A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Năm điều suy ngẫm hàng ngày để sống hạnh phúc

Đức Phật khuyên ta mỗi ngày cần suy ngẫm về năm điều. Đó là những điều tất cả chúng ta đều biết, nhưng lại hay quên.

Ta thường tự dối rằng chúng không tồn tại. Để rồi khi chúng xảy ra, như một định luật, ta lại cho đó là tai nạn, một bi kịch cuộc đời, mà quên mất rằng, chúng chỉ là những định luật tự nhiên.

Suy ngẫm có nghĩa là ta đào sâu một vấn đề, cho dù đó là một vấn đề ta đã quá quen thuộc, ta vẫn có thể có những nhận thức mới về nó. Ta nhìn vấn đề ở một khía cạnh khác. Từ đó, chúng ta trưởng dưỡng trí tuệ, thấu hiểu bản chất của cuộc sống.

Sau đây là 5 điều chúng ta cần suy ngẫm mỗi ngày, giúp chúng ta sống tỉnh thức và an lạc hơn.

Thứ nhất: Tôi sẽ bị già yếu, tôi không tránh khỏi sự già yếu

Trước hết hãy xét xem câu này có đúng sự thật không, nếu đúng, xét xem trong cuộc sống ta có quan tâm đến điều này không. Hãy xét xem trong tâm thức ta có phản đối sự thật đó không? Ta có ước ao giá mà nó đừng xảy ra. Nếu là thế, chúng ta cần phải quán xét xem tại sao ta không tuân theo quy luật tự nhiên này.

Thứ hai: Thân tôi sẽ bệnh, tôi không thoát khỏi bệnh tật

Lần nữa, ta lại xét xem điều đó đúng sự thật không? Ta đã từng bao giờ ốm đau bệnh hoạn chưa, ta có chắc không bệnh nữa không? Điều này có nghĩa gì đối với thân, với cái mà ta vẫn gọi là ‘tôi’. Thân ta có làm theo ý ta không? Hay là nó chỉ nghe theo những luật riêng của nó, khi bệnh yếu không cần hỏi đến ý ta?

Thứ ba: Tôi sẽ chết, tôi không thoát khỏi cửa tử

Tất cả chúng ta đều biết đó là chân lý. Nhưng cần phải xét xem ta có luôn nghĩ rằng điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, xét xem ta có sống với sự thật đó không, hay chúng ta đang cố tình lảng tránh nó. Hãy tự hỏi xem mình có chuẩn bị, có ở trong tư thế sẵn sàng, nếu không, ta còn bám víu vào gì nữa? Chúng ta cần làm gì để chuẩn bị cho cái chết, để cái chết không còn là nỗi sợ hãi của ta?

Thứ tư: Tất cả những gì tôi coi là quý giá, thân thương, là niềm vui rồi sẽ không còn, sẽ rời xa

Hãy nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể nhớ lại rằng có những vật, những kỷ niệm, những hoàn cảnh, những con người mà ta trân quý, yêu thương, đã thay đổi, đã hoại diệt. Nếu thế, những thứ bây giờ ta trân qúy sẽ ra sao? Liệu chúng có ở bên ta mãi?

Và cuối cùng: Tôi là chủ nhân của nghiệp (mọi hành động, lời nói và suy nghĩ) của mình.

Khi ta chấp nhận sự thật này, ta sẽ có trách nhiệm với tất cả những gì xảy ra cho ta. Chúng ta cần suy ngẫm xem ta có thực sự là chủ của nghiệp, và loại bỏ bất cứ ý nghĩ nào cho rằng người khác đã tạo ra điều gì đó cho ta.

Hoàn cảnh, cuộc sống hiện tại của chúng ta là kết quả của nghiệp chúng ta đã tạo tác trong quá khứ. Bởi vậy, nhìn vào những việc làm, lời nói, suy nghĩ của chúng ta trong hiện tại, chúng ta có thể thấy rõ tương lai của mình.

Thấm được điều này, chúng ta sẽ cẩn trọng trong từng suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, bớt tạo nghiệp bất thiện và vun trồng những hạt giống thiện lành.

(sưu tầm)


Tin liên quan

Tin tiêu điểm