Lý do con người có 2 tai 2 mắt nhưng chỉ có 1 cái miệng
Ảnh minh họa |
Hãy cùng đọc trải nghiệm câu chuyện dưới đây và rút ra bài học cho riêng mình.
“Xa xưa, có một sứ thần nước nhỏ cống nạp cho một nước lớn ba tượng hình người bằng vàng ròng. Quốc vương của nước lớn vui mừng tột độ, nhanh chóng nhận quà cống nạp của quốc gia nhỏ bé kia.
Nhưng sứ thần cống nạp vật quý lại đưa ra một câu hỏi khiến quốc vương phải suy nghĩ rất nhiều ngày nhưng cũng không thể nghĩ ra được câu trả lời. Nội dung câu hỏi là:
“Trong ba tượng hình người bằng vàng kia, tượng nào có giá trị nhất?”
Quốc vương nước lớn đã nghĩ ra mọi biện pháp như tiến hành cân đong cả ba bức tượng nhưng trọng lượng của chúng hoàn toàn giống nhau.
Tiếp theo quốc vương còn mời những người thợ chạm khắc nổi tiếng kinh thành vào để đánh giá độ tinh xảo của bức tượng nhưng cũng không tìm được câu trả lời. “Nên làm thế nào đây?” Nhà vua nghĩ. “Ta không thể thỏa lòng nhận cống vật mà không có câu trả lời được, vương quốc nhỏ bé đó sẽ chê cười vương quốc của ta”. Cuối cùng, có một vị đại thần đã cáo quan về quê từ lâu xin tiếp kiến nhà vua và nói: “Thần đã có câu trả lời”.
Vị đại thần già này lấy ba cọng cỏ dài, ở tượng vàng đầu tiên, ngài xuyên ngọn cỏ đó vào bên tai phải, lập tức ngọn cỏ lại lộ ra từ bên tai trái của bức tượng. Hành động này được làm lại cho hai bức tượng còn lại. Điều khác biệt là sau khi xuyên ngọn cỏ từ phía tai phải, đầu ngọn cỏ lại xuất hiện ở miệng của bức tượng thứ hai và cuối cùng không thấy xuất hiện ở bức tượng thứ ba. Ở bức tượng cuối cùng này, ngọn cỏ đã rơi vào trong bụng bức tượng mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào.
Sau khi việc “kiểm định” đã xong, vị đại thần già quay lại phía sứ giả và nói: “Bức tượng thứ ba là đáng giá nhất”. Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, vị sứ giả gật đầu mỉm cười và cúi lạy vị đại thần đáng kính đó.
Chắc ai cũng thắc mắc: “Cuối cùng câu trả lời sẽ là như thế nào?”. Thật đơn giản, câu trả lời của vị đại thần nằm ở kết quả “kiểm định” này.
Khi giải thích cho nhà vua về hành động của mình, vị đại thần đã nói: “Ông trời chỉ cho chúng ta 2 cái tai để nghe và 1 cái miệng để nói. Sở dĩ như vậy là yêu cầu chúng ta nghe nhiều hơn nói.
Một người có giá trị thực sự không thể “Vừa kịp nghe đã kịp nói” như bức tượng thứ hai, cũng không phải là người “Từ tai nọ xọ tai kia” như bức tượng thứ nhất. Một người có giá trị là một người luôn luôn biết lắng nghe, tiếp thu và suy ngẫm, không nói nhiều, không cần khuyếch trương, đó chính là yếu tố cơ bản nhất của để tạo nên một người hiểu biết giá trị.
(Sưu tầm)