A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tưởng nhớ, tri ân các liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc

Trong không khí cả nước hướng tới kỉ niệm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 và nhằm vinh danh, tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, sáng 26/7, Lễ Cầu siêu tưởng niệm anh linh các liệt sỹ đã chiến đấu và hy sinh tại các tỉnh phía Nam đã diễn ra trọng thể tại Đền tưởng niệm Bến Dược, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn đại biểu Trại hè Việt Nam 2013 đã tham dự các hoạt động này.
 



Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ 


Chương trình do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 66 năm Ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2013), nhằm tôn vinh những chiến công hiển hách của cha anh, thể hiện tâm nguyện khát vọng hòa bình và sự tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đối với các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Buổi lễ diễn ra trong không khí hết sức thiêng liêng, trang trọng. Tham dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao- Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp- Phó Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng đại diện cựu chiến binh, tăng ni Phật tử thành phố, đông đảo gia đình, thân nhân các liệt sĩ và gần 200 thanh niên kiều bào của Trại hè Việt Nam 2013. 



Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại buổi lễ 


Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn xúc động phát biểu: “Sinh ra trên dải đất hình chữ S, chúng ta tự hào rằng, dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, với khí phách quật cường, quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược và mỗi tấc đất đều thấm đẫm xương máu của các thế hệ cha anh. Trải qua hai cuộc kháng chiến lâu dài vì độc lập, tự do của Tổ quốc, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam trong đó có những người con thân yêu của miền Nam và miền Bắc đã hăng hái lên đường, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ đã cống hiến hết tuổi thanh xuân, cống hiến cả cuộc đời, ra đi không tiếc máu xương để tạc dáng non sông, dựng hình đất nước. Rất nhiều người đã ngã xuống nơi chiến trận và mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ, để chúng ta hôm nay được hưởng giá trị của độc lập, tự do, của hòa bình và hạnh phúc. Đất nước được rạng rỡ như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh to lớn của các anh, các chị. Lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các liệt sỹ đã vì nước quên thân, là một việc làm có ý nghĩa cao quý, là sự tôn vinh và tri ân sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những người có công với đất nước. Đây cũng là cơ hội để kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài hiểu thêm về truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, biết ơn sâu sắc những người đã hy sinh vì độc lập tự do của đất nước. Trước anh linh của các liệt sỹ, chúng ta xin nguyện một lòng hòa hợp, đoàn kết tạo thành sức mạnh dân tộc, bảo vệ hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ, nỗ lực xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.



 Hòa thượng Thích Đức Nghiệp- Phó Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
phát biểu tại buổi lễ


Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp- Phó Pháp Chủ Giáo hội Phật Giáo Việt Nam nhấn mạnh: "Sự khốc liệt của chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng nhưng trong ký ức mọi người dân Việt Nam không bao giờ quên được sự hy sinh anh dũng, to lớn và cao cả của các liệt sĩ trên các chiến trường, trong đó có chiến trường Củ Chi. Các anh, các chị tuổi đời còn rất trẻ đã bỏ lại sau lưng bao ước mơ, hoài bão, hạnh phúc của riêng mình, theo tiếng gọi của non sông, lên đường ra chiến trận để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân. Như Giáo sư Vũ Khiêu đã từng nói:

“Hiến thân cho nước: Sống đã vinh mà thác cũng vinh
Hết dạ vì dân: Mệnh chẳng thọ mà danh lại thọ”.

Đại lễ cầu siêu tưởng niệm các liệt sĩ được tôn thờ tại Đền Bến Dược hôm nay là một trong những dịp để tất cả chúng ta - những người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước - cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, thực hiện một truyền thống tốt đẹp của Đạo Phật và của dân tộc về sự biết ơn, nhớ ơn với sự kiên trung, anh dũng hy sinh của các liệt sĩ, những người yêu nước- những người con ưu tú của đất nước đã vĩnh viễn nằm xuống cho sự hòa bình và độc lập của dân tộc”.



Bạn Nguyễn Triệu My chia sẻ suy nghĩ,
cảm tưởng tại buổi lễ

Hoạt động tri ân thương binh, liệt sĩ gần như đã trở thành hoạt động thường xuyên của Trại hè Việt Nam nhân Ngày thương binh liệt sĩ 27/7 hàng năm. Đại diện cho gần 200 thanh thiếu niên Việt Nam ở nước ngoài tham dự Trại hè Việt Nam 2013, em Nguyễn Triệu My về từ Nauy chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc khi tham dự lễ tưởng niệm: “Trở về thăm quê hương vào đúng tháng 7 – tháng tình nghĩa, tháng tri ân các thế hệ người Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc, chúng cháu thật xúc động và tự hào được về đây, về Đền Bến Dược, tp. Hồ Chí Minh anh hùng để cùng với các bác, các cô, các chú thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đến đây, chúng cháu vừa khâm phục ý chí quật cường của các anh hùng liệt sỹ, vừa tự hào và biết ơn sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông đi trước. Máu xương của các anh hùng liệt sỹ đã đổ xuống để chúng cháu ngày nay được sống trong yên vui, hòa bình. Đến đây, chúng cháu như được tiếp thêm sức mạnh ý chí, phấn đấu học tập và lao động để xứng đáng là nòi giống Việt Nam. Trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ, chúng cháu xin kính dâng các anh những tình cảm kính yêu nhất của những người con ở xa Tổ quốc, chúng cháu nguyện nâng cao lòng tự hào và ý thức tự tôn dân tộc thông qua việc học hỏi, giữ gìn bản sắc văn hóa, truyền thống của cha ông và các hoạt động đoàn kết, học tập và giúp đỡ lẫn nhau, noi gương các anh, đóng góp hết mình cho sự phát triển của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài cũng như của dân tộc Việt Nam”. My cũng chia sẻ niềm vui khi được tham dự Trại hè Việt Nam 2013 với nhiều hoạt động bổ ích và lý thú như tìm hiểu về lịch sử biên giới quốc gia (thăm cột mốc biên giới tại cửa khẩu Thanh Thủy - Hà Giang), thăm các thắng cảnh nổi tiếng Việt Nam và thế giới (Chùa Một Cột, Thành Nhà Hồ, khu di tích Lịch sử Lam Kinh, Đại Nội, Lăng Khải Định, Chùa Thiên Mụ, Dinh Độc lập) và tham gia các hoạt động mang tính giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tri ân các vị tổ tiên và anh hùng dân tộc. Đặc biệt là lần đầu tiên - nhân kỷ niệm 10 năm Trại hè Việt Nam - đại biểu Trại hè đã được cùng nhau trải nghiệm một hành trình lý thú trải dài từ điểm đầu đến điểm cuối của đất nước, qua đó có cái nhìn trực quan về mảnh đất hình chữ S, được tận mắt chứng kiến ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ông cha ta.

 

Sau khi tham dự Lễ cầu siêu tại Đền Bến Dược, các đại biểu Trại hè đã được tham quan thực địa Di tích địa đạo Củ Chi- một công trình kiến trúc độc đáo, có một hệ thống đường hầm nằm sâu trong lòng đất, nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, dài trên 200km, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu của những con người đã được dành tặng danh hiệu “thành đồng đất thép”.

Tham dự lễ cầu siêu và thăm quan thực tế địa đạo Củ Chi đã giúp các bạn trẻ kiều bào hiểu hơn về lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và tinh thần quả cảm bảo vệ non sông gấm vóc của cha anh xưa. Chia sẻ về tình cảm của thế hệ trẻ kiều bào đối với những gì thế hệ cha anh đi trước đã dựng xây, bạn Phạm Thị Thanh Tuyền về từ Trung Quốc cho biết: “Hôm nay, em được đến dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Đền Bến Dược, điều làm em rất xúc động là những tấm bia khắc rất nhiều tên tuổi của những người con Việt Nam đã hy sinh vì đất nước. Em thấy sự hy sinh của các anh chị thật lớn lao. Và ngay sau đó, em lại được tham quan địa đạo Củ Chi, em lại càng cảm phục ý chí và tinh thần quật cường của thế hệ cha anh".

Theo chương trình, ngày mai, Đoàn sẽ rời thành phố Hồ Chí Minh đến với Cà Mau - hành trình cuối cùng và sẽ Bế mạc Trại hè Việt Nam 2013 tại đây.


Đền Tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược là một công trình lịch sử văn hóa của Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sỹ đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Đền được khởi công từ ngày 19/5/1993 nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 103 của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam, trên một vùng đất rộng 7 ha trong quần thể của Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

44.520 liệt sỹ được khắc tên trong Đền, gồm có mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng, liệt sỹ, trong đó có 9.322 liệt sỹ là con em của 40 tỉnh, thành phố khác.

Địa đạo Củ Chi là một Di tích Lịch sử Cách mạng nổi tiếng cách TP.HCM 70km về phía Tây Bắc. Địa đạo Củ Chi thể hiện ý chí kiên cường, trí thông minh, niềm tự hào của người dân Củ Chi, là biểu tượng của Chủ nghĩa Anh hùng Cách mạng của dân tộc Việt Nam. Củ Chi đã được tặng danh hiệu “Đất thép thành đồng”.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi vinh dự là một trong ba di tích cấp Quốc gia được Nhà nước xếp hạng và công nhận sớm nhất ở TP.HCM. Với tầm vóc chiến tranh của mình, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ XX và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.

Một số hình ảnh hoạt động của Đoàn:





Quỹ từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao tặng 100 triệu đồng
cho Quỹ xây dựng nhà tình nghĩa thành phố để xây dựng hai căn nhà
cho gia đình người có công  




Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn thăm hỏi và dặn dò các đại biểu Trại hè 




Đoàn thăm khu Di tích địa đạo Củ Chi 




Các đại biểu nghe giới thiệu và phim tài liệu tổng thể về địa đạo Củ Chi







Các bạn trẻ kiều bào thưởng thức món sắn luộc- món ăn của các chiến sĩ và bà con Củ Chi trong kháng chiến 




Chụp ảnh lưu niệm cùng các hướng dẫn viên của khu di tích địa đạo Củ Chi

Dương Tiên


Các tin khác

Tin tiêu điểm