A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện của bác sĩ phòng khám

Tiến sĩ Y khoa Đỗ Du đỗ bằng ưu ở Pháp về nước đã có 34 năm trong nghề nhưng chỉ là một chân bác sĩ quèn làm việc tại phòng khám của bệnh viện S, nơi dành cho những người có bảo hiểm y tế hạng ngạch cán sự và chuyên viên thường trở xuống...

 Ảnh minh họa

1. Tiến sĩ Y khoa Đỗ Du đỗ bằng ưu ở Pháp về nước đã có 34 năm trong nghề nhưng chỉ là một chân bác sĩ quèn làm việc tại phòng khám của bệnh viện S, nơi dành cho những người có bảo hiểm y tế hạng ngạch cán sự và chuyên viên thường trở xuống. S thuộc loại bệnh viện hàng chợ đông người khám chữa vào hàng tốp đầu ở Hà Nội. Hàng ngày, bác sĩ Du phải khám cho khoảng trên dưới 100 ca bệnh mà ai đến viện S cũng mong muốn được ông trực tiếp xem bệnh, cho đơn. Mệt mỏi vì quá được tín nhiệm, bác sĩ Du đã có lần tự thú, khám đến ca thứ 50 là đầu óc ông oải lắm, tay viết đơn thuốc đã run lắm nhưng rồi thấy những người bệnh khốn khổ cứ nay nả đôi mắt tin cậy nhìn mình, ông lại cố và… cố.

Một sáng như mọi buổi làm việc khác, bác sĩ Du đang khám bệnh thì có một người đàn ông cao lớn dáng vẻ mục hạ vô nhân xồng xộc đi vào phòng cùng một phụ nữ người thấp đậm, chắc lẳn như đẫn lõi lim. Bác sĩ Đỗ Du vừa trông thấy 2 vị khách liền vội đứng dậy nhỏ nhẹ lễ phép chào: “Dạ, ông bà trẻ đã lên ạ!”. Người đàn ông khẽ “ừm” với vẻ hách dịch, hỏi: “Anh nhận được điện của cả Vũ rồi chứ? Mà ông trẻ với ông triếc gì? Cứ gọi tôi là Mỗ”. “Dạ, anh cả có gọi ạ, cháu đợi ông bà trẻ từ lúc bảy rưỡi ở cổng…”. Vẻ mặt người đàn ông nhuần lại cùng cái gật đầu: “Ừm! Thế là có đạo!”. Bác sĩ Du nhìn bao quát xung quanh thật nhanh rồi phải nói tránh với đám bệnh nhân đang phờ phạc căng thẳng đợi tới lượt, rằng hai bệnh nhân vừa đến là ca đã khám hôm qua, nay hẹn đến phúc tra lại. Đám đông con bệnh chờ đợi cam chịu.

Đưa hai bệnh nhân vào phòng khám bên trong, bác sĩ Đỗ Du hỏi nhỏ xem ông bà Mỗ khám cả đôi hay chỉ mình ông như đêm qua ông cả Vũ đã điện báo. Bà Mỗ nhanh nhảu: “Chả mấy khi lên được đây, anh cứ cho khám cả đôi cho yên tâm”. Bác sĩ Du khám cho bà Mỗ trước, không hề có thứ bệnh tật gì. Đến lượt ông Mỗ, ông bảo vợ đi ra ngoài và yêu cầu phải khám thật kỹ, ông đang có một căn bệnh khó nói, rất muốn xem đứa cháu họ bác sĩ đốc-tờ tài ba nức tiếng có phát hiện ra không. Bác sĩ Du khám kỹ, rất kỹ rồi kết luận: “Sức ông trẻ tráng kiện lắm, không hề có bệnh tật gì đâu ạ, tim mạch, huyết áp và các tạng khác đều ở mức chuẩn lý tưởng khi ông đã vào tuổi này!”. Tin vui thế nhưng nghe xong ông Mỗ lại tỏ ra khó chịu và yêu cầu bác sĩ Du khám lại.

Ông cháu họ bác sĩ đốc-tờ miễn cưỡng làm lại cho ông Mỗ yên tâm. Lần này kết quả vẫn không đổi. Ông Mỗ đành chán chường bật mí, ông bị yếu thận, cái khoản ấy thưa thớt lắm, mỗi tuần chỉ được vài ba lần mà không kiêng, nếu cố, nếu quá điều độ thì đầu gối có triệu chứng mỏi. Ông cháu bác sĩ bằng ngoại suýt phì cười vì ở tuổi này mà sinh hoạt được thế là rất vượng, nhưng nhìn thấy vẻ mặt ông Mỗ nghiêm trang pha lẫn sự buồn chán nên không dám mở giọng tếu. Ông Mỗ yêu cầu cho đi chụp cắt lớp. Bác sĩ Du thưa: “Hoàn toàn không cần đâu ạ! Chụp cắt lớp mất 2 triệu, một khoản tiền lớn lại ảnh hưởng sức khỏe”. Ông Mỗ vẫn một mực yêu cầu và nói tỉ, nói khích rằng, ông chỉ cần bác sĩ đốc-tờ giúp công chứ tiền thì ông không thiếu, hoàn toàn không thiếu.

Chừng như ca khám ông Mỗ hơi bị lâu nên có bệnh nhân sốt ruột gõ cửa, bác sĩ Du phải xin phép mời ông Mỗ ra phòng đợi, chờ chút để ông khám thêm vài ba ca, giải tỏa không khí bức xúc chờ đợi của đám đông bệnh nhân… Bác sĩ Du còn chưa nói xong thì ông Mỗ đứng phắt dậy, không nói gì, quay gót 90 độ bỏ ra ngoài. Bà Mỗ đang sốt ruột đi lại chờ chồng, thấy ông Mỗ định hỏi một câu thì ông khoát tay bảo: “Đi về!”.

Thái độ của ông Mỗ khiến bác sĩ Du phải xin lỗi ca bệnh vừa đến lượt khám, đi nhanh ra theo. Bên ngoài, ông Mỗ gay gắt nói với bà vợ về thằng cháu họ hữu tài vô hạnh, không biết trên dưới, một thằng mất gốc… Bác sĩ Du đến và nghe được liền vội thưa: “Nếu ông vẫn còn nhu cầu chụp cắt lớp, cháu xin giới thiệu ngay”. Ông Mỗ bảo, không bị bệnh tật đầy mình thì hà cớ gì vợ chồng ông phải lặn lội 200 cây số lên đây, hà cớ gì phải nhờ gọi điện cầu cạnh từ đêm hôm trước. Cực chẳng đã bác sĩ Du xin lỗi và lấy tập giấy mỏng có in logo Bác sĩ Đỗ Du – Phòng khám ra, viết vội vào một tờ nội dung đề nghị chụp cắt lớp cho ông Mỗ.

Cũng cần nói thêm, hiện tại một số bệnh viện thực hiện xã hội hóa, cho tư nhân đưa thiết bị y tế vào làm ăn, các bên đều có lợi. Dịch vụ chụp cắt lớp luôn là một khâu đắt khách. Bác sĩ phòng khám giới thiệu bệnh nhân đến chụp sẽ được hoa hồng 30%. Lúc đầu vì lo ngại ông Mỗ tốn tiền, thẹn với lương tâm người mà ai cũng gọi là thầy, bác sĩ Du không viết chỉ định chụp cho ông Mỗ. Giờ thì ông thỏa mãn ngay nhu cầu của ông trẻ mình và bác sĩ Du đương nhiên sẽ có 6 đến 700 nghìn hoa hồng cảm ơn vào cuối ngày. Nghĩ đến cái kết thúc này, bác sĩ Du xấu hổ, gáy cổ tự dưng cứ nóng lên như có người hun lửa.

Kết thúc buổi làm việc, ông bà Mỗ cầm bản chụp cắt lớp vào phòng người cháu họ bác sĩ để được giải thích. Bác sĩ Du xem các kết luận và khẳng định rằng, ông Mỗ hoàn toàn không có bệnh gì, ông dặn bà Mỗ mua các loại thực phẩm nhiều bổ dưỡng như thịt dê, tôm cua, đặc biệt là món đỗ trọng hầm với cật lợn…

Nghe thế, ông Mỗ vẫn chán chường nói: “Tôi biết cái bệnh của tôi, những thứ đó nhằm nhò gì, có thật thì chả đến nỗi bao kẻ tiền chất núi phải chịu ức, với lại ăn bổ lắm chỉ tổ béo phì, càng bét việc. Anh nói thật tôi biết có thể thay một hoặc cả đôi thận được không?”. Bác sĩ Du ngạc nhiên đến kinh ngạc cái phép quyết bạo của ông trẻ, nhưng vẫn kiên nhẫn giải thích: “Cứ theo kinh nghiệm của cháu, dựa vào mạch cổ tay, sắc diện và mái tóc dầy chưa có sợi bạc, đủ biết thận khí của ông trẻ còn rất vượng, hoàn toàn không nên lo lắng gì, càng không cần thay thận đâu ạ, mà thay một quả thận ít nhất tốn đến hơn 300 triệu đồng…” Bà Mỗ nói như cướp lời ông cháu họ: “Vừa rồi chúng tôi được đền bù miếng đất hơn 3 tỷ, con người ta không có gì quí bằng sức khỏe, chứ có bệnh có tật không chữa, quị xuống đó thì nằm nhìn tỷ nọ tỷ kia để khóc à? Chúng tôi bàn kỹ rồi, đã dành hẳn ra 500 triệu chữa dứt bệnh cho ông trẻ anh, giờ chỉ mất có hơn 300 thì chịu dễ quá!”. Ông Mỗ nói thêm: “Mất 400 mà được quả thận cho ra thận thì tôi cũng quyết chí. Anh bác sĩ đốc-tờ cứ giúp tôi”. “Thực sự cháu thấy ông bà trẻ đang suy nghĩ theo hướng phí tiền và có khi nguy hiểm cho sức khỏe. Theo cháu, các cụ nên dành tiền đó dưỡng già, giúp đỡ con cháu hoặc làm từ thiện có hơn không ạ?”. “Thôi, im đi! Anh không phải dạy khôn! Thôi nhá, đã thế thì chúng tôi chào… ào..!”. Nói rồi, ông Mỗ dằn dỗi hất hàm cho vợ, ra hiệu rút.

Biết không thể ngăn, bác sĩ Du chỉ còn biết nói với theo: “Chúc hai cụ đi đường may mắn ạ!”.

Ở chỗ xe chờ đón, ông Mỗ lầm bầm chửi: “Chưa thấy thằng cháu nào mạt hạng thế. Càng lắm chữ càng mất gốc, bạc thế bị phốt mất chức là phải!”.

2. Thực ra, bác sĩ Đỗ Du không hề bị thứ phốt gì để mất chức như ông Mỗ chì chiết, song bác sĩ đã từng là Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ông bỏ vị trí đó để lên Hà Nội là do bìu ríu vợ con. Vợ ông sau khi tu nghiệp ở một học viện, lại có ông bác họ làm to ở bộ chủ quản nên được cất nhắc vào chức Phó Cục trưởng và bà đã mang hai đứa con đi theo để làm người thủ đô. Không thể để gia đình phải một quán đôi nơi, con cái lại đang ở tuổi rèn cặp nên ông bỏ chức vụ, bổng lộc lại tỉnh lẻ theo vợ con về Hà Nội. Lúc đầu chưa biết hành nghiệp ở đâu, bà vợ xin cho ông một chỗ làm trái nghề nhưng ông không chịu. Sau đó ít lâu, bệnh viện S tuyển người, ông trúng như một sinh viên mới ra trường và nhận vị trí bác sĩ phòng khám. Làm việc ở phòng khám không lâu, ông trở thành một bác sĩ nổi tiếng. Khi khám bệnh, ông luôn quan tâm đến thần sắc, âm vực giọng nói của ca bệnh, nghe bằng máy rồi ông vẫn bắt mạch như kiểu một ông lang; kê đơn cho bệnh nhân đi mua thuốc, ông còn dặn thêm ăn thứ rau quả, thực phẩm gì cho phù hợp. Có bệnh nhân bị chứng suy thận đã đi chạy máy lọc tìm đến nhờ ông khám. Ông ấn tay bắt mạch thấy thận khí vẫn còn nên đưa ra phương thức chữa bằng dưỡng sinh. Mỗi ngày ăn hai bát cháo cật heo hầm đỗ đen cùng với mấy vị kỷ tử, đỗ trọng và uống nước hãm cây chó đẻ sao vàng hạ thổ. Ca suy thận khỏi bệnh, tạ ông bằng tấm ơn tái sinh. Cứ như vậy ông trở thành địa chỉ vàng của nhiều bệnh nhân. Tuy vậy ở quê, bác sĩ Đỗ Du vẫn bị mang tiếng ở tỉnh nhà là ông bị cái phốt gì nặng lắm liên quan đến tham ô hủ hóa, bị cách tụt mọi chức vụ, may có bà vợ làm to xin cho một chân bác sĩ quèn ở phòng khám bệnh viện hàng chợ.

Ông anh cả của bác sĩ Đỗ Du đã có lần phải lên tỉnh, trực tiếp gặp Giám đốc Bệnh viện tỉnh, xin mấy chữ bảo trọng về quê họp họ hàng thông báo, chuyện ông về Hà Nội là do đoàn tụ gia đình. Nhưng kệ mấy chữ vô hồn đó, trong mắt người làng Điền, ông Du vẫn là một đối tượng bị phốt và mất chức do hám tiền, lại còn không biết hãm cái chuyện gái gú.

Năm ngoái, lãnh đạo bệnh viện S cử bác sĩ Đỗ Du vào Hội đồng tuyển nhân sự chuyên môn. Một bác sĩ trẻ, sinh viên vừa ra trường của làng đến ứng thí và được thu nhận. Anh này về quê ca ngợi tài năng đức độ của bác sĩ – tiến sĩ Đỗ Du làm lật ngược thế cờ uy tín của ông với họ Đỗ và dân làng Điền. Làng gọi ông là bác sĩ đốc-tờ (doctor – tiến sĩ). Hôm vợ chồng ông về quê cúng giỗ mẹ, cả xóm kéo đến chào bác sĩ đốc-tờ và tranh thủ nhờ ông khám bệnh… Sau đó, nhiều người tiền không thiếu như ông Mỗ tìm lên Bệnh viện S để được bác sĩ Du khám bằng máy móc hiện đại, nhờ vả việc giới thiệu chụp cắt lớp, siêu âm…

3. Buổi tối, bác sĩ Du gọi điện cho ông cả Vũ ở quê nói chuyện tình hình thừa tiền thiếu bệnh của ông trẻ Đỗ Mỗ. Ông cả Vũ bực mình gắt om lên: “Về từ chập tối rồi. Đúng là rửng mỡ, có tí tiền là tứng lên!”. Gắt gỏng rồi, ông cả Vũ kể ngọn ngành, nhà ông Mỗ vừa ăn được khoản sộp giải tỏa mặt bằng của một nhà đầu tư nước ngoài, tiền tươi bạc tỷ giao tận tay. Nằm trên núi tiền, ông bà Mỗ làm quả du lịch liên thông xuyên Hồng Kông, qua Hàn Quốc, đến Nhật Bản nửa tháng chỉ mất chưa đến trăm triệu. Núi tiền suy suyển không đáng bao nhiêu mà hai người ngộ ra rằng dân tình bên đó họ sống sướng lắm. Ở khách sạn, ông bà Mỗ có bật tivi, gặp kênh giải trí sau quá nửa đêm thì ôi chao, đời thế mới là đời, xem ra người trong phim chỉ một mục đích làm sao cho sướng, cho lên được… đỉnh, được… cao trào. Ông bà Mỗ thấy thua thiệt quá! Hồi trẻ thì lặn lội đói khổ lại mù tịt về các thú ăn chơi cởi mở; giờ có tiền đống thì sức xuống, người nhược. Sau khi được một ông lang xem mạch, phán mạch loạn, chân thận suy, trụy, ông Mỗ vã mồ hôi lấp vấp. Ông lang kê đơn, phán tiếp, uống 21 thang bổ thận thì lấy lại được phong độ như tuổi 30. Ông Mỗ uống vượt đến thang thứ 25, bà Mỗ vẫn chê chưa có tí phong độ nào cả. Ông Mỗ quyết định chuyển sang Tây y và đã có lời để ông Vũ giới thiệu với em trai mình. Ông cả kết luận: Ông bà trẻ có tuổi rồi mà nông nổi, nhăng nhố quá rồi đây không khéo làm bia miệng cho cả làng!

Câu chuyện tưởng dừng ở đó, ai ngờ một tháng sau, cũng vào một buổi tối, bà Mỗ gọi cho bác sĩ Đỗ Du với giọng thất thanh, đứt khúc: “Xin cháu cứu lấy ông Mỗ, không xong rồi cháu ơi, bác sĩ ơi!”. Bác sĩ Du lệnh cho đi cấp cứu ngay, và sáng hôm sau ông có mặt rất sớm tại bệnh viện.

Chiếc xe 4 chỗ chở ông bà Mỗ đến. Hai con trai ông Mỗ phải khó khăn mới đỡ được ông xuống xe. Bệnh nhân bị phù nặng, da mọng lên như màu khúc lòng dồi chưa luộc. Họ đưa ông Mỗ vào phòng cấp cứu, bác sĩ Du xem mạch rồi dùng máy kiểm tra lại, biết là hết phương cứu chữa. Ông tiêm cho bệnh nhân một mũi an thần nhẹ và gặp riêng bà Mỗ. Bà Mỗ vừa khóc vừa kể, do mối manh, ông bà đã ra nước ngoài thay cho ông quả thận dương. Phía đối tác quả quyết sau một tháng, ông Mỗ sẽ tráng kiện như tuổi đôi mươi. Nhưng về nước được hai hôm, ông Mỗ đổ chứng sốt li bì, bà có nhờ gọi điện quốc tế và nhắn tin hỏi nhưng không hề có một hồi âm. Tức khí, ông Mỗ đòi vợ cho lộn lại chỗ thay thận nhưng sức ông yếu quá, đi thì chắc bỏ mạng đất khách quê người. Cực chẳng đã, ông bà lại phải cầu đến bác sĩ đốc-tờ Đỗ Du.

Nghe xong câu chuyện, bác sĩ Du đi gặp trưởng khoa Thận, đề nghị vị chuyên gia thận học hàng đầu của viện S trực tiếp khám cho ông Mỗ. Một cuộc hội chẩn cấp tốc giữa chuyên gia về thận, trưởng khoa cấp cứu cùng bác sĩ Đỗ Du, và họ quyết định mổ lấy quả thận ngoại ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Nghe thấy thế, ông Mỗ tiếc mấy trăm triệu mua thận cứ một mực xin các bác sĩ giữ lại kẻo phí của. Bác sĩ Đỗ Du phải giải thích hồi lâu, khi ông Mỗ lên cơn co giật thì bà Mỗ đồng ý, lập cập ký vào giấy cam đoan. Kíp mổ chưa kịp thay trang phục và chuẩn bị y cụ vô trùng thì ông Mỗ chết.

Bác sĩ Đỗ Du chỉ có thể nói ngắn với bà Mỗ và người nhà là ông trẻ thay phải quả thận hỏng hoặc không hợp với cơ thể nên kết cục như thế. Bà Mỗ hết khóc nức trách vong linh ông chồng đem cả đống tiền đi mua cái chết, lại chửi đám thầy thuốc nước ngoài ham háo đồng tiền. Bà Mỗ cứ thắc mắc không rõ tại sao mua quả thận ngoại đắt thế mà không lợi lộc được lấy một lần?!

Theo Lê Vạn Quỳnh/http://tuanbaovannghetphcm.vn/


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu