A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Anh Hai

Má tôi chỉ cười còn tôi thì chỉ muốn nói “khôn lanh như ảnh con hổng ham”. Anh Hai chuyên gây họa và tôi luôn phải khắc phục hậu quả. Má cũng nhức đầu với mấy trò nghịch phá của ảnh, nhưng dù có nói bao nhiêu lần thì ảnh vẫn là ảnh nên má đành ca cái điệp khúc “cái thằng thiệt tình...”.

Nhà mở tiệm tạp hóa ngay ngã tư kinh Xáng nên tôi vẫn thường phụ má bán đồ trong lúc không đi học. Bà con trong xóm lại mua đồ thường nói với má:

- Chị có hai thằng con mà thằng lớn “hướt hết” chẳng chừa cho thằng nhỏ chút khôn lanh nào. Tội nghiệp thằng nhỏ khù khờ, thế nào sau này nó cũng bị ăn hiếp cho coi.

Má tôi chỉ cười còn tôi thì chỉ muốn nói “khôn lanh như ảnh con hổng ham”. Anh Hai chuyên gây họa và tôi luôn phải khắc phục hậu quả. Má cũng nhức đầu với mấy trò nghịch phá của ảnh, nhưng dù có nói bao nhiêu lần thì ảnh vẫn là ảnh nên má đành ca cái điệp khúc “cái thằng thiệt tình...”.

Anh Hai tôi luôn chứng tỏ mình là người lớn với cái cớ có mặt trên đời trước tôi 2 năm. Vậy nên, cái gì tôi biết cũng chỉ biết sau ảnh. Nếu tôi không nghe lời thì tối vô mùng anh Hai sẽ cù lét hay bắt cóc dọa tôi. Hay nhân lúc ba má đi ruộng, anh Hai ở nhà nhéo lỗ tai, lấy khăn cột tay chân tôi lại. Tôi đành nghe lời ảnh, dù biết nó là những trò “trẻ con” vô cùng. Cái khôn lanh duy nhất của anh Hai mà tôi công nhận là việc ảnh kiếm cá số một trong xóm, từ câu cá, mò cá, giăng lưới... ảnh điều biết ráo trọi. Anh Hai ở nhà thì má khỏi lo tốn tiền mua cá, ảnh chỉ cần đảo một vòng ngoài ruộng thì cả nhà ăn cá mệt nghỉ. Về khoản này, tôi chẳng bao giờ bằng ảnh.

* * *

Tôi bị một vết sẹo dài ở lưng vì một bữa anh Hai qua nhà cậu Năm về.

- Mày cởi áo ra để tao cắt gió cho. Tao mới thấy cậu Năm cắt gió cho mợ Năm kìa. Dễ ợt.

- Thôi nghen anh Hai. Em không có giỡn à - tôi hốt hoảng.

- Ai thèm giỡn với mày. Tao hỏi rồi, mệt mệt trong người cắt gió là khỏe liền.

- Vậy để em cắt gió cho anh Hai cho.

Mày mà biết gì. Tao mới được cậu Năm truyền nghề nè. Nằm xuống. - Anh Hai quả quyết.

- Thôi đi, anh kiếm đứa khác đi. Em về méc má đó.

- Ờ ngon he. Tối qua tao đi đái gặp con cóc, nó nói nó nhớ mày quá hà. Nghe nó nói vậy tao hổng nỡ phụ lòng nó.

Anh Hai cầm miểng chén lên rạch một đường dài làm tôi đau điếng, máu chảy ướt tới quần. Tôi khóc như mưa mà ảnh không chút động lòng.

- Có một chút làm gì dữ, lỡ trượt tay chút thôi mà. Đúng là nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ máu.

Ba bắt anh Hai cúi xuống bộ vạt đánh chục cây và cấm đụng tới tôi nữa. Tối vô mùng ngủ, anh Hai lấy gối chia đôi cái giường ra. Giọng đầy mỉa mai.

- Người ta là con trai cưng nên tui hổng có dám đụng tới.

- Ờ, anh liệu hồn đó.

- Mỗi đứa một bên, qua bên tao là tao đánh nghen hôn - Anh Hai giơ tay lên nhá.

Ranh giới phân chia được bãi bỏ khi anh Hai chìm vào giấc ngủ với những cú gác chân, trồi đạp lên người tôi. Hồi nhỏ tôi bị lọt xuống sàn cũng nhờ cái nết ngủ của ảnh.

Bữa đi đám cưới ở huyện bên, ba dặn đi dặn lại không được lại ổ ong vò vẽ, đợi nó trọng trọng ba bắt vô nấu cháo cho ăn. Má giao tiệm tạp hóa với ít tiền lẻ để thối cùng cuốn sổ ghi nợ của những người mua chịu cho tôi. Lúc tháo dây ghe, má còn dặn một câu làm mặt anh Hai chù ụ:

- Thằng Út ở nhà đừng cho anh Hai bây đụng vô đồ của má. Cỡ trưa trưa bác Chín lại, kêu bác thiến con heo con trong chuồng nghen. Má về không kịp nhớ cho gà vịt heo ăn nghe. Chiều má mua bánh về cho.

* * *

Tiếng máy Cule lạch tạch chầm chậm rẽ nước đi xa. Anh Hai ngoe nguẩy bỏ ra sau hè, tôi ngồi lại với mớ xà bông, gạo muối… ngó nó buồn tê tái. Lâu lâu có người cập xuồng lại mua ít đồ mà anh Hai thì chẳng bao giờ giúp tôi, chỉ quanh quẩn ngoài hè bắn chim, rủ đám bạn đá cá lia thia rôm rả. Thây kệ, ảnh không gây chuyện với tôi cũng là may mắn lắm rồi. Nhưng cái bình yên ấy không được kéo dài khi đàn vịt xiêm chạy tán loạn, con chó mực sủa ăng ẳng, anh Hai thì chạy thục mạng vào nhà, theo sau ảnh là đàn ong vò vẽ đầy vẻ hằn thù. Anh Hai nhào về phía tôi. Trong lúc sợ hãi, tôi vẫn kịp nhớ đến cái mùng phía trên, tôi sập mùng xuống để mặc đám ong bay lượn phía ngoài.

- Anh thấy mình gây họa chưa? Mười hai con giáp anh chẳng giống con nào luôn á - Tôi bực dọc.

- Gây họa cái đầu mày. Ai biểu tao bắn ná thun giỏi quá chi, bắn một phát ổ ong rớt xuống cái bịch - Anh Hai chống chế.

- Ờ hay ha, để em về méc ba coi anh còn giỏi cỡ nào, cây roi ba còn vắt trên vách kìa. Thấy hôn?

- Tao thách mày méc ba đó. Tao còn chưa tính sổ với mày về cái vụ cắt gió, chọn ngày tốt chi bằng hôm nay, tao sẽ cho mày biết thế nào là lễ độ. Để tao đẩy mày ra khỏi mùng cho mấy con ong đó xử mày.

- Thôi nghen em không có giỡn - Tôi bắt đầu run.

- Uhm, khôn hồn thì lúc ba về cưng nói là cái tàu dừa rớt làm tổ ong rơi xuống, đừng có kể lể, mệt anh mệt cưng thì khổ.

- Chắc ba tin - Tôi trề môi.

- Ba tin hay không còn phải coi trình độ diễn xuất của cưng ra sao, tùy cưng thôi. Nếu không chuyện gì đến chắc cưng rõ hơn anh rồi đó.

Mấy con ong bỏ cuộc sau một hồi mòn mỏi nghe hai anh em tôi nói chuyện linh tinh. Anh Hai nằm trên võng lúc lắc với mớ bài hát cũ xì nghe phát chán. Thím Ba mua lít nước mắm cộng với lời nhắn từ bác Chín.

- Bác Chín bây nhậu xỉn với chú Ba rồi. Ổng nói hôm sau sẽ lại thiến heo, mấy đứa khỏi trông đâu.

Thím Ba vừa về, anh Hai đã lật đật ngồi dậy vỗ ngực giọng đầy tự tin:

- Thiến heo thôi có gì mà khó, lấy lưỡi lam cắt cái là xong.

Tôi chả thèm đoái hoài đến lời nói của ảnh, tôi ngồi sắp lại mớ tiền lẻ trong cái lon. Mà anh Hai thì vẫn cứ càm ràm.

- Ê mày, hổng ấy tao với mày thiến con heo, rồi chia tiền ra mỗi đứa một nửa, mày có tiền mua truyện tranh còn tao thì có tiền mua súng nước.

- Thôi đi, anh làm như thiến heo dễ lắm không bằng? Dễ quá cá chốt nó ăn hết rồi, đâu tới lượt anh.

- Mày khờ quá đi. Tại má thấy bác Chín không có tiền mua rượu nên má mới kêu bác ấy thiến rồi sẵn trả tiền cho bác ấy luôn. Mày không thấy cái bữa con heo ủi đất trong nhà, mày với má đè nó xuống cho tao xỏ dây chì vô mũi nó hay sao? Dễ ợt.

Tôi cầm lòng không đặng với mấy cuốn truyện tranh trong sạp báo gần trường nên mấy lời của anh hai nó vừa vặn hợp lý quá chừng. Tôi hì hục đè con heo con cho anh Hai lấy thiến như bác Chín vẫn làm, con heo vùng vẫy dữ dội. Cuối cùng anh Hai cũng thiến được con heo. Nhưng anh làm sao không giống như bác Chín, máu nó cứ chảy liên tục không cầm được. Con heo nằm xụi lơ trong trong chuồng. Dự cảm cho tôi biết “tai họa” sắp ập xuống đầu mình.

- Chết rồi anh Hai ơi! Không biết con heo có bị làm sao không nữa - giọng tôi không còn đủ bình tĩnh.

- Mày làm gì run như cầy sấy vậy. Hổng sao đâu, máu chảy một chút rồi hết chứ gì.

Má về nhà thấy chuồng heo bê bết máu, tôi đành thú thật về chuyện động trời mình vừa mới gây ra. Má lấy dầu lửa, bồ hóng và lá ổi đâm nát cầm máu lại cho con heo. Tôi bị ba đánh nổi lằn đỏ trên mông vì cái tội không biết nghe lời, hùa theo anh Hai gây chuyện. Anh Hai bị phạt hơn tôi năm roi vì thêm tội phá ổ ong vò vẽ. Bữa đó tôi giận bỏ cả buổi cơm chiều trốn trong kẹt bồ lúa, anh Hai mang vào cuốn truyện tranh với khuôn mặt rầu rầu.

- Thôi đừng buồn nữa, đền cho mày nè.

- Em hổng cần. Anh đem cho người khác đi.

- Ờ, vậy tao đem cho thằng Tí rồi mày đừng có khóc bù lu bù loa nha. Tao đem đi thiệt à!

Tôi vẫn không thèm trả lời để mặc ảnh cứ cố tình ngồi xích lại gần, khoác vai nài nỉ.

- Anh muốn ở trong đây chứ gì? Vậy anh ngồi mình ên đi nha. Em ra ngoài.

Anh Hai ngồi trong kẹt bồ lúa rất lâu. Tối vào mùng, anh Hai lấy mền đắp cho tôi nhưng tôi cứ xô ra, ảnh cố tình gác chân lên người tôi, tôi cũng hất ra. Ảnh vờ ngủ say ôm tôi vào lòng. Tôi liền bỏ ra nhà sau ngủ với má.

* * *

Sáng thức dậy, tôi đã thấy mấy trái ổi chín cây thơm lừng cùng cuốn truyện tranh mới tinh. Má nói của anh Hai “đền” cho tôi. Anh Hai với ba về nội phụ cất nhà mồ cho ông bà nội. Mấy ngày thiếu vắng anh Hai, tôi bị đám trẻ xóm trên ăn hiếp, vào ra lủi thủi một mình, tự nhiên lúc đó tôi thấy nhớ anh Hai quá chừng. Ngó thấy gương mặt rầu rầu của tôi, má cầm lòng không đặng.

- Thấy nhớ anh Hai thì chút má gởi xe đò cho về nội chơi.

- Con mà thèm nhớ ảnh hả? Ảnh đi con phẻ quá trời. Con… con nhớ ba thôi.

Má nhìn tôi cười. Xe đò chạy chuyến buổi trưa ghé ngay trước ngõ, má dặn chú lơ xe đủ thứ chuyện. Má cho tôi năm chục ngàn dằn túi và dặn đi dặn lại: “Ba chờ sẵn ở quán cây me. Người lạ hỏi đừng có trả lời nghen”. Ngồi trên chiếc xe lắc lư với những tiếng ồn ào của động cơ, tiếng trẻ quấy khóc, mùi dầu gió hanh nồng. Tôi chỉ muốn xe chạy thật nhanh đến nhà nội để nói với anh Hai câu nói mà nhiều ngày qua tôi vẫn còn ấm ức.

Anh nghĩ có mấy trái ổi với cuốn truyện tranh là em chấp nhận lời xin lỗi của anh sao. Mơ đi, anh còn nợ em dài dài…

Nguyễn Chí Ngoan (baobariavungtau)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu