Chầm chậm Xuân về
Ảnh minh họa
Lại một sớm mai, hàng dây điện bắc qua con rạch giữa phố có đàn én chao cánh bay về, đậu rợp và cũng một sớm mai lần lượt có những chuyến xe vào phố chở đầy hoa cảnh khoe sắc khi mỗi ngày mỗi tờ lịch nhẹ rơi cho một ngày kế tiếp trong sự rộn ràng hối hả vì đã biết chầm chậm Xuân về.
Sau mỗi mùa Đông, mọi vật sẽ dần bừng thức, con người hầu như dần khép những gì đã trải qua sau lưng, sau gần 365 ngày đi qua trong tứ mùa dịch chuyển để hoà vào cảnh sắc của tiết trời. Dịu hơn, êm đềm hơn dù đã từng oằn lưng với bão lũ, với môi trường, với cơn lạm phát tạm thời khép lại lúc mà chầm chậm Xuân về.
Trong nền tảng nhân văn dân tộc, Xuân về Tết đến đã truyền hết đời này sang đời khác của lịch sử hàng ngàn năm, đó là tưởng nhớ và cầu phúc. Sự tưởng nhớ ấy thể hiện qua các vật phẩm kính dâng tổ tiên của mỗi vùng, là sự đoàn tụ gia đình, không ai chịu nỗi cảnh cô đơn khi Xuân về dù phải đi hàng ngàn cây số để được đặt chân đến căn nhà cũ một thời, dù cách xa vạn dặm cũng liên lạc người thân vào đêm Giao thừa lúc hồn thiêng sông núi hội tụ ở mảnh đất cong cong hình chữ S. Sự cầu phúc linh thiêng và thật trân trọng từ trẻ già, lớn bé cũng đã có hết đời này sang đời nọ. Ước mơ của một dân tộc đi lên từ cây lúa nước sẽ gắn liền với hồn dân tộc; gắn liền với sự đủ đầy và viên mãn; gắn liền với ngày cuối cùng của một năm cũ và ngày đầu tiên của một năm mới nên ông tôi không thể không chú tâm đến bàn thờ gia tiên, cha tôi không thể không lo toan mọi thứ để có một cái Tết đủ đầy và má tôi, chị tôi không thể để lu gạo vơi nửa, ang nước khô cạn, vườn nhà vương rác. Và phải có một cành mai, bức tranh Đông Hồ, một bình hoa vạn thọ, một nải chuối vườn, vài cây bánh tét, rim mứt hoa quả… đủ đầy cho ba ngày Tết, đẹp trong ba ngày Tết, vui trong ba ngày Tết với quần áo mới cho bầy trẻ, với sự tinh tươm lành lặn cho người lớn, ấm áp cho người già mà khoe với nắng se vàng, với bạn bè dù trong năm cũ đã qua có khi bị mất mùa, là bão lũ bời bời để thử hỏi mọi nhà, mọi người không thể không tề tựu khi ngoài ngõ chầm chậm Xuân về.
Khi nhỏ, Tết đến, tôi theo nội trên chiếc xe đạp đòn dông mà về thăm quê, hai ông cháu cứ đi trong nắng hanh vàng và những thảm lúa xanh bời bời. Lúc ấy tôi vui sướng vì nhìn những chiếc xe ngựa trên đường cái quan gõ móng lóc cóc chở những đứa bé như tôi với quần áo mới, với rủng rỉnh những đồng tiền mới cùng những khuôn mặt bừng sáng. Khi lớn, từ phố theo cha trên chiếc xe máy để về thăm quê, lúc ấy cũng vui lắm, xe cộ cũng nhiều hơn, tiếng động cơ ồn ã trong tiếng nói cười. Hoa vạn thọ trải dọc lối vào từng ngõ nhỏ dù là nhà tranh vách đất, dù là nhà ngói ba gian vẫn có rim mứt đủ đầy cho dù ngày sau, hay ngày sau nữa tiếng súng sẽ dội về đêm đêm. Còn bây giờ, tôi cũng về thăm quê cùng vợ con, cũng có những chiếc ô tô bóng loáng chen chúc hối hả nhấn còi và trên ấy cũng có những đứa trẻ một thời như tôi đang ngỡ ngàng nhìn cảnh vật đầy lạ lẫm nhưng niềm háo hức vẫn sáng bừng. Mộ ông hoa vàng và giấy vàng quyện hương trầm toả lan; những đứa em họ nay đã lớn có gia đình, có những ngôi nhà khang trang sau chiến tranh và chúng cũng đang lo ba ngày Tết không để thiếu những gì từng có trước kia dù không xôn xao như thuở cùng tôi vui vầy Tết cũ, ngay cả những người bạn một thời của nội của cha cũng dần mất đi mà thay một lớp người mới. Và tôi cũng vội vã về phố sau khi uống vội ly rượu ấm nồng dưới bàn thờ gia tiên đi liền lời chúc họ hàng để kịp cho ba ngày Tết rộn ràng trước mắt, niềm vui trước mắt với vợ con, bạn bè, láng giềng cùng những mối quan hệ trong ngoài nếu không thì Xuân trôi nhanh.
Chầm chậm Xuân về, chầm chậm những vạt nắng vàng soi rọi, chầm chậm làn gió đi qua, chầm chậm hoa vàng bừng nở cùng lộc non đâm chồi xanh biếc để mọi người cảm nhận nhưng cũng hối hả đánh thức mọi người rằng, từ xưa đến nay, ba ngày Tết đã về nên tất bật cho những ngày cuối cùng của năm cũ để chuẩn bị ngày đầu năm mới và bỏ lại phía sau tất cả phiền muộn lo toan.
Huỳnh Thạch Thảo/http://vanhocnghethuathatinh.org.vn/