A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

"Cái chết trắng" đến từ thói quen thích ăn đậm vị để ngon miệng của hàng triệu người Việt

Theo chuyên gia, thói quen ăn mặn của nhiều người Việt dẫn đến thừa muối và gây ra bệnh lý, thậm chí tử vong cho con người.

 

Cái chết "trắng" đến từ vị mặn

Muối là một gia vị không thể thiếu đối với cuộc sống con người. Con người không ăn muối có thể chết vì mắc bệnh; nhưng khi con người ăn quá nhiều muối dẫn tới dư thừa và sẽ ảnh hưởng cho ngũ tạng trong cơ thể.

Theo TS. Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam, muối là thứ gia vị tạo cảm giác ngon miệng cho món ăn, nhưng ngày nay vì sự ngon miệng mà con người không biết tới mối nguy về "cái chết trắng" của loại gia vị này.

"Cái chết trắng" được nhiều người nhắc tới để ám chỉ thói quen ăn thừa muối. Việt Nam hiện nay đang được xếp vào nhóm nước ăn rất mặn. Người Việt tiêu thụ khoảng 9,4g muối/ngày, cao hơn gấp đôi so với khuyến cáo của WHO.

Ăn thừa có thể ảnh hưởng tới các tạng sau trong cơ thể:

1. Tim mạch: 

Ăn nhiều muối sẽ làm tăng gánh nặng cho tim do có liên quan tới bệnh tăng huyết áp.

Do nồng độ muối trong cơ thể là ổn định. Khi con người ăn quá nhiều muối sẽ làm tăng áp lực thẩm thấu trong máu. Lúc này người ăn mặn sẽ cảm thấy khát nước và phải uống nước, đồng nghĩa với việc tăng dung lượng máu và tăng áp lực lên thành mạch.

"2 yếu tố tăng khối lượng máu và tính thẩm thấu dẫn tới huyết áp cao và quả tim sẽ phải hoạt động nhiều hơn. Đối với người bị tăng huyết áp, ăn mặn có thể gây lên hàng loạt các vấn đề như: suy tim, suy thận, suy gan, đột quỵ (đứt các mạch máu nhỏ). Người cao tuổi cộng thêm ăn mặn không khác gì án tử luôn treo lơ lửng trên đầu", TS. Từ Ngữ nói.

Trẻ nhỏ nếu ăn mặn sớm cũng sẽ bị ảnh hưởng tới huyết áp và tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp và các bệnh lý khác.

2. Hại thận: 

Theo TS. Từ Ngữ, khi ăn nhiều muối cơ thể sẽ phải tăng đào thải natri qua nước tiểu dẫn tới có thể có thể mất đi một số khoáng chất quan trọng như: kali, caxi… và làm tăng gây ra bệnh sỏi thận, giảm chức năng thận.

3. Viêm loét dạ dày: 

Chế độ ăn mặn khiến cho lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày bị tổn thương và tăng sự phát triển của vi khuẩn có hại. Người ăn mặn sẽ có nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày cao hơn so với người thường.

Ở người đã bị viêm loét dạ dày do vi khuẩn Hp nếu ăn nhiều mặn và ăn chua sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.

4. Loãng xương: Ăn thừa muối sẽ khiến cho quá trình đào thải canxi qua nước tiểu tăng lên nguy cơ gây ra loãng xương.

5. Tăng nguy cơ béo phì: Người ăn mặn sẽ thường có cảm giác khát nước. Nếu người này có sử dụng các loại nước ngọt sẽ tăng nguy cơ thừa cân.

Không nên ăn chấm

Theo TS. Từ Ngữ, muối đã có một lượng trong những thực phẩm như: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa… một phần nhỏ trong thực vật. Lượng muối có trong các thực phẩm này đã gần đáp ứng đủ nhu cầu muối của cơ thể, chỉ cần phải bổ sung thêm một chút ít gia vị.

- Trong 8g bột canh có chứa lượng natri tương đương với 5g muối.

- 100g cua bể có 316mg muối; cua đồng 453mg muối; tôm đồng 418 mg muối…

- 100g sữa bò tươi chứa 380mg muối; sữa bột toàn phần có 371mg muối…

Hiện nay, mối nguy hiểm nhất của muối là đến từ những thực phẩm con người ít nghĩ tới như: thức ăn chế biến sẵn, bánh, đồ ăn công nghiệp, thức ăn nhanh… Các thực phẩm này thường đã có chứa lượng muối khá lớn.

"Với cách ăn uống của người Việt Nam thì không nên chấm vì đã đủ lượng muối đưa vào cơ thể. Nếu như chúng ta ăn cảm thấy đậm đà vị đồng nghĩa với việc đang ăn mặn. Biểu hiện của người ăn mặn thường là uống nhiều nước", TS. Từ Ngữ khuyến cáo.

Kiểm soát ăn mặn bằng cách nên ghi chép số lượng mua trong 1 tháng và chia bình quân/đầu người sẽ biết gia đình mình có bị ăn mặn hay nhạt. Chế độ ăn đủ lượng muối sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tránh được mối nguy bệnh tật. 

(Theo http://giadinh.net.vn/)


Tin liên quan

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm