹ đã lập, suốt đời hương khói cho ông bà và cha nuôi…

Y Nguyên (baogialai)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu