Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghị định số 87/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao,

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chính sách thu hút, thẩm quyền quyết định và quy trình chấp thuận việc sử dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (sau đây gọi là người Việt Nam ở nước ngoài).

2. Cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam (sau đây gọi là chuyên gia nước ngoài).

3. Các cơ quan, tổ chức sử dụng đối tượng quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Điều kiện được hưởng chính sách thu hút

1. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng chính sách quy định tại Nghị định này nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có sáng chế hoặc giống cây trồng được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

b) Có công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ xuất sắc phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;

c) Có bằng tiến sỹ, đã và đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại cơ sở nghiên cứu có uy tín ở nước ngoài trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

d) Có bằng tiến sỹ, đã làm việc trên 3 năm ở vị trí nghiên cứu khoa học tại chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của doanh nghiệp có uy tín ở nước ngoài.

2. Căn cứ nhu cầu phát triển khoa học và công nghệ và theo đề nghị của cơ quan sử dụng, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng đối với các trường hợp không đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này.

Chương II

CÁC CHÍNH SÁCH THU HÚT

Điều 4. Chính sách về xuất nhập cảnh và cư trú

1. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài là đối tượng điều chỉnh của Nghị định này và thành viên gia đình họ (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được cấp thị thực nhiều lần hoặc Thẻ tạm trú với thời hạn tối đa theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

2. Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia nước ngoài được Nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự Nhà nước hoặc đang tạm trú tại Việt Nam được xem xét cấp Thẻ thường trú theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 5. Chính sách về tuyển dụng, lao động, học tập

1. Người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp; xét công nhận, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ.

2. Chuyên gia nước ngoài trong thời gian làm việc tại Việt Nam được thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ; được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được tạo điều kiện cấp giấy phép lao động theo quy trình, thủ tục rút gọn.

4. Thành viên gia đình của người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài (bao gồm bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi dưới 18 tuổi) được tạo điều kiện, hỗ trợ về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Điều 6. Chính sách về lương

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam được hưởng lương theo thỏa thuận. Mức lương thỏa thuận được xác định trên cơ sở:

1. Mức độ ưu tiên của nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Tính chất, quy mô và tầm quan trọng của hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Trình độ, năng lực, hiệu quả đóng góp của cá nhân.

Điều 7. Chính sách về nhà ở

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cơ quan, tổ chức sử dụng tạo điều kiện về chỗ ở hoặc hỗ trợ thuê chỗ ở trong thời gian tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Điều 8. Chính sách về tiếp cận thông tin

1. Trước khi tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cung cấp thông tin, tư vấn về định hướng, lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển tại Việt Nam và các tổ chức khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác.

2. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được cơ quan, tổ chức sử dụng cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến các hoạt động chuyên môn.

Điều 9. Chính sách về khen thưởng, vinh danh

Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài có nhiều cống hiến đối với sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam được Nhà nước Việt Nam xem xét tặng danh hiệu khoa học danh dự, kỷ niệm chương vì sự nghiệp khoa học và công nghệ hoặc được vinh danh, khen thưởng theo quy định pháp luật.

Điều 10. Các chính sách khác

Ngoài các chính sách quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Nghị định này, người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được hưởng các quyền và chính sách sau đây:

1. Người Việt Nam ở nước ngoài được hưởng các quyền quy định tại Điều 20 Luật Khoa học và Công nghệ.

2. Người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài được hưởng các chính sách sau:

a) Được hưởng ưu đãi tối đa về thuế theo quy định của pháp luật;

b) Được chuyển các khoản thu nhập hợp pháp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và các quy định có liên quan khác của pháp luật Việt Nam; trường hợp có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam thì được mua ngoại tệ để chuyển ra nước ngoài;

c) Được cơ quan, tổ chức sử dụng bảo đảm các điều kiện thuận lợi về phòng làm việc, trang thiết bị và vật tư, phòng thí nghiệm, cơ sở thực nghiệm và các điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

d) Được sử dụng miễn phí phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và các phòng thí nghiệm trọng điểm khác để triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước;

đ) Được tạo điều kiện sử dụng tài liệu, sách báo, tạp chí, dịch vụ internet phục vụ cho hoạt động chuyên môn;

e) Được hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn tại Việt Nam;

g) Được bố trí phương tiện đi lại nếu chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đặc biệt quan trọng;

h) Được hưởng các ưu đãi khác theo thỏa thuận với cơ quan, tổ chức sử dụng nếu những ưu đãi này phù hợp với quy định của pháp luật.

Chương III

THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH VÀ QUY TRÌNH

 CHẤP THUẬN VIỆC SỬ DỤNG

Điều 11. Thẩm quyền quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các Đại học Quốc gia quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài của các cơ quan, tổ chức công lập trực thuộc.

2. Các cơ quan, tổ chức ngoài công lập quyết định việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài của cơ quan, tổ chức mình.

Điều 12. Quy trình chấp thuận việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài

1. Cơ quan, tổ chức công lập đề xuất việc sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại các chương trình, dự án cụ thể, trình cơ quan chủ quản quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định này. Nội dung đề xuất bao gồm các tài liệu chứng minh việc đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

Cơ quan chủ quản có văn bản trả lời chấp thuận hoặc không chấp thuận trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề xuất; nếu không chấp thuận thì phải nêu rõ lý do. Trường hợp cần tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan thì thời gian để cơ quan chủ quản trả lời không quá 30 ngày làm việc.

2. Cơ quan, tổ chức ngoài công lập muốn đề xuất áp dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước quy định tại Nghị định này đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài làm việc cho cơ quan, tổ chức mình phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi đóng trụ sở chính xác nhận đủ điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản xác nhận hoặc không xác nhận trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề xuất; nếu không xác nhận thì phải nêu rõ lý do. Trường hợp cần tham khảo ý kiến Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, cơ quan liên quan thì thời gian để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trả lời không quá 30 ngày làm việc.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện chính sách thu hút đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam quy định tại Nghị định này bao gồm:

1. Đối với các cơ quan, tổ chức công lập: Sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các cơ quan, tổ chức ngoài công lập: Sử dụng nguồn tài chính của cơ quan, tổ chức mình theo quy định của pháp luật.

Điều 14. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan và địa phương

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xác định các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên, trọng điểm trong từng thời kỳ cần thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam; cung cấp thông tin, tư vấn về định hướng, lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên phát triển tại Việt Nam và các tổ chức, cơ sở khoa học và công nghệ có nhu cầu và tiềm năng hợp tác cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài;

b) Chủ trì thực hiện việc vinh danh, khen thưởng đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quy trình, thủ tục bổ nhiệm, thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức khoa học và công nghệ công lập, bổ nhiệm chức danh nghiên cứu khoa học và chức danh công nghệ đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

3. Bộ Ngoại giao:

a) Chỉ đạo các Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài tuyên truyền, vận động người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam;

b) Nghiên cứu và cung cấp cho các Bộ, ngành, cơ quan trong nước kinh nghiệm quốc tế về thu hút các chuyên gia, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

4. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, phân bổ kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định này.

5. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai làm thủ tục thị thực xuất nhập cảnh và tạm trú, thường trú cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai cấp giấy phép lao động theo trình tự và thủ tục rút gọn cho người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

7. Trước ngày 20 tháng 11 hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Đại học Quốc gia báo cáo tình hình sử dụng người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài, gửi Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2014.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG

(Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

 


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm