Tin mới nhất
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thanh thiếu niên kiều bào đến Hòn Đất viếng mộ chị Sứ

Sáng 26/7, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2017 đã đến Khu Di tích lịch sử văn hóa Hòn Đất thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang để viếng mộ của Anh hùng liệt sĩ Phan Thị Ràng - nhân vật nguyên mẫu của chị Sứ, trong tác phẩm Hòn Đất nổi tiếng của nhà văn, Thiếu tướng Anh Đức.

Vượt qua cổng chào hoành tráng vào sâu trong Khu Di tích, trước mắt các bạn trẻ kiều bào là hai tấm đá hoa cương có khắc tên tuổi của gần 1000 liệt sĩ huyện Hòn Đất. Từ đó bước xuống 37 bậc đá, các bạn gặp mộ của nữ liệt sĩ anh hùng Phan Thị Ràng. Ngôi mộ có mái ngói giả cổ uốn cong như ngôi miếu nhỏ và được đỡ bởi 12 cây cột trụ bề thế, uy nghi. Gần mộ chị Sứ - Phan Thị Ràng là quần thể phù điêu, tượng đài, nhà trưng bày hiện vật lịch sử.

Đoàn đại biểu kiều bào đã đến dâng hương tại mộ chị Sứ trong một khuôn viên xanh mát và nghe hướng dẫn viên kể về người con gái kiên cường, bất khuất, người anh hùng đã hy sinh cho đất nước.

Thắp nén nhang tưởng nhớ đến người nữ anh hùng kiên trung, các thành viên trong Đoàn đều không nén nổi niềm xúc động.

Em Đỗ Việt Dũng – đại biểu về từ CHLB Đức – xúc động tâm sự: “Chúng em sinh ra và lớn lên trong hòa bình, cũng chỉ mơ hồ biết đến chiến tranh qua những tư liệu. Nhưng đến đây, tận mắt nhìn và chứng kiến sự thật, em không khỏi xúc động. Không chỉ chị Sứ mà rất nhiều liệt sỹ đã hy sinh, tuổi chỉ ngang chúng em bây giờ, nhưng lại sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình vì hòa bình của đất nước. Và em hiểu rằng, sự quả cảm này xuất phát chính từ lòng yêu đất nước và yêu hòa bình. Em tự hứa với mình, từ giờ sẽ sống có ích hơn, phấn đấu nhiều hơn để góp sức xây dựng quê hương đất nước mình, xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của những anh hùng đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập cho dân tộc”.

Em Đỗ Thuỳ Linh - đại biểu về từ Slovakia cảm thấy buồn vì chiến tranh đã cướp đi cuộc đời của chị Sứ khi còn quá trẻ đồng thời cũng cảm thấy rất tự hào vì tấm gương hy sinh anh dũng của chị. "Tên tuổi của chị đã trở thành biểu tượng cho lòng quả cảm và yêu nước, gắn liền với địa danh Hòn Đất ngày nay. Đến đây em càng thêm tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ trước. Máu xương của họ đã đổ xuống để chúng em ngày nay được sống trong yên vui, hòa bình. Cầu chúc cho những anh linh anh hùng ấy luôn được yên bình và phù hộ cho đất nước, cho mọi người và cho thế hệ trẻ Việt Nam", Linh bày tỏ.

Thể hiện tấm lòng biết ơn đối với thế hệ trước đã hy sinh cho hòa bình dân tộc, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2017 đã kính tặng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử văn hóa Hòn Đất món quà trị giá 2 triệu đồng để góp kinh phí trùng tu Khu Di tích.

Rời mộ chị Sứ nhưng câu chuyện về một người con gái kiên cường sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc vẫn còn đọng lại mãi trong lòng các bạn trẻ. Tin rằng những người con đất Việt hôm nay sẽ tiếp tục truyền thống bất khuất của dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.

Trước khi viếng mộ chị Sứ, Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2017 đã tham quan Lăng Mạc Cửu thờ dòng họ Mạc mà khởi đầu là ông Mạc Cửu, người Quảng Đông, Trung Quốc, vì không chịu để tóc và theo một số tập tục của nhà Thanh nên đã rời bỏ đất nước và có công khai phá mảnh đất Hà Tiên. Đến 8/1708, nhận thấy vị thế rất mạnh của nhà Nguyễn trong cuộc chiến mở mang bờ cõi phía Nam, Mạc Cửu đã dâng vùng đất Hà Tiên cho nhà Nguyễn và được Chúa Nguyễn là Phúc Chu chấp thuận và phong làm Tổng trấn Hà Tiên.

Ngày mai, các bạn trẻ kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2017 sẽ tham quan chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) và chùa Dơi (Sóc Trăng).

Hòn Đất ngày nay đã gắn liền với tên chị Sứ - được xây dựng dựa trên hình ảnh của nữ liệt sĩ bất khuất Phan Thị Ràng, còn gọi là Tư Phùng, sinh năm 1937 ở xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang), theo cách mạng năm 1950 khi mới 13 tuổi và hy sinh vào rạng sáng ngày 9/1/1962 khi mới 25 tuổi ở chân núi Hòn Ðất khi chị mưu trí, dũng cảm đi lấy nước từ suối để tiếp tế cho bộ đội ở trong hang. Ðêm 8/1/1962, chị sa vào tay giặc, bị tra tấn dã man và kẻ địch nham hiểm đã bỏ thuốc độc vào suối, đồng thời nới vòng vây cho bộ đội ta đi lấy nước. Trước khi chết, chị Phan Thị Ràng đã kịp hét vào vách núi báo cho bộ đội trong hang biết nước suối đã có độc. Chị đã kịp thời cứu sống cả đồng đội và nhân dân, ghi chiến thắng huy hoàng và oanh liệt cho quân và dân Hòn Ðất, bẻ gãy âm mưu của kẻ thù. Ngày 20/12/1994, Chủ tịch nước đã truy tặng cho chị Tư Phùng - Phan Thị Ràng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1989, Hòn Ðất được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Thủy Trần


Các tin khác

noData
Không có dữ liệu

Tin tiêu điểm