Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trại hè Việt Nam 2017: Khám phá núi Cấm, An Giang

Sáng 25/7, tiếp tục các hoạt động tìm hiểu và khám phá về đất phương Nam, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2017 đã đến tham quan Khu du lịch núi Cấm, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Núi Cấm còn có tên gọi là núi Ông Cấm hay Thiên Cấm Sơn cao khoảng 710m so với mực nước biển, nằm ở trung tâm vùng Bảy Núi (Thất Sơn), một địa thế núi non, cảnh quan hùng vĩ, một vùng sơn địa đặc thù hết sức độc đáo không chỉ của tỉnh An Giang mà cả vùng đồng bằng Nam Bộ.

Từ chân núi Cấm, Đoàn thanh thiếu niên kiều bào lên cáp treo bắt đầu hành trình khám phá núi Cấm. Cáp treo tại đây là hệ thống đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long và có chiều dài đứng thứ hai cả nước (3,5 km).

Ngồi trên cáp treo lơ lửng giữa bầu trời, các em được chiêm ngưỡng cảnh hồ Thanh Long thơ mộng và tận hưởng cảm giác thú vị khi được bềnh bồng trong sương mù.

Tại các điểm dừng chân, Đoàn đã tham quan các di tích chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, chùa Vạn Linh, hồ Thủy Liêm… Tuy trời mưa khá to nhưng cũng không cản được bước chân của các bạn trẻ kiều bào.

Em Vũ Triệu Phong (CHLB Đức) ​cho biết: “Đây là lần đầu tiên em được đến đây, chúng em được viếng chùa, tham quan những công trình kiến trúc đặc sắc như tượng Phật Di Lặc và bảo tháp tại chùa Vạn Linh. Núi Cấm rất ấn tượng với nhiều cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ… Thật đáng tiếc do trời mưa và sương mù nhiều nên chúng em không thể ngắm toàn cảnh khu vực này được”.

Còn em Nguyễn Công Học (CH Séc) chia sẻ: “Ấn tượng với em nhất là tượng Phật Di Lặc trong chùa Phật Lớn. Được biết, bức tượng này đã được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là tượng Phật trên đỉnh núi lớn nhất châu Á. Tuy đã hình dung trước sự đồ sộ của bức tượng nhưng khi trực tiếp được ngắm nhìn em vẫn không khỏi choáng ngợp. Tượng Phật Di Lặc mang tính thẩm mỹ cao về kiến trúc, nghệ thuật và xứng đáng công trình văn hóa nghệ thuật tôn nghiêm, có quy mô, độc đáo và lớn nhất Việt Nam và châu Á”.

Chia tay vùng núi Cấm, tỉnh An Giang, chiều 25/7, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2017 đến với thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tại đây, các em đã tham quan Cột mốc biên giới 314 - cột mốc có số thứ tự cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia. Đặc biệt, nhân kỷ niệm Ngày Thương binh, Liệt sỹ 27/7, các bạn thanh thiếu niên kiều bào đã trao tặng món quà trị giá 15 triệu đồng cho 15 thương bệnh binh và các gia đình có công với cách mạng trên địa bàn thị xã Hà Tiên.

Ngày mai (26/7), Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2017 sẽ tham quan Lăng Mạc Cửu và viếng mộ Chị Sứ tại tỉnh Kiên Giang.

Khu du lịch núi Cấm: Vùng Bảy Núi (An Giang), từ lâu đã được nhiều du khách biết đến vì có 7 ngọn núi trập trùng, đẹp nổi tiếng, đó là: núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài, núi Tượng, núi Két, núi Nước và núi Dài Năm Giếng, trong đó, núi Cấm là ngọn núi mà du khách thường ghé thăm mỗi khi đến với vùng Bảy Núi.

Núi Cấm nằm trong khu tam giác Tịnh Biên - Nhà Bàng - Tri Tôn, thuộc địa phận xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Đây là ngọn núi cao nhất và hùng vĩ nhất trong dãy Thất Sơn.

Theo truyền thuyết, trước kia, nơi đây rất âm u, hiểm trở và có nhiều thú dữ ăn thịt, do vậy mà người dân trong vùng không dám lên núi săn bắn, hái lượm. Một truyền thuyết khác cho rằng, Nguyễn Ánh đã từng trú ẩn ở đây và truyền lệnh cấm dân chúng không được đi lại trong khu vực này. Hai lý do này lý giải tại sao ngọn núi này lại có tên là núi Cấm.

Ngoài môi trường thiên nhiên lý tưởng, núi Cấm còn nổi tiếng bởi có nhiều thắng cảnh đẹp như: vồ (ngọn đồi nhỏ) Bồ Hong, vồ Thiên Tuế, vồ Đầu, vồ Bà, vồ Ong Bướm, vồ Bạch Tượng, suối Thanh Long và một số công trình kiến trúc nổi tiếng như: chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, chùa Phật Nhỏ, tượng Phật Di Lặc, khu du lịch Lâm Viên…

Thủy Trần


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm