A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trại hè Việt Nam 2013: Vang vọng tiếng gọi cội nguồn

Không phải ngẫu nhiên mà Đền Hùng là điểm đến đầu tiên trong chuỗi hoạt động của Trại hè Việt Nam 2013. Với những người con xa xứ như chúng tôi, về với Đền Hùng là về với cội nguồn của dân tộc, qua những câu chuyện truyền thuyết về “bọc trăm trứng” của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ… để hiểu thêm về truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mình.

 



Các bạn đại biểu Trại hè 2013 chăm chú nghe hướng dẫn viên Bảo tàng Quang Trung giới thiệu về thân thế, sự nghiệp vua Quang Trung và Khởi nghĩa Tây Sơn 


“Chạm tay” vào lịch sử

Mùa hè năm nay, khi tôi vừa tốt nghiệp Đại học Brown, Mỹ, tôi vinh dự được trở về Việt Nam tham dự Trại hè Việt Nam 2013 dành cho thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài. Tôi vẫn nhớ cái cảm giác bỡ ngỡ của ngày đâu tiên gặp các bạn, các em ở khách sạn Hoà Bình. Những gương mặt rất trẻ (đa phần các bạn đều ít tuổi hơn tôi). Hành trình xuyên Việt với nội dung đầy lý thú cùng với sức trẻ và lòng nhiệt huyết của các bạn trại sinh đã cho tôi rất nhiều niềm hứng khởi và háo hức trong suốt hành trình 20 ngày từ Hà Giang - địa đầu Tổ quốc- đến đất mũi Cà Mau.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Đền Hùng là nơi đầu tiên những người con xa xứ chúng tôi  đến. Về với Đền Hùng, chúng tôi được tìm về với cội nguồn của dân tộc qua những câu chuyện truyền thuyết về “bọc trăm trứng” của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ, truyền thuyết “Bánh chưng, bánh dày” để hiểu thêm về quan niệm “vuông tròn” của ông cha ta và  nền nông nghiệp lúa nước truyền thống cùng với tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Đó chính là biểu hiện sinh động của đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc mình. Được dâng nén hương thơm tưởng nhớ Vua Hùng, tôi cảm thấy rất vui và tự hào là con cháu của người.

Chuyến đi xuyên Việt từ Hà Giang đến Cà Mau không chỉ cho tôi cơ hội được gặp gỡ nhiều con người Việt Nam đến từ các vùng miền khác nhau của Tổ quốc mà còn giúp tôi có được hình dung khái quát về đất nước thân yêu hình chữ S, anh dũng quật cường. Chúng tôi được tham dự hai đại lễ cầu siêu cho anh linh của các chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc (nghĩa trang Vị Xuyên ở Hà Giang, Đền tưởng niệm Bến Dược ở Củ Chi).



Niềm phấn khởi của Ngọc Trâm khi được tham quan thực tế Địa đạo Củ Chi 


Phút mặc niệm rồi dâng hương bày tỏ lòng biết ơn đến những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì đất nước tôi bỗng thấy cay cay nơi khóe mắt. Ở Địa đạo Củ Chi, qua lời kể của chị hướng dẫn viên, qua những thước phim tài liệu và đặc biệt là được trực tiếp khom mình xuống địa đạo, tôi và các bạn vừa cảm thấy hứng thú với những trải nghiệm thực tế mới lạ, đồng thời cũng hiểu thêm về sự kiên cường, bất khuất, đức tính chịu thương, chịu khó của đồng bào ta trong cuộc trường kỳ kháng chiến mà trước nay tôi vẫn chỉ biết đến qua sách vở, báo chí. Tôi và các bạn mình đều cảm thấy thật may mắn vì chúng tôi được sống trong hoà bình và có được một đất nước Việt Nam độc lập, toàn vẹn lãnh thổ như ngày hôm nay, là nhờ sự hi sinh xương máu của biết bao thế hệ chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống trong các cuộc trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Khoảnh khắc tri ân ấy thật đáng quý, đặc biệt khi những thanh niên trẻ như chúng tôi dễ bị cuộc sống và công việc học hành cuốn đi và nhiều khi cảm thấy những gì mình đang được hưởng thụ là điều thường ngày, nghiễm nhiên. 

…Và cuộc gặp thú vị

Khi đến thăm Hà Giang, nơi có cột cờ Lũng Cú và Cao nguyên đá Đồng Văn, và cũng là nơi đã để lại trong tôi những kỷ niệm khó quên. Khởi hành lúc 5h sáng, xe chúng tôi đi trên con đường đèo núi quanh co, khúc khuỷu, gập ghềnh mà với những bạn vốn quen đi đường cao tốc bằng phẳng ở nước ngoài thì thật khó có thể thích nghi nhanh được và khó tránh khỏi cảm giác nôn nao. Tôi còn nhớ các bạn nam đến từ đoàn Mỹ, dù thân hình cao lớn nhưng đi được một đoạn ngắn cũng không chịu được đường xóc mà phải lên ngồi ghế trên đầu xe cạnh bác tài. Cá nhân tôi ngồi trên xe, tay vịn vào ghế của bạn ngồi trước mà có cảm giác như mình đang được phi ngựa lên núi cao. Cũng là một trải nghiệm thú vị! Khoảng 12h kém chúng tôi lên tới cột cờ Lũng Cú, các bạn theo các bậc thang leo lên cột cờ, ai cũng thấm mệt. Vậy mà khi leo lên đên nơi, được ngắm nhìn từ một vị trí rất gần lá cờ đỏ sao vàng rất lớn đang tung bay giữa nền trời xanh, cảm giác say xe khi trước kỳ lạ thay liền tan biến. Lòng tôi trào dâng niềm tự hào mình là người con của Việt Nam và niềm vinh dự khi được đặt chân đến điểm địa đầu của Tổ quốc. Ngắm nhìn cảnh sắc hữu tình của phong cảnh núi non, làng bản từ đài quan sát cột cờ Lũng Cú, tôi thấy thêm yêu quê hương mình và cảm thấy mình có trách nhiệm gìn giữ vẻ đẹp thanh bình, xanh đẹp của Tổ quốc mình.

Chiều hôm đó, khi xuống núi, xe chúng tôi bị thủng lốp nên phải dừng lại một lúc để sửa chữa. Trong lúc ấy, chúng tôi đã được tiếp xúc với một em gái nhỏ, người dân tộc Thái ở Hà Giang khi em đang vác củi trở về nhà. Tôi và các bạn đã không kìm được xúc động khi tự mình vác bó củi mà em phải gánh về. Nhiều bạn nữ đã không thể tự mình nhấc bó củi nặng lên, vậy mà một em bé mới 10 tuổi. Khi được hỏi em có thấy nặng quá không, em vui vẻ trả lời: “Em thấy cũng bình thường”. Lát sau, chúng tôi gặp mẹ em, cũng đang vác trên mình một bó củi to gấp rưỡi bó củi của em bé. Chúng tôi hỏi chuyện và biết nhà em ở trên núi cách đây khoảng 3 cây số và hàng ngày em phải đi bộ khoảng 9 cây số từ nhà đến trường học. Trước khi gặp em, nhiều người trong số chúng tôi đều kêu ca với nhau vì hành trình đến Lũng Cú và Cao nguyên đá Đồng Văn thật gập ghềnh và khiến nhiều bạn bị say xe. Nhưng gặp em rồi, chúng tôi ai nấy nhìn nhau và như thầm nói với nhau rằng những cảm giác mệt mỏi của chúng tôi thật chẳng thấm tháp gì so với những khó khăn, cực nhọc mà em bé Thái kia và mẹ em đang trải qua; rằng những khó khăn, trở ngại rất nhỏ mà chúng tôi thường hay kêu ca với nhau hay với cha mẹ thật chẳng thấm tháp vào đâu so với cuộc sống còn nhiều nhọc nhằn của em nhỏ miền núi. Cuộc gặp thật tình cờ mà đầy ý nghĩa. Trước khi chia tay em bé Thái và mẹ em, chúng tôi đã quyên góp toàn bộ bánh kẹo mang theo ăn đường tặng cho em.

Hành trình xuyên Việt rồi cũng đến lúc kết thúc, nhưng mỗi nơi tôi đi qua đều đã để lại những ấn tượng và kỷ niệm khó quên. Chia tay các bạn trại sinh, tạm xa đất nước Việt Nam yên bình, thân thương, tôi đã mang những điều tuyệt vời mình học được từ Trại hè Việt Nam 2013 trở về Nga và rất mong một ngày sớm trở về…

Phạm Thị Ngọc Trâm (LB Nga)

 


Tin liên quan

Tin tiêu điểm

noData
Không có dữ liệu