A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sống khỏe: Những việc cần thực hiện ngay bây giờ

Sống khỏe mỗi ngày là điều mà chúng ta đều mong muốn, nhưng không phải ai cũng biết những việc làm để giúp bản thân sống khỏe hơn. Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu một cuộc sống tích cực và lối sống lành mạnh, cho nên để sống khỏe bạn cần thực hiện những điều sau càng sớm càng tốt.

Uống nước sạch giúp bạn có lối sống khỏe mạnh

 

​1. Ăn uống một cách lành mạnh

Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh là một phần giúp bạn sống khỏe mỗi ngày. Một chế độ ăn uống dinh dưỡng không chỉ có thể giúp kiểm soát cân nặng mà còn có thể cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn.

Để thay đổi một chế độ ăn lành mạnh hơn bạn có thể thực hiện ăn uống như sau:

Cắt giảm đồ ăn và đồ uống có đường: Thật dễ dàng để tiêu thụ lượng đường và calo dư thừa trong đồ ăn và đồ uống. Bánh, kẹo, kem, nước ngọt có đường, trà có đường, đồ uống nước trái cây và đồ uống cà phê thêm đường... là những đồ ăn và đồ uống bạn nên hạn chế. Bởi khi ăn quá nhiều đường sẽ gây thừa năng lượng và năng lượng tích trữ sẽ chuyển thành các dạng mỡ không tốt cho sức khỏe.

Ăn sữa ít béo hoặc không có chất béo: Chuyển sang sữa tách béo hoặc sữa chua không béo là một cách đơn giản khác để hạn chế lượng calo hơn mà không phải thay đổi quá nhiều trong chế độ ăn uống.

Ăn nhiều trái cây hơn: Thêm trái cây vào ngũ cốc, salad, bữa tối hoặc làm món tráng miệng. Trái cây cũng là một món ăn nhẹ tuyệt vời sau giờ làm việc hoặc đi học..

Thêm rau vào chế độ ăn: Thêm rau vào bất cứ món ăn nào bạn có thể như khi ăn bánh sandwich, bánh pizza...

Thay thế bim bim hay món ăn vặt không có chất dinh dưỡng bằng việc ăn vặt các loại hạt. Không chỉ ngon mà nó còn cung cấp nhiều dinh dưỡng và hạn chế lượng calo vào cơ thể.

2. Uống nước an toàn

Nước uống là thứ rất cần thiết cho cơ thể, nhưng nếu nước không đảm bảo vệ sinh có thể dẫn đến các bệnh truyền qua nước như bệnh tả, tiêu chảy, viêm gan A, thương hàn và bại liệt.

3. Tập thể dục thường xuyên

Việc giành 150 phút hoạt động hàng tuần để tập thể dục giúp làm giảm căng thẳng, tăng cường cơ bắp và tăng sức bền, giúp cơ thể bạn hoạt động hiệu quả hơn trong các nhiệm vụ hoặc hoạt động thể chất khác.

Bạn có thể lựa chọn các bài tập như đi bộ, yoga, dưỡng sinh, đạp xe, bơi lội, chơi thể thao... Không chỉ vậy, việc bạn làm việc nhà, hoạt động hàng ngày cũng được coi là một hình thức vận động.

Tập thể dục giúp làm giảm căng thẳng, tăng cường cơ bắp và tăng sức bền

4. Duy trì cân nặng hợp lý

Cân nặng hợp lý giúp ngăn ngừa các bệnh tật do thừa cân hay không đủ cân nặng. Tăng mức độ hoạt động hay kiểm soát chế độ ăn uống của bạn có thể giúp bạn đạt được và duy trì cân nặng hợp lý.

Nếu bạn hiện đang thừa cân, thì hãy thử tập những bài tập để nâng cao sức khoẻ và đừng quá quan tâm tới cân nặng.

5. Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh phổi, bệnh tim và đột quỵ. Thuốc lá không chỉ giết chết những người hút thuốc trực tiếp mà ngay cả những người không hút thuốc khi tiếp xúc với khói thuốc lá.

Nếu bạn hiện đang là người hút thuốc, vẫn chưa quá muộn để bỏ thuốc lá. Việc bỏ thuốc sẽ giúp bạn nhận được nhiều lợi ích về lâu dài.

6. Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Thường xuyên kiểm tra huyết áp của bạn, bởi bệnh huyết áp cao còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến tim, não, thận và các bệnh khác. Cho nên việc kiểm tra huyết áp thường xuyên bởi nhân viên y tế là điều cần thiết. Nếu huyết áp của bạn cao, cần được sự tư vấn của bác sĩ, điều này có ý nghĩa rất quan trọng để ngăn ngừa và kiểm soát bệnh hay biến chứng.

Ngoài ra, xét nghiệm cận lâm sàng cũng là điều cần thiết để theo dõi và phát hiện các bệnh lý. Nên xét nghiệm bệnh mạn tính do virus gây ra như viêm gan B, C...xét nghiệm mỡ máu, đường huyết cũng rất cần thiết.

7. Tiêm chủng đầy đủ

Tiêm vắc xin là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất. Vắc xin hoạt động với khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể bạn để bảo vệ chống lại các bệnh do vi sinh vật gây ra như tả, bạch hầu, viêm gan B, cúm, sởi, quai bị, viêm phổi, bại liệt, dại, rubella, uốn ván, thương hàn và sốt vàng da...

Trẻ em hay người lớn cũng cần được tiêm đầy đủ các loại vắc xin giúp phòng bệnh chủ động, hạn chế nguy cơ tăng nặng của bệnh. Khi hạn chế việc mắc bệnh bạn sẽ thấy mình đang sống khỏe mỗi ngày.

8. Thực hành tình dục an toàn

Chăm sóc sức khỏe tình dục của bạn là điều quan trọng đối với sức khỏe tổng thể. Thực hành tình dục an toàn để ngăn ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục như HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác như lậu và giang mai.

Tình dục an toàn góp phần giúp cho bạn có lối sống khỏe mạnh hơn. Quan hệ tình dục chung thủy một vợ một chồng hay sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là biện pháp bảo vệ bản thân.

9. Ngăn ngừa muỗi đốt

Muỗi là một trong những vật trung gian truyền bệnh như bệnh như sốt xuất huyết, chikungunya, sốt rét và bệnh giun chỉ bạch huyết.

Cho nên việc ngăn ngừa muỗi đốt giúp bạn ngừa được các bệnh lý nguy hiểm. Các biện pháp có thể sử dụng như dùng kem chống muỗi, luôn mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài, sử dụng màn chắn cửa sổ và cửa ra vào và cần làm sạch môi trường xung quanh hàng tuần để tiêu diệt các nơi sinh sản của muỗi.

10. Tuân thủ luật giao thông

Tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người trên khắp thế giới và hàng triệu người khác bị thương.

Thương tích do giao thông đường bộ có thể ngăn ngừa được thông qua nhiều biện pháp khách quan và chủ quan. Chính bản thân bạn cũng có thể phòng tránh va chạm trên đường bằng cách đảm bảo tuân thủ luật giao thông như thắt dây an toàn cho người lớn và thắt dây an toàn cho trẻ em, đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô hoặc xe đạp, không uống rượu khi lái xe và không sử dụng điện thoại di động trong khi điều khiển phương tiện giao thông.

11. Trẻ nên được bú sữa mẹ từ 0 đến 2 tuổi

Cho con bú là cách tốt nhất để cung cấp thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Cho trẻ bú sữa mẹ trong sáu tháng đầu tiên là rất quan trọng để trẻ lớn lên khỏe mạnh.

Khuyến cáo nên tiếp tục cho con bú sữa mẹ đến hai năm và hơn thế nữa nếu có thể. Ngoài việc có lợi cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển khoẻ mạnh, việc cho con bú còn tốt cho người mẹ vì nó làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng, tiểu đường loại II và trầm cảm sau sinh.

12. Sử dụng thuốc kê đơn theo chỉ định

Thuốc kê đơn phải được uống dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, một loại thuốc ngày nay thường bị lạm dụng đó là kháng sinh. Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong thế hệ của chúng ta.

Khi thuốc kháng sinh mất tác dụng, tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn trở nên khó điều trị hơn, dẫn đến chi phí y tế cao hơn, thời gian nằm viện kéo dài và tăng tỷ lệ tử vong. Bạn chỉ nên uống thuốc kháng sinh nếu được bác sĩ kê đơn và một khi đã được kê đơn, hãy hoàn thành các ngày điều trị theo hướng dẫn. Không bao giờ dùng chung thuốc kháng sinh với những người khác.

13. Chăm sóc giấc ngủ của bạn

Một trong những cách sống khỏe mỗi ngày quan trọng đó là có giấc ngủ ngon mỗi đêm.

Những người được nghỉ ngơi đầy đủ không chỉ đối phó tốt hơn với căng thẳng mà còn có thể kiểm soát tốt hơn cảm giác thèm ăn của mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc thiếu ngủ có thể gây ra tình trạng ăn quá nhiều ảnh hưởng sức khoẻ, gây thừa cân, béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính.

14. Cười nhiều hơn mỗi ngày

Cười nhiều hơn giúp bạn khỏe mạnh và có nhiều năng lượng tích cực hơn. Đọc truyện tranh, xem phim hài hoặc kể chuyện cười để cười nhiều hơn và mang lại những cảm xúc hạnh phúc.

15. Luôn có thái độ tích cực trong cuộc sống

Duy trì một trạng thái tích cực là một cách khác để bảo tồn năng lượng. Nếu bạn suy nghĩ tích cực thì bạn cũng dễ dàng cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình hơn.

Một lối sống khỏe mạnh giúp bạn khỏe hơn mỗi ngày. Có thể bắt đầu từng việc bạn có thể làm trước, rồi dần dần làm quen với một lối sống lành mạnh hơn mỗi ngày.

​Theo https://www.vinmec.com/


Tin liên quan

Tin tiêu điểm