Trại hè Việt Nam 2018: Giao lưu, khơi nguồn cảm hứng cho kiều bào trẻ
Kiều bào trẻ Daniel Hoài Tiến chia sẻ chân thành cởi mở với các bạn trẻ trong buổi giao lưu. |
Mở đầu buổi giao lưu, Daniel Hoài Tiến đã có những chia sẻ rất chân thành khi trả lời câu hỏi của bạn Phương Linh, đến từ Bungari với câu hỏi tại sao anh lại chọn con đường trở về Việt Nam để lập nghiệp: "Là một đứa trẻ được sinh ra trên đất Mỹ, được cha mẹ tạo điều kiện để hòa nhập hoàn toàn với cộng đồng, Hoài Tiến từ nhỏ đến lớn không phải học một câu tiếng Việt nào. Cho đến khi anh quyết định học một ngoại ngữ khác, và anh đã chọn… tiếng Việt. Tại lớp học này, lần đầu tiên anh được cô giáo giải nghĩa cái tên Việt Nam của anh, điều mà cha mẹ anh chưa bao giờ làm. Hoài Tiến cảm thấy như được thức tỉnh. Dòng máu Việt thôi thúc anh trở về quê hương. Giờ đây, sau 2 năm sống và làm việc tại Việt Nam, anh đã là một người Việt 100% với vốn hiểu biết sâu sắc về dân tộc học và ấp ủ nhiều dự án đem lại lợi ích cho người dân tộc thiểu số”.
Trả lời câu hỏi của bạn Kevin Tạ Nguyễn, đến từ Mỹ, cho rằng khởi nghiệp tại Việt Nam chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, anh đã vượt qua như thế nào, Hoài Tiến cho biết: “Thay đổi để thích nghi với một xã hội khác hoàn toàn nơi mình sinh ra và lớn lên là một điểm quan trọng trong bước đầu tiên của khởi nghiệp tại Việt Nam. Anh suy nghĩ khởi nghiệp là việc làm đòi hỏi sự mạnh dạn và táo bạo của tuổi trẻ. Phần đông khi bắt tay khởi nghiệp đều phải vượt qua những khó khăn và những khó khăn khi phải hòa nhập với một cộng đồng mới đòi hỏi mình phải tâm huyết, quyết tâm và dám đối đầu với thử thách, đó là tất cả những kinh nghiệm anh có được cho tới ngày hôm nay".
Công việc hiện tại của Daniel Hoài Tiến là chuyên gia tư vấn, hỗ trợ bà con dân tộc miền núi phía Bắc phát triển sinh kế bền vững từ các sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và bảo tồn thiên nhiên. Kinh nghiệm thực tiễn từ công việc của mình, anh nhận ra rằng vai trò của bản sắc văn hóa dân tộc là cốt lõi trong mọi công việc. Dù lập nghiệp ở lĩnh vực nào cũng cần tìm hiểu, gìn giữ cốt lõi văn hóa từng dân tộc, trên nền tảng đó để sáng tạo, cải thiện cái cũ và cho ra đời những sản phẩm mới, độc đáo hơn có thể cạnh tranh với bên ngoài.
Bằng trách nhiệm và tình yêu với quê hương, trong thời gian tới, anh sẽ cùng các kiều bào trẻ khác, tiếp tục có các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè quốc tế, để các bạn trẻ người Việt Nam ở các nước hiểu và thêm yêu đất nước mình.
Ngưỡng mộ trước những hoạt động của Daniel Hoài Tiến, bạn Lê Thủy Tiên, đến từ Anh chia sẻ sau buổi giao lưu: “Thông qua những chia sẻ của anh Hoài Tiến, chúng em thấy rằng, việc học tập và làm việc ở nước ngoài với tâm nguyện hướng về quê hương đất nước sẽ là cảm hứng nhiệt huyết để chúng em phấn đấu trong bước đường tương lai của mình sau này. Cám ơn Ban tổ chức đã có những hoạt động ý nghĩa để chúng em có cơ hội, học hỏi chia sẻ những suy nghĩ của mình với những người đi trước để tiếp nối những hành trình trở về với quê hương tiếp theo".
Kết thúc buổi giao lưu, các bạn trẻ đều nhận thấy rằng tham gia Trại hè Việt Nam chính là cơ hội để các em khám phá, tìm hiểu về nguồn cội của mình và truyền thống yêu nước của dân tộc, từ đó có những hoạt động hướng về quê hương đất nước một cách thiết thực nhất.
Một số hình ảnh tại buổi giao lưu:
Đông đủ các bạn trẻ chăm chú lắng nghe câu chuyện thú vị của kiều bào trẻ Daniel Hoài Tiến |
Bạn Trang Linh, đến từ Bungari đặt câu hỏi trong buổi giao lưu. |
Các bạn trẻ chụp ảnh kỷ niệm cùng Daniel Hoài Tiến |
Thúy Phạm