A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

9 tác dụng của hạt lanh khiến bạn muốn dùng ngay

Hạt lanh là một thực phẩm ngày càng được ưa chuộng trong các chế độ ăn kiêng nhờ lượng protein lành mạnh và chất xơ dồi dào. Những tác dụng của hạt lanh này không những giúp bạn bảo vệ sức khỏe mà còn hỗ trợ giảm cân rất tốt.

 Các công dụng của hạt lanh đối với sức khỏe rất đa dạng nhờ lượng chất dinh dưỡng dồi dào bên trong

Hạt lanh là một “siêu thực phẩm” có màu nâu hoặc vàng, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe đồng thời còn hỗ trợ giảm cân. Nhiều lợi ích vậy nhưng giá hạt lanh cũng khá phải chăng vì chỉ giao động từ 120.000 – 150.000 đồng/500g.

1. Hạt lanh cung cấp nhiều dưỡng chất

Hàm lượng dinh dưỡng trong hạt lanh nâu và vàng đều như nhau. Trong khoảng 7g hạt lanh có chứa một lượng protein, chất xơ và axit béo omega-3 dồi dào. Bên cạnh đó, hạt lanh cũng chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất khác nhau.

Trong 7g hạt lanh xay nhuyễn có chứa những thành phần sau đây:

  • - Calo: 37
  • - Protein: 1,3g
  • - Carb: 2g
  • - Chất xơ: 1,9g
  • - Chất béo bão hòa: 0,3g
  • - Chất béo không bão hòa đơn: 0,5g
  • - Chất béo không bão hòa đa: 2g
  • - Axit béo omega-3: 1,597mg
  • - Vitamin B1: 8% lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày
  • - Vitamin B6: 2% lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày
  • - Folate: 2% lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày
  • - Canxi: 2% lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày
  • - Sắt: 2% lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày
  • - Magie: 7% lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày
  • - Photpho: 4% lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày
  • - Kali: 2% lượng tiêu thụ khuyến nghị hằng ngày

Các tác dụng của hạt lanh cho sức khỏe chủ yếu là nhờ các axit béo omega-3, lignan và chất xơ.

2. Hạt lanh cung cấp chất béo omega-3

Nếu bạn ăn chay hay không thích ăn cá, hạt lanh có thể là nguồn chất béo omega-3 thay thế rất tốt. Loại hạt này rất giàu axit alpha-linolenic (ALA), một loại axit béo omega-3 có nguồn gốc thực vật. ALA là một trong hai axit béo thiết yếu bạn cần bổ sung từ thực phẩm vì cơ thể không tự sản xuất chất này. Hơn nữa, một số dữ liệu đã kết luận rằng ALA mang lại lợi ích sức khỏe cho tim tương đương hai loại omega-3 khác là axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA).

Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra ALA trong hạt lanh ngăn cholesterol tích tụ trong các mạch máu của tim, giúp giảm viêm động mạch và giảm sự phát triển của khối u. Một nghiên cứu gồm 3.638 người cho thấy những ai bổ sung nhiều ALA có nguy cơ đau tim thấp hơn. Ngoài ra, một bài tổng đánh giá của 27 nghiên cứu gồm hơn 250.000 người cho thấy ALA có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim đến hơn 14%. Nhiều nghiên cứu khác cũng cho rằng ALA có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

3. Hạt lanh giúp giảm nguy cơ ung thư

Hạt lanh chứa lượng lignan nhiều gấp 800 lần so với các loại thực vật khác. Đây là hợp chất thực vật có chức năng chống oxy hóa. Hơn nữa, lignan cũng đóng vai trò tương tự như estrogen trong cơ thể. Hai đặc tính này giúp bạn giảm nguy cơ ung thư và cải thiện sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy những người ăn hạt lanh có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Theo một nghiên cứu tại Canada ở hơn 6.000 phụ nữ, những người ăn hạt lanh có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn 18%.

Bên cạnh đó, hạt lanh cũng có thể mang lại lợi ích sức khỏe cho nam giới. Một nghiên cứu nhỏ trên 15 nam giới cho thấy những ai bổ sung 30g hạt lanh mỗi ngày kết hợp thực hiện chế độ ăn ít chất béo đã giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Theo một số nguyên cứu trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật, hạt lanh cũng có khả năng ngăn ngừa ung thư ruột và ung thư da.

4. Tác dụng của hạt lanh cung cấp chất xơ

Trong 7g hạt lanh có chứa 3g chất xơ, chiếm 8 – 12% lượng tiêu thụ khuyến nghị hàng ngày ở cả nam giới và phụ nữ. Hơn nữa, hạt lanh còn chứa đủ hai loại chất xơ là chất xơ hòa tan (20 – 40%) và chất xơ không hòa tan (60 – 80%). Chất xơ hòa tan giúp làm chậm tốc độ tiêu hóa, từ đó giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và giảm cholesterol. Chất xơ không hòa tan giúp phân mềm hơn, từ đó ngăn ngừa táo bón. Hơn nữa, loại chất xơ này cũng có ích cho những người mắc hội chứng ruột kích thích hoặc bệnh viêm túi thừa.

5. Hạt lanh giúp cải thiện mức cholesterol

Hạt lanh có khả năng giúp bạn giảm mức cholesterol. Một nghiên cứu ở những người bị cholesterol cao cho thấy việc tiêu thụ 30g bột hạt lanh mỗi ngày trong ba tháng giúp giảm cholesterol tổng thể xuống 17% và giảm cholesterol xấu LDL xuống gần 20%.

Một nghiên cứu khác ở bệnh nhân tiểu đường cho thấy việc dùng 10g bột hạt lanh mỗi ngày trong một tháng giúp tăng 12% lượng cholesterol tốt HDL. Ở phụ nữ mãn kinh, việc tiêu thụ 30g hạt lanh mỗi ngày giúp giảm tổng lượng cholesterol xuống 7% và giảm lượng cholesterol xấu 10%.

Những lợi ích này có thể do chất xơ trong hạt lanh liên kết với muối do mật tiết ra rồi sau đó được bài tiết ra khỏi cơ thể. Để bổ sung lượng muối từ mật này, gan phải dùng cholesterol từ máu nên sẽ giúp mức cholesterol trong máu giảm.

6. Tác dụng của hạt lanh giúp giảm huyết áp

Hạt lanh cũng là thực phẩm giúp giảm huyết áp tự nhiên. Một nghiên cứu cho thấy việc ăn 30g hạt lanh mỗi ngày trong 6 tháng giúp giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương. Hơn nữa, các dữ liệu từ 11 nghiên cứu cũng cho thấy thói quen uống hạt lanh hàng ngày trong hơn 3 tháng giúp giảm huyết áp xuống 2 mmHg. Điều này có thể giúp giảm 10% nguy cơ tử vong do đột quỵ và 7% nguy cơ tử vong do bệnh tim.

7. Hạt lanh cung cấp protein lành mạnh

Hạt lanh là một nguồn protein thực vật dồi dào có nhiều lợi ích sức khỏe. Protein từ hạt lanh rất giàu axit amin arginine, axit aspartic và axit glutamic. Nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và nghiên cứu trên động vật cho thấy protein hạt lanh giúp cải thiện chức năng miễn dịch, giảm cholesterol, ngăn ngừa khối u và chống nấm.

Nếu bạn đang muốn cắt giảm thịt trong chế độ ăn, hãy cân nhắc dùng hạt lanh để bảo đảm dinh dưỡng và tránh bị đói. Một nghiên cứu gần đây ở 21 người trưởng thành cho thấy bữa ăn có protein động vật và các bữa ăn có protein thực vật đều mang lại cảm giác no như nhau.

8. Tác dụng của hạt lanh giúp kiểm soát đường huyết

Bệnh tiểu đường tuýp 2 là một vấn đề sức khỏe phổ biến trên toàn thế giới. Bệnh này do cơ thể không có khả năng tiết ra insulin hoặc bị kháng insulin dẫn đến lượng đường trong máu cao. Một số nghiên cứu cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có bổ sung 10 – 20g bột hạt lanh vào chế độ ăn uống hàng ngày trong ít nhất một tháng đã giảm 8 – 20% lượng đường huyết. Tác dụng hạ đường huyết này có thể do hàm lượng chất xơ không hòa tan trong hạt lanh làm chậm quá trình giải phóng đường vào máu.

9. Hạt lanh giúp kiểm soát cân nặng

Nếu bạn thường xuyên thấy đói và thèm ăn, hãy cân nhắc thêm hạt lanh vào đồ uống của mình để ngừa cơn đói. Một nghiên cứu cho thấy việc thêm 2,5g chiết xuất chất xơ trong hạt lanh vào thức uống có thể làm giảm cảm giác đói và thèm ăn. Điều này có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn.

Nếu muốn tận hưởng các công dụng của hạt lanh, bạn có thể tham khảo các cách dùng hạt lanh như sau:

  • - Rang chín hạt lanh và thưởng thức như khi dùng gạo lứt rang.
  • - Rang hạt lanh lên rồi nghiền thành bột mịn để nêm nếm hay trang trí cho các món ăn, đồ uống.
  • - Nghiền hạt lanh sống rồi bỏ vào bánh nướng, súp, canh…

Mặc dù tác dụng của hạt lanh rất tốt, bạn lưu ý chỉ nên dùng khoảng 50g hạt lanh mỗi ngày.

Các cách dùng hạt lanh vừa đơn giản lại giúp bạn có được nhiều lợi ích sức khỏe. Nhờ các tác dụng của hạt lanh, bạn sẽ có thể cải thiện vóc dáng, bảo vệ sức khỏe tim mạnh, ngừa ung thư… Bạn hãy thử thêm vào thực đơn loại hạt này để thay đổi khẩu vị và bổ sung dinh dưỡng nhé!

(sưu tầm)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm