A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ăn ký ức...

Thỉnh thoảng mẹ lại làm bánh với lý do “cho đỡ nhớ”. Cứ như thể nhớ cảnh nên tới thăm, nhớ người nên phải gặp. Dù biết có khi bánh sẽ ế, để lăn lóc trong nhà không ai đụng đến. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp cái thở dài của mẹ khi cầm những chiếc bánh cứng còng trong tủ lạnh ra hấp lại...

Mẹ nói “trưa nay sau khi phơi lúa, mẹ sẽ đi đốt lá gói bánh rợm”. Thằng út can “ai ăn mà gói cho vất vả mẹ ơi”. Nhưng mẹ vẫn sẽ cặm cụi đi xin lá chuối về làm. Chuối bây giờ không sẵn như ngày xưa, có khi cả làng chỉ còn vài nhà trồng chuối. Chọn những lá lành lặn, mẹ đem hơ dưới lửa đốt bằng rơm vụ mới. Ngâm gạo, đãi đỗ, nặn từng chiếc bánh bằng thứ bột nếp mịn màng. Còng lưng cả buổi mới có được rổ bánh nóng hổi, mẹ cười bảo “ăn đi con, ngon lắm”. Tước lá bánh thành từng sợi nhỏ để bánh không bị dính, tôi nghĩ thầm mình đang ăn ký ức đây mà. Bây giờ quà bánh ê hề nên bánh trái không còn là thức quà háo hức như ngày xưa nữa. Khi tôi còn nhỏ, mỗi năm chỉ có vài dịp mẹ lúi húi làm bánh. Mỗi loại bánh gắn với một ngày tết lớn nhỏ trong năm. Bánh chưng là tết cổ truyền, bánh trôi Tết Hàn thực mồng ba tháng ba, bánh rợm Tết Đoan ngọ diệt sâu bọ mồng năm tháng năm, bánh tro vào ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân, Tết mồng mười tháng mười cúng cơm gạo mới. Chao ôi là mong ngóng đợi chờ để được xách tòn ten cặp bánh trên tay. Để được cắn từng miếng thơm mùi quê nhà. Món ăn trong ký ức mãi mãi là thứ quà quê ngon nhất.

Thỉnh thoảng mẹ lại làm bánh với lý do “cho đỡ nhớ”. Cứ như thể nhớ cảnh nên tới thăm, nhớ người nên phải gặp. Dù biết có khi bánh sẽ ế, để lăn lóc trong nhà không ai đụng đến. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp cái thở dài của mẹ khi cầm những chiếc bánh cứng còng trong tủ lạnh ra hấp lại. Mẹ than “bánh kẹo toàn phẩm màu, chất độc hại thì thi nhau ăn. Bánh mẹ làm vừa ngon vừa lành thì lại ế”. Có những ngày nghỉ về thăm nhà chỉ muốn thảnh thơi vui đùa cùng các cháu hoặc nằm dài trên chõng đọc sách. Nhưng mẹ lại đạp xe lọc cọc đi nghiền bột. Để mẹ làm một mình thì cực, mấy anh em đành xúm lại mỗi người mỗi việc. Có hôm xôi xong ba chõ bánh ngẩng lên nhìn đồng hồ đã mười một giờ đêm. Bột bánh dính khắp nhà, lá thừa trẻ con quăng vung vãi, xoong chậu vẫn còn bê bết bột. Út nói “lần sau muốn ăn ra chợ mua lấy chục bánh đỡ phải cực thân”. Bánh vớt ra nóng hổi tỏa mùi thơm của lá chuối, gạo nếp nhân đỗ xanh, hạt tiêu quện với hành phi. Ăn một cái thấy ngon, đến cái thứ hai đã ngấy. Cũng đúng thôi, bởi cái đầu tiên ai cũng ăn bằng ký ức. Cái ký ức của những năm tháng gian khổ, có đêm nằm mơ thấy mẹ gói bánh rợm, mẹ nặn bánh trôi. Cắn một miếng bánh là thấy no ấm ùa về. Ít bánh dính ở lá cũng thấy ngon, thấy tiếc. Ngày ấy chẳng kịp chờ bánh nguội thằng út cũng có thể xơi hết veo bảy cái. Mẹ nói làm cực mấy đi nữa mà thấy các con ăn ngon miệng là vui. Giờ làm bánh mang chia khắp xóm…

Tôi ở phố có đôi khi quên Tết. Vì bánh rợm, bánh trôi, bánh ú, bánh tro ngày nào cũng bán. Có hôm tôi mua chúng về để thấy bớt nhớ nhà, nhớ mẹ. Tôi từng kể với chồng “năm em mười hai tuổi, mẹ dặn ở nhà đun bánh. Em ngồi cạnh bếp sưởi, ngủ gật, lửa bén vào đuôi tóc cháy khét lẹt”. Sau này có con, tôi hay kể “ngày nhỏ mẹ thích nhất được nặn bánh trôi. Nhét vào giữa một cục mật nhỏ chờ lúc chín chúng tan trên đầu lưỡi. Ngọt đến lịm người”. Có một buổi chiều mùa hè nào đó trong đời tôi bỗng thèm bánh tro chấm mật. Chồng đèo qua chợ, dừng bên quán ven đường gọi một đĩa bánh tro. Bánh vàng trong như màu hổ phách chấm mật mía sóng sánh. Ấy thế mà lại làm tôi thất vọng. Miếng bánh tro trong ký ức của tôi không ngọt khé thế này. Mà khi thả vào miệng sẽ thấy ngay vị mát lạnh, ngọt thanh. Tựa như ăn một viên ngọc quý…

                                                                                                             Vũ Thị Huyền Trang (baolamdong)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu