Bâng khuâng mùa Thu
Thế là mùa Thu lại về, cái sắc nắng như tơ từng sợi thả xuống vàng óng ánh, khói sương lãng đãng trên mặt sông quê, những con phố trải vàng lao xao lá rụng. Mỗi buổi sớm heo may với bầu không khí dìu dịu mát lành và một khung trời xanh biếc cao vời vợi, mây trắng bồng bềnh như mơ. Tháng Tám mùa Thu cũng là mùa của những ngày hội non sông, thời gian diễn ra các sự kiện trọng đại bậc nhất của đất nước: Cách mạng Tháng Tám thành công và ngày 2/9 Tuyên ngôn Độc lập, sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong những ngày này, từ thành thị đến nông thôn, quê hương đâu đâu cũng muốn ngời lên nét hân hoan chào đón ngày đại lễ.
Rồi những ngày mùa Thu này, các bậc cha, mẹ, ông, bà lại đưa con, cháu mình đến trường khai giảng năm học mới, nhìn các cháu diện những bộ quần áo mới, tay cầm những chùm bóng bay, hay những bông hoa đỏ thắm đến trường; rồi tiếng trống trường vang lên, trong lòng ta chợt bồi hồi, bâng khuâng như thuở nào được cắp sách còn thơm mùi giấy mới, tung tăng đến trường cùng bạn bè trang lứa.
Mùa Thu còn có ngày rằm tháng Bảy, thường gọi là Tết Trung nguyên, người ta mở hội Vu lan bồn, lấy việc cúng tế nhằm mục đích là siêu độ các vong nhân (xá tội vong nhân). Còn hiện tại, ngày rằm tháng Bảy chủ yếu được hiểu như là ngày của mùa báo hiếu đối với cha mẹ. Nhưng nhớ nhất vẫn là ngày Rằm tháng Tám, còn gọi là Tết Trung Thu, hay Tết trông trăng. Vào ngày đó nhà nào cũng sắm một mâm cỗ trông trăng, ngày xưa chủ yếu là cây nhà lá vườn, như bưởi, na, hồng, thị, chuối, nhãn, đu đủ…, giờ có thêm nhiều loại hoa quả khác và các loại bánh đắt tiền, mẫu mã đẹp, hấp dẫn trên mâm cỗ. Trăng Thu sáng vằng vặc, lũ trẻ lại cùng nhau đi rước đèn, đêm trung Thu lấp lánh nhiều loại đèn: hình cá chép, hình ông sao, đèn kéo quân, voi, ngựa, rồng, kỳ lân, sư tử… Tiếng trống thùng thình vang khắp làng quê, thành thị. Ở thành phố bây giờ kinh tế phát triển, mỗi tổ dân phố hay một nhóm gia đình làm những cái đèn to tướng để thi thố. Các cháu nhỏ được ngồi trên ô tô chở mô hình, diễu quanh các con phố chính, đánh trống, reo hò, ca hát ầm ĩ.
Mùa Thu, mùa của hoa thơm trái ngọt. Những trái thị vàng thơm hương, những trái chuối tiêu chín vàng trứng cuốc, quả na, quả bưởi, quả hồng, quả nhãn… và bao nhiêu thứ quả nữa đang căng mình dâng hương, dâng vị ngọt cho đời. Rồi hoa cúc, một loài hoa trị vì của mùa Thu, nở vàng trên khắp vườn nhà, ngõ xóm, nở như chưa bao giờ được nở, khoe màu vàng rực rỡ nao cả lòng người.
Hương cốm thơm dịu dàng theo bước chân người bán hàng trên con phố lá sấu rụng đầy
Mùa Thu, mùa của những đàn chim gáy, mùa của từng đàn chim các loại ríu rít gọi bầy, mùa của bạn trai bạn gái xây tổ ấm. Hương cốm thơm phảng phất đâu đó, những hạt cốm xanh ngọc trong đến nõn nà, mang hương trời khí đất của hồn quê và huyền thoại làng được bọc bằng lá sen, bên ngoài buộc bằng một sợi rơm vàng, phảng phất hương thơm thoát tục, một món quà dân dã mà quý biết bao của người dân đất Việt.
Mùa Thu, mùa của bình yên và dịu dàng đã đi vào những vần thơ, khúc hát, bức tranh, bức ảnh của biết bao nhiêu thi sĩ, nghệ sĩ. Làm sao cầm lòng được mỗi khi mùa Thu về, những vạt nắng vàng nghiêng qua vạt cỏ.
Mùa Thu, với tiết thu dịu nhẹ, khiến con người ta trút bỏ hết ưu phiền, lo toan bộn bề của cuộc sống thời hiện đại.
Mỗi khi mùa Thu cựa mình. Trong lòng tôi và bao người khác nữa, lại buâng khuâng, nhớ một thời đã qua và cảm nhận một mùa Thu hiện tại. Mong sao, đất nước phồn thịnh, yên bình… Thật viên mãn và hạnh phúc biết nhường nào.
Nguyễn Anh Đào/ http://vannghethainguyen.vn