Trại hè Việt Nam 2015: Về với miền Đất Đỏ
|
Ngày 28/7, tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Lãnh đạo tỉnh đã có buổi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu thanh thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2015. Tại buổi gặp gỡ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ông Lê Thanh Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệt liệt chào mừng Đoàn về tới tỉnh. Trong không khí ấm áp, thân tình, ông Lê Thanh Dũng đã trò chuyện với các bạn trẻ về cuộc sống, học tập, tình cảm, sự gắn bó của các đại biểu đới với quê hương đất nước. Ngoài ra, ông Lê Thanh Dũng cũng thông báo tới đoàn những nét chính về tình hình kinh tế- xã hội, tiềm năng của tỉnh và mong muốn các đại biểu Trại hè Việt Nam 2015 sau khi trở về nước sẽ giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam trong đó có tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Thay mặt Đoàn Trại hè Việt Nam 2015, ông Lê Quốc Thịnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cảm ơn tình cảm, sự đón tiếp nồng ấm của Lãnh đạo tỉnh cùng các cơ quan ban ngành của tỉnh dành cho Đoàn. Ông cho biết, chương trình Trại Việt Nam đã được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan trong nước tổ chức được 12 năm dành cho các thanh niên sinh viên người Việt Nam ở nước ngoài về nước tìm hiểu về cội nguồn. Trong chuyến hành trình về với Bà Rịa- Vũng Tàu, quê hương của người anh hùng Võ Thị Sáu sẽ giúp các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và khát vọng hòa bình, phát triển của con người Việt Nam.
Sau buổi gặp gỡ, Đoàn Trại hè Việt Nam 2015 đã đến dâng hương tại đền thờ, nhà lưu niệm Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Võ Thị Sáu tại huyện Đất Đỏ; dâng hương tưởng nhớ các anh hùng lịêt sĩ tại Khu Di tích lịch sử kháng chiến Minh Đạm.
Chia sẻ về những cảm nhận khi đến với Bà Rịa- Vũng Tàu, bạn Nguyễn Diệu My (trở về từ CHLB Đức) cho biết: “Tham gia Trại hè Việt Nam 2015, chúng em đã được thăm quan tìm hiểu về nhiều di tích lịch sử của đất nước, những địa chỉ này không chỉ đẹp về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên cùng với con người thân thiện cởi mở mà còn chứa đựng cả chiều sâu về lịch sử. Những điều đó giúp ích rất nhiều cho chúng em khi giới thiệu tới bạn bè quốc tế về đất nước, con người Việt Nam. Đến với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu em cảm thấy cảnh quan nơi đây rất đẹp và mọi người rất thân thiện, cởi mở và đặc biệt em rất vui vì em được về thăm quê hương chị Võ Thị Sáu, để hiểu hơn về tấm gương tuổi trẻ đã hy sinh anh dũng, cống hiến cuộc đời cho Tổ quốc vinh quang. Bởi từ khi còn rất nhỏ em đã được biết về chị qua bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” mẹ thường hay hát”.
Còn đối với bạn Nguyễn Phan Bảo Linh (trở về từ Ucraina) thì Bà Rịa - Vũng Tàu như quê hương thứ hai của em bởi mỗi lần trở về Việt Nam em đều dành thời gian sống tại đây. Bảo Linh bày tỏ: “Bà Rịa – Vũng Tàu là tỉnh thành rất đẹp, tốc độ phát triển rất nhanh, mỗi lần em trở về đều thấy rất khác lạ. Hôm nay, chúng em được đến dâng hương tưởng nhớ chị Võ Thị Sáu, trong em mang những cảm xúc khó tả. Em cảm thấy buồn vì chiến tranh đã cướp đi tuổi đời đẹp nhất của chị Võ Thị Sáu nhưng em cũng cảm thấy rất tự hào vì tấm gương hy sinh anh dũng của chị. Đây cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam”.
Bạn Lưu Anh Dũng (trở về từ Liên bang Nga) tâm sự: “Sau hai năm trở về quê hương, được tham gia Trại hè Việt Nam 2015 em cảm thấy rất vui. Trong suốt hành trình vừa qua, em đã được đi qua nhiều tỉnh thành từ Bắc vào Nam, và hôm nay được đến với Bà Rịa- Vũng Tàu, em hiểu hơn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng dân tộc, em biết thêm về tấm gương hy sinh của chị Võ Thị Sáu cùng biết bao anh hùng liệt sĩ khác mà trước đây em chỉ biết thông qua sách vở. Em cảm thấy rất tự hào vì mình là người Việt Nam”.
Chiều cùng ngày, các bạn trẻ có buổi vui chơi tại bãi biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Buổi tối, Đoàn sẽ có buổi giao lưu với thanh niên sinh viên tỉnh.
Chị Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu sinh năm 1933 (có tài liệu ghi năm 1935), quê ở xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, nay thuộc xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị là con gái thứ sáu của ông Võ Văn Hợi làm nghề đánh xe ngựa và bà Nguyễn Thị Đậu bán bún bò.Võ Thị Sáu sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, làm liên lạc, tiếp tế và cung cấp nhiều tin tức có giá trị cho công an quận Đất Đỏ. Qua nhiều lần thử thách, chị luôn hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1947, công an quận đã quyết định kết nạp chị vào Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ khi mới 14 tuổi. Chị đã dũng cảm, sáng tạo và luôn hoàn thành nhiệm vụ người chiến sĩ công an xung phong, tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, trong đó nổi bật nhất là trận đánh diệt tên cai tổng nổi tiếng ác ôn ở Đất Đỏ vào năm 1949 và dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh tuyên truyền do Pháp thực hiện tại huyện. Vào tháng 12/1949, trong một chuyến công tác tại Đất Đỏ, chị Sáu đã sa vào tay giặc, hơn một tháng bị giam giữ tại nhà tù Đất Đỏ và khám đường Bà Rịa, địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không lấy được một lời khai nào của chị, sau đó bọn chúng đưa chị về giam giữ ở khám Chí Hòa. Mặc dù bị địch giam giữ nhưng chị Sáu vẫn tiếp tục làm liên lạc cho các đồng chí trong khám và cùng các chị, em trong tù đấu tranh buộc địch phải cải thiện cuộc sống trong nhà tù. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt và không nao núng của chị Sáu cùng những đồng chí trong tù, dù không đủ bằng chứng, nhưng thực dân Pháp cùng bọn tay sai vẫn kết án tử hình và đày chị ra Côn Đảo. Là người chiến sĩ kiên cường, dũng cảm, trung thành, chị Võ Thị Sáu vinh dự được Đảng ủy nhà tù Côn Đảo kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam và công nhận là đảng viên chính thức. Chị Võ Thị Sáu hy sinh vào sáng ngày 23/01/1952. Khi giặc Pháp đưa chị ra xử bắn, với nét mặt ung dung, bước đi vững chắc, ngẩng cao đầu, cất lên bài hát Quốc tế ca, với tinh thần lạc quan cách mạng, chị đã thể hiện tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cộng sản. Chị Võ Thị Sáu là người tử tù đầu tiên ở Côn Đảo cũng là người nữ tù nhỏ tuổi nhất, chị đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 02/08/1993. Di tích lịch sử cách mạng căn cứ Minh Đạm nằm ở phía Đông Nam trải dài khoảng 9 km trên địa bàn của các xã, thị trấn: An Ngãi, Long Mỹ, Phước Hải huyện Đất Đỏ, và thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Với địa hình hiểm trở và vị trí chiến lược quan trọng trong thời kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ huyện Ủy, huyện Đội Long Điền, Thị Ủy, Thị đội Cấp (Vũng Tàu) và một số xã… đã chọn nơi đây làm căn cứ đứng chân. Năm 1948, hai đồng chí Bùi Công Minh và Mạc Thanh Đạm là Bí thư, phó bí thư huyện Long Điền trong chuyến đi công tác đã anh dũng hy sinh tại chùa Giếng Gạch. Để tưởng nhớ hai người con ưu tú “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, Đảng bộ và nhân dân trong huyện đã đổi tên dãy núi Châu Long - Châu Viên thành Minh Đạm. Căn cứ Minh Đạm gồm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng được hình thành trong kháng chiến bằng việc lợi dụng ưu thế độ cao, các hang kiểu lò ảng tự nhiên, bằng đá hoa cương vững chắc như: khu vực Huyện Ủy, Quân Giới, Quân y, thị xã Cấp (Vũng Tàu), hang Tiền tiêu, B.2, C.25, tình báo Trung ương cục… được phân bố trong các khu vực Đá Chẻ, Giếng Gạch, Châu Viên, Đá Giăng. |
Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn:
|
|
|
|
|
|
|
|
Hạo Nhiên