Trại hè Việt Nam 2012: Tri ân các anh hùng, liệt sỹ tại Nghĩa trang Hàng Dương
Các hoạt động của Lễ tưởng niệm do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban), Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn phát biểu tại Lễ tưởng niệm |
Tham dự buổi lễ có Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Uỷ ban; Trung tướng Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương cùng gần 180 thanh thiếu niên kiều bào tham dự Trại hè Việt Nam 2012, các Tăng ni Phật tử và đông đảo nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn xúc động cho biết: Non sông đất nước ta, nhân dân ta đâu đâu cũng thấm đượm truyền thống anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, tinh thần bất diệt ấy được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Hôm nay, chúng ta vô cùng vinh dự và xúc động được có mặt tại Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi đây đã từng là “địa ngục trần gian” dưới chế độ nhà tù độc ác, dã man nhất mà thực dân, đế quốc đã sử dụng để hủy diệt thể xác, tinh thần và ý chí của các nhà yêu nước, các chiến sĩ cách mạng. Tại nơi đây, hàng vạn chiến sĩ cách mạng, những người con ưu tú của Tổ quốc đã ngoan cường chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của dân tộc .
Nhưng cũng chính nơi đây, các anh các chị, những người con trung dũng kiên cường của dân tộc Việt Nam đã vĩnh viễn nằm xuống hóa thân vào mảnh đất thiêng liêng này, viết lên một bản anh hùng ca, một huyền thoại bất diệt – Huyền thoại Côn Đảo. Máu của các anh, các chị đã thấm vào từng mảnh đất nơi đây, lịch sử và bao sự tích hào hùng ấy tưởng như chỉ có trong huyền thoại để cho đến hôm nay và mãi về sau, dù trải qua bao năm tháng, vẫn tồn tại mãi theo thời gian và không gian như để cho hậu thế chiêm ngưỡng, kính trọng về lòng dũng cảm và ý chí cách mạng kiên cường.
Thứ trưởng khẳng định: Có được cuộc sống độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc ngày hôm nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công lao, xương máu của bao anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất của quê hương. Tại giờ khắc thiêng liêng, trang trọng này, chúng ta kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm anh linh những người con ưu tú của dân tộc, những chiến sỹ cách mạng trung kiên đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; bày tỏ lòng tri ân, đáp nghĩa tới các bậc sinh thành đã cống hiến cho Tổ quốc những người con anh hùng, bất khuất đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hoạt động tri ân thương binh, liệt sĩ gần như đã trở thành hoạt động thường xuyên của Trại hè Việt
Ngày nay, ở độ tuổi đôi mươi, cái tuổi mà chúng cháu chỉ bận tâm đến chuyện phấn đấu học hành để sau này tìm kiếm việc làm và hưởng thụ những gì là tươi đẹp nhất của đời người. Trong khi vào thời đó, các anh, các chị phải gác lại tất cả ước mơ của tuổi trẻ để dành tâm huyết cho một khát vọng duy nhất của cả dân tộc, đó là hòa bình và thống nhất đất nước.
Trước anh linh của các anh hùng liệt sỹ, chúng cháu xin hứa sẽ cố gắng học tập và công tác tốt hơn nữa để khẳng định ý chí, nghị lực và trí tuệ Việt Nam trước bạn bè thế giới; cố gắng đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc phát triển cộng đồng người Việt Nam ở sở tại; cố gắng giữ quan hệ tốt với các bạn và nhân dân sở tại. Chúng cháu xin được cùng các bác, các cô, các chú thắp những nén hương thơm để cùng tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Côn Đảo. Cầu chúc cho các anh được yên bình và phù hộ cho đất nước, cho mọi người và cho thế hệ trẻ Việt Nam”.
Tặng quà các gia đình chính sách tại Côn Đảo |
Lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh tại Côn Đảo là dịp để thế hệ trẻ kiều bào thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những chiến sĩ cộng sản đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Cũng trong lễ tưởng niệm, các bạn trẻ tham dự Trại hè Việt Nam 2012 đã gửi tặng món quà mà các em quyên góp được cho những gia đình chính sách tại Côn Đảo.
Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2, gồm 3 khu: khu A, khua B và khu C. Theo số liệu ước định có khoảng: 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo. Tuy nhiên không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương. Nghĩa địa tù được lập ở khu vực Chuồng Bò, sau dời lên Hàng Keo. Từ năm 1944, chế độ khủng bố trắng sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ đã giết hại hàng ngàn tù nhân. Nghĩa địa Hàng Keo hầu như hết chỗ, thực dân Pháp mở nghĩa địa Hàng Dương để chôn tù. Tính đến ngày Côn Đảo hoàn toàn giải phóng (1975), nghĩa trang lịch sử này tròn 35 tuổi. Trong vòng 35 năm ấy, ước tính khoảng 6.000 tù nhân bị giết hại. Mỗi ngôi mộ ở nghĩa trang này không chỉ là một số phận bi hùng, một chứng tích tội ác của thực dân đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu tranh trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Nghĩa trang Hàng Dương được bảo tồn như một di tích lịch sử đặc biệt. Nghĩa trang hàng Dương với hàng ngàn nấm mộ có tên và không tên là bằng chứng hùng hồn về tội ác của đế quốc, thực dân đối với dân tộc ta. Đó là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú của dân tộc ta, đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích, trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. |
Một số hình ảnh của Đoàn Trại hè Việt Nam tại lễ tưởng niệm:
Thủy Trần