Thanh niên kiều bào thăm vùng đất Thép Củ Chi
Trước khi thực địa hệ thống địa đạo, các bạn thanh niên kiều bào thắp hương tưởng niệm những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên mảnh đất anh hùng tại Đền tưởng niệm Bến Dược.
Bước vào Khu Di tích Địa đạo Củ Chi, Đoàn thanh niên kiều bào đã được hướng dẫn viên giới thiệu và xem phim tài liệu về mảnh đất và những con người Củ Chi anh hùng trước khi trực tiếp đi thực địa hệ thống địa đạo. Các bạn trẻ đều hết sức ấn tượng về “công trình địa đạo độc đáo” này và khâm phục tinh thần chiến đấu anh dũng, “một tấc không đi, một ly không rời”, giữ vững căn cứ cách mạng của quân dân Củ Chi trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ.
Hơn 200 km hệ thống địa đạo Củ Chi với bệnh xá, phòng ở, nhà bếp, kho chứa, phòng làm việc... ngầm sâu dưới lòng đất đã tạo ấn tượng mạnh và sự thán phục cho các bạn thanh niên kiều bào.
Bạn Trần Nam Anh – đại biểu về từ Mỹ chia sẻ: Tham quan Địa đạo Củ Chi gợi nhắc chúng em đến một thời đạn bom, máu lửa nhưng cũng hết sức hào hùng của dân tộc mình. Em vô cùng khâm phục những người dân ở đây bởi vì chỉ với chiếc cuốc, xẻng đơn sơ mà người dân Củ Chi đã làm nên những điều hết sức kỳ diệu và phi thường. Lòng quả cảm và tinh thần yêu nước của thế hệ đi trước đã đem đến hòa bình cho chúng em hôm nay. May mắn được sinh ra và lớn lên trong hoà bình nên em càng ý thức được cần phải cố gắng học tập và luyện rèn nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha ông đi trước.
Hào hứng khi được thực địa hệ thống địa đạo, bạn Lê Thị Quỳnh Anh, đại biểu về từ Ucraina cho biết: Thật thú vị khi được tự khám phá những đường hầm, len lỏi vào từng ngóc ngách chật chội của địa đạo. Đến thăm Địa đạo Củ Chi mới thấy được sự khó khăn, gian khổ và tinh thần quả cảm kiên cường của quân và dân miền Nam lúc bấy giờ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chuyến đi thực tế này càng giúp em thêm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam.
Buổi chiều, Đoàn đại biểu kiều bào đã đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh - nơi lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời để tố cáo những tội ác và nêu bật những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược.
Ngắm nhìn những hiện vật chiến tranh trưng bày trong Bảo tàng, nhiều bạn trẻ kiều bào không nén được xúc động. Bạn Phạm Ngọc Phương Anh – đại biểu về từ Ucraina chia sẻ: “Những chứng tích được lưu giữ tại nơi đây đã tố cáo tội ác của cuộc chiến tranh phi nghĩa mà hậu quả của nó vẫn tồn tại cho đến giờ… Tham quan Địa đạo Củ Chi và Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, em càng hiểu hơn ý nghĩa của sự hòa bình dân tộc, và chúng em sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ nền hòa bình dân tộc ấy”.
Ngày mai, Đoàn Trại hè Việt Nam 2017 sẽ tham quan Dinh Thống Nhất và có buổi giao lưu cùng John Hùng Trần - người Mỹ gốc Việt, tác giả cuốn sách “John đi tìm Hùng” để chia sẻ trải nghiệm tìm về nguồn cội, sống và lập nghiệp tại Việt Nam.
Địa đạo Củ Chi nằm cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 70 km về hướng Tây Bắc, là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa và sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài, ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Đây là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250 km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất dấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm… Ngày 12/2/2016, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi được đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. |
Thủy Trần